Người bạn bất đắc dĩ
Để cải thiện bữa ăn, trên hầu hết các đảo chìm, đảo nổi ở Quần đảo Trường Sa hiện nay đều đã có chuồng trại để các chiến sỹ tăng gia chăn nuôi, trong đó hầu hết các đảo nổi đã nuôi được lợn, gà, thậm chí mới đây đảo Song Tử Tây đã nuôi được cả bò.
Vịt, ngan cũng được nuôi ở đại đa số các đảo. Dù là thủy cầm nhưng ngan, vịt nuôi trên các đảo đều phải nuôi nhốt trong chuồng kín mít, bởi chúng không chịu được sóng gió, và cơ bản là không thể sống được ở nước mặn.
Đàn vịt trên đảo Núi Le |
Thế nhưng riêng ở đảo Núi Le, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đều rất lạ lẫm bởi chỉ duy nhất trên đảo này có một đàn vịt, và điều lạ là chúng chẳng phải nuôi nhốt trong chuồng kín như các đảo khác mà vô tư tung tăng ngụp lặn bắt mồi quanh rạn san hô trên đảo.
Cùng với đàn chó và ba “chú ỉn” núc ních, dù là một đảo chìm mọc giữa biển trời mênh mông, nhưng Núi Le sinh động chẳng khác nào một góc làng quê trong đất liền.
Tại sao đàn vịt ở đảo Núi Le lại chẳng sợ cái mặn chát của biển như vậy? Chiến sỹ Nguyễn Văn Thường, một cán bộ gắn bó lâu năm ở Phân đội Làng chài đảo Núi Le (thuộc Cty TNHH MTV Hải sản Biển Đông của Quân chủng Hải quân) bảo rằng, sở dĩ đảo có đàn vịt như bây giờ thực ra là câu chuyện rất tình cờ tới hài hước cách đây mấy tháng.
Anh Thường kể: Sau đợt Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, một số cán bộ trên đảo được về quê nghỉ phép. Ra Tết, khi trở lại đảo công tác, do một số anh em chiến sỹ ở đảo thèm trướng vịt lộn, nên có đề nghị mang theo mấy chục quả trứng vịt lộn ra làm quà. Oái oăm, do biển động nên tàu ra đảo phải mất gần cả tuần liền. Vì thế tới khi trứng vịt lộn ra được tới đảo thì một số quả đã nở thành vịt con. Cực chẳng đã, anh em chiến sỹ trên đảo bèn thử để lại nuôi xem thế nào.
Mấy ngày đầu, dĩ nhiên là phải cho lũ vịt con uống nước ngọt, ăn cơm thừa canh cặn nên chúng vẫn sống khỏe. Thế nhưng chưa đầy chục ngày, một số con cứng cáp đã lò dò lội xuống biển, khi lên bờ thì bộ lông con nào con nấy bị nước biển dính bết vào như gắn keo, ít ngày sau thì lăn ra chết. Cả đàn vịt con nở ra từ mớ trứng vịt lộn ban đầu lên tới 32 con thì chết mòn dần, chỉ còn có 17 con. Chẳng biết làm thế nào, một số anh em bèn nghĩ ra sáng kế phải “huấn luyện” cho chúng làm quen với nước biển.
Đàn vịt con được nhốt lại, trong chuồng đặt đồng thời một lúc hai chậu nước, một chậu nước ngọt, một chậu nước biển. Lũ vịt con cứ thế mò vào cả hai chậu. Sáng kiến ấy ai ngờ hiệu quả. Chỉ vài 2-3 tuần sau, khi đưa thử nghiệm thả ra biển thì chúng bơi lội bon bon, tự biết rỉa rông rỉa cánh nên bộ lông không còn bị dính bết vì nước mặn nữa. Dần dà, đàn vịt cứ thế tự biết lặn ngụp đi tìm mồi dọc rạn san hô quanh đảo.
