| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở Long An:

Những nông dân dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho quê hương

Thứ Tư 15/12/2021 , 07:18 (GMT+7)

Long An Với sự cần cù, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã có nhiều nông dân ở Long An vượt lên khá giàu.

Ông Nguyễn Văn Khải mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng công nhệ cao. Ảnh: Văn Đát.

Ông Nguyễn Văn Khải mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng công nhệ cao. Ảnh: Văn Đát.

Dám nghĩ, dám làm

Về xã Tân Chánh, huyện Cần Đước (Long An) hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Khải, có lẽ không ai không biết bởi ông là nông dân dám nghĩ, dám làm, sản xuất giỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khải còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người khác trong xã và đồng thời có nhiều đóng góp cho địa phương vào việc xây dựng nông thôn mới.

“Bén duyên” với nghề nuôi tôm từ hơn 20 năm trước, nhưng vài năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Khải, ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước mới thực sự làm giàu từ con tôm. Ông Khải cho biết, vào năm 1997, ông là một trong số ít hộ tiên phong trong xã tiến hành cải tạo ruộng lúa (3 công đất) để nuôi tôm. Khi đó, việc nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn và kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Chính vì vậy, nhiều năm liền ông bỏ công sức để đi học hỏi cách nuôi từ những mô hình khác.

Đến năm 2000, ông mạnh dạn vay vốn thuê thêm 2 ha đất và đầu tư máy móc nuôi tôm theo kiểu bán công nghiệp và thành công bắt đầu từ đó. “Nhờ được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, đồng thời với sự táo bạo của mình, tôi đã thành công khi nuôi tôm theo kiểu bán công nghiệp. Vụ thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, tính ra lời gấp mấy lần so với cách nuôi trước đây” - ông Khải nói.

Với những thành công bước đầu, ông phấn khởi và tiếp tục mở rộng diện tích các khu nuôi cũng như tính chất, quy mô của từng khu. Đến năm 2016, ông bắt đầu chuyển sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Ông Khải cho biết: Tận dụng các kinh nghiệm đã được học tập, áp dụng công nghệ mới, trang thiết bị dụng cụ: Máy cho ăn tự động, quạt nước, máy thổi oxy đáy và xử lý ao nuôi, ao lắng theo kỹ thuật được hướng dẫn nên tôm ít nhiễm bệnh, năng suất cao hơn rất nhiều, với 2 ha bình quân hàng năm ông thu lãi từ 1 đến 1,2 tỉ đồng.

Hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng từ 4 ha tôm của gia đình ông Khải. Ảnh: Văn Đát.

Hàng năm thu nhập hàng tỷ đồng từ 4 ha tôm của gia đình ông Khải. Ảnh: Văn Đát.

Từ năm 2018 đến nay ông còn mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Theo ông Khải, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi, ao nuôi được trải bạt hoàn toàn. Hệ thống xử lý chất thải trong ao nuôi, hệ thống tạo o xy cho ao cũng được đầu tư bài bản. Cần chia tôm theo từng giai đoạn nuôi để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm mau lớn, tránh dịch bệnh.

Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế, giờ đây ông Khải đã hoàn toàn làm chủ công nghệ trong quá trình nuôi tôm và liên tục thắng lợi ở mỗi vụ nuôi. Hiện tại với diện tích 4 ha nuôi tôm của gia đình ông, trung bình hàng năm thu hoạch 60 -70 tấn tôm, thu lợi nhuận hàng tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thị Hồng, Chủ tích Hội Nông dân xã Tân Chánh, huyện Cần Đước (Long An) nhận xét: Ông Khải là một trong những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương. Không Những làm giàu cho gia đình, ông còn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều nông dân khác trong ấp chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình.

Ngoài ra, ông còn hỗ trợ vốn không lấy lãi cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế. Nhờ đó, có 15 hộ thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Ông cũng tham gia các hoạt động, các phong trào hiết đất mở đường, đóng góp quỹ hỗ rợ nông dân, hổ trợ con em các hội viên khó khăn tiếp tục đến trường. Ông được UBND