| Hotline: 0983.970.780

Những người thầm lặng phía sau trái sầu riêng xuất khẩu

Thứ Ba 10/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

Tổ khuyến nông cộng đồng xã Phú Phụng thực hiện có hiệu quả vai trò liên kết xây dựng chuỗi giá trị, chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn.

Điểm tựa vững chắc

Phú Phụng (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là xã nông nghiệp về cây ăn trái, đặc biệt là cây chôm chôm (545ha), sầu riêng (100ha) với sản lượng trái cây hàng năm khoảng 16.000 tấn. Để phát huy thế mạnh của địa phương, đầu năm 2023, tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập với 7 thành viên, gồm cán bộ các ngành, đoàn thể và đặc biệt là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Qua hơn một năm, tổ đã kết nạp thêm 14 thành viên, nâng số thành viên lên 21.

Ngay những ngày đầu thành lập, ban quản lý đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân chuyển giao khoa học, hỗ trợ, tư vấn cho nông dân phát triển kinh tế vườn.

Ông Võ Tấn Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng xã Phú Phụng chia sẻ, tổ đã hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng 1 vùng nguyên liệu sầu riêng cho 29 hộ (10,3ha), 4 mã số vùng trồng chôm chôm xuất đi các thị trường New Zealand, châu Âu, Dubai, Hoa Kỳ.

Trái chôm chôm ở xã Phú Phụng được hợp tác xã bao tiêu thu mua, nông dân không sợ ế. Ảnh: Minh Đảm.

Trái chôm chôm ở xã Phú Phụng được hợp tác xã bao tiêu thu mua, nông dân không sợ ế. Ảnh: Minh Đảm.

Phát huy vai trò liên kết, xây dựng chuỗi giá trị, tổ liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng phân bón cho bà con với nhiều ưu đãi, đặc biệt là chiết khấu trực tiếp đến tay thành viên. Sản phẩm đã có Hợp tác xã ký kết bao tiêu nên nông dân an tâm sản xuất.

Ngoài ra, tổ cũng vận động doanh nghiệp hỗ trợ 5 mô hình trình diễn về cải tạo đất và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác theo hướng hữu cơ với tổng kinh phí 25 triệu đồng. Phối hợp với Trạm Khuyến nông khu vực Chợ Lách - Mỏ Cày Bắc mở 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học cho hơn 150 nông dân về các biện pháp chăm sóc, phòng chống hạn mặn cho cây trồng và vật nuôi. 

Đặc biệt, một doanh nghiệp đã hỗ trợ 70 triệu đồng cho 10 hộ nông dân thực hiện mô hình cải tạo đất và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng do mặn của nước thải từ nuôi lươn. Cùng với đó, tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất cho các hộ nuôi lươn.

Nông dân Lê Văn Bình ở ấp Cống có 4.000m2 trồng chôm chôm, năm ngoái ông đã tưới nhầm nước nhiễm mặn do các hộ nuôi lươn trong xóm xả ra nên cây có biểu hiện cháy lá, sắp chết. "Tổ khuyến nông hỗ trợ phân hữu cơ, đạm cá, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn xử lý. Sau 2 - 3 tháng, cây phục hồi lại, hiện cây đã tốt tương đương so với trước khi bị nước mặn ảnh hưởng”, ông Bình cho biết.

Ông Võ Tấn Truyền và nông dân Lê Văn Bình thăm vườn chôm chôm vừa phục hồi sau nhiễm mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Tấn Truyền và nông dân Lê Văn Bình thăm vườn chôm chôm vừa phục hồi sau nhiễm mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Nâng cao thu nhập cho nông dân

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phụng đánh giá, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Phú Phụng đạt 67,5 triệu đồng/năm, địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1952, ở ấp Chợ, một trong những học viên cao tuổi của các buổi tập huấn do tổ khuyến nông cộng đồng xã Phú Phụng tổ chức, đang có 3 mảnh vườn sầu riêng (giống Ri6) với diện tích 8.000m². Hiện nay, cả 8 công sầu riêng của bà đều được chứng nhận VietGAP và đang xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Canada, Mỹ.

Bà Nguyệt không đặt tất cả “trứng vào một rổ”, mà sản xuất rải vụ để có sầu riêng bán hai vụ thuận và nghịch. Năm ngoái, 6/8 công sầu riêng cho 11 tấn trái, giá bán dao động từ 80 - 110 ngàn đồng/kg, giúp gia đình bà Nguyệt thu về gần 1 tỷ đồng.

“Trồng sầu riêng không hề đơn giản. Mình mần cái gì cũng phải học hỏi người ta để làm theo mới đạt. Mần không theo hướng dẫn là không thành công”, bà Nguyệt tâm sự.

Bà Nguyệt và ông Truyền nói về xây dựng vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Nguyệt và ông Truyền nói về xây dựng vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Minh Đảm.

Sau tiếng cười của bà Nguyệt, ông Võ Tấn Truyền tiếp lời: “Hàng năm, xã có trên 1.500 lượt nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp từ xã đến trung ương, số lượt đăng ký tăng đều. Thành tích này đạt được cũng nhờ sự đóng góp của tổ khuyến nông cộng đồng”.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.