Đến nay, sau gần 5 tháng nuôi ở đảo Núi Le, vịt đã đẻ trứng đều đặn. Biết được bí kíp vịt từ đất liền có thể “huấn luyện” được để sống ở biển nên mới đây, một số chiến sỹ trên đảo nhân tiện người thân gửi quà từ đất liền ra, cũng kèm theo mấy chục quả trứng vịt lộn vừa để ăn, vừa để nở dần làm vịt con. Bây giờ ngoài 17 con vịt đầu tiên, đã có thêm gần chục con vịt nữa. Đàn vịt con những lứa sau chỉ sau 2-3 tuần “huấn luyện” là đã có thể theo chân “đàn anh” tung tăng ra biển.
Đàn vịt – người bạn mang hơi ấm đất liền cho chiến sỹ trên đảo Núi Le |
Chiến sỹ trên đảo Núi Le kể: Dù mới sống trên đảo chưa đầy nửa năm, nhưng đàn vịt đã tỏ ra rất có kinh nghiệm. Hễ trời chuẩn bị nổi mưa dông là chúng như linh cảm được sắp có sóng lớn, đang kiếm ăn cách xa đảo cũng vội vã bơi về tìm nơi trú ẩn. Đặc biệt, kể cả khi nước triều xuống thấp, chúng cũng chẳng thèm bơi đi xa ra biển mà chỉ quẩn quanh ở rạn san hô quanh đảo mà thôi.
Đàn vịt gần 30 con hiện tại, chỉ có 2 con vịt đực. Mặc dù 2 con vịt đực này chẳng đẻ trứng được, nhưng vẫn phải nuôi “báo cô”, bởi đơn giản chúng là 2 con vịt đầu đàn. Mỗi khi ra biển kiếm mồi, đi đâu cả đàn đều phải răm rắp đi theo 2 con vịt đực này dẫn đầu. “Kể từ ngày có đàn vịt, không khí trên đảo ấm áp hơn rất nhiều, y như đang ở quê vậy.
Vì vậy ngoài thức ăn chúng tự kiếm được, anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo đều tận dụng tối đa thức ăn thừa, kể cả cọng, gốc già của vườn rau xanh tăng gia trên đảo cũng không được vứt đi một cọng nào để băm nhuyễn, trộn thêm với cơm thừa để cải thiện bữa ăn cho đàn vịt” - Chiến sỹ Nguyễn Văn Thường vui vẻ.
“Thủ trưởng 4 chân”
Tới bất kỳ đảo nào ở Trường Sa, những chú chó chính là hình ảnh quen thuộc và là bầu bạn không thể thiếu của các chiến sỹ đóng quân trên đảo. Chiến sỹ công tác ở mỗi đảo thường chỉ kéo dài 4 tháng tới 1 năm là phải luân chuyển công tác sang đảo khác, nhưng những chú chó thì vẫn trung thành ở lại trên đảo, có những con gắn bó 5-7 năm ở mỗi đảo.
Tuy nhiên để tránh tình trạng lai cận huyết, một số con cũng sẽ được luân chuyển giữa các đảo lẫn nhau. Trên mỗi đảo, chẳng phải chỉ có 1-2 con giữ nhà như trên đất liền, mà có tới mấy chục con chó. Có lẽ nhờ được các chiến sỹ trên đảo rèn cho tính kỷ luật nên dù đông như thế nhưng chúng “sinh hoạt” rất có trật tự nề nếp.
Chiến sỹ Đỗ Văn Vui (đảo An Bang) đùa rằng, ở với bộ đội quen nên những chú chó ở đây cũng được rèn luyện ý thức kỷ luật y như bộ đội vậy. Chỉ cần nhìn thấy phòng làm việc nào bỏ giày dép ngoài bệ cửa thì chúng biết ngay là không được đi giày dép vào phòng và không con nào dám bén mảng đi vào trong.
Chó là bầu bạn thân tình với các chiến sỹ trên đảo |
Trên đảo Tiên Nữ, dù chỉ là một đảo chìm chỉ có 2 khu nhà chừng vài nghìn mét vuông giành cho bộ đội đóng quân nhưng có tới 40 chú chó. Đảo có hai khu riêng biệt, một là khu hội trường, hai là khu vực sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ. Hai khu kết nối với nhau bằng một chiếc cầu.
Điều đặc biệt là đàn chó hơn 40 con chẳng con nào dám đi cầu bén mảng sang khu hội trường, mà chỉ quanh quẩn ở khu vực nhà sinh hoạt của bộ đội. Bởi chúng đã được anh em bộ đội “quán triệt” kỹ càng điều này do khu hội trường là khu vực chỉ dành cho cán bộ chiến sỹ làm việc trong giờ hành chính.
Điều lạ nữa là dù đàn chó tới 40 con, nhưng chúng chẳng bao giờ tranh giành, chiến đấu lẫn nhau, mà răm rắp tuân theo sự chỉ đạo của chú chó đầu đàn. Các chiến sỹ trên đảo cho biết, chó đầu đàn là con chó đực có uy thế về sức mạnh, nhưng cơ bản nhất chúng là con đực sống lâu năm nhất ở đảo ấy. Những con đực đến sau sẽ tự động nhận ra được điều đó và nhất cử nhất động đều phải phục tùng con đầu đàn.
Con chó đực đầu đàn ở đảo Tiên Nữ có tên là Lệch. Con Lệch to cao, có màu lông đen tuyền, điểm khác biệt là miệng rộng nhất đàn, mặt lệch hẳn về một bên. Cán bộ chiến sỹ trên đảo do luân chuyển công tác liên tục nên chẳng ai biết chính xác con Lệch đã gắn bó với đảo Tiên Nữ bao nhiêu năm, nghe đâu đã 6-7 năm gì đó.
“Chân dung” chú chó đầu đàn đảo Tiên Nữ |
Trung úy Lại Văn Tùng mới về công tác ở đảo hơn 4 tháng giải thích: Sở dĩ nó có tên là Lệch bởi hồi mới đặt chân lên đảo Tiên Nữ, nó đã phải trải qua một trận thư hùng với con chó đầu đàn trước đó. Trận chiến ác liệt tới nỗi nó bị con đầu đàn đả thương toạc cả một bên má. Thế nhưng phần thắng cuối cùng vẫn thuộc về con Lệch.
Sau trận chiến, anh em chiến sỹ phải băng bó vết thương chữa trị mãi mới lành hẳn, nhưng khuôn mặt nó đã bị lệch hẳn sang một bên vì di tích vết thương nên anh em đã gọi luôn biệt danh nó là Lệch.
Với vị thế là “thủ trưởng” của đàn chó gần 40 con trên đảo Tiên Nữ, con Lệch nắm quyền chỉ đạo, duy trì trật tự cho cả đại gia đình nó. Các cuộc xung đột giữa những chú chó hay gây hấn lẫn nhau đều có sự can thiệp kịp thời của con Lệch. Đi đâu trên đảo, kể cả bơi ra biển nó luôn là con dẫn đầu. Sống giữa bốn bề là nước, nó có khả năng bơi lội như một chiến sỹ đặc công nước.
Mỗi buổi chiều khi thủy triều rút, mực nước trên rạn san hô xuống thấp, nó oai vệ dẫn đầu cả đàn chó lội ra bắt cá quanh rạn san hô. Cá bò da, một loài cá ham vui thường lân la vào rạn san hô quanh đảo chính là mục tiêu ưa thích của đàn chó. Chuyện con Lệch thường xuyên lặn sâu cả vài mét, túm được những con cá bò da nặng 1-2 kg là hết sức bình thường. “Khuyển mã chi tình”, mỗi khi thu được chiến lợi phẩm, nó cắp con cá về đảo cho chiến sỹ làm thức ăn cải thiện, sủa vang trời khoe chiến tích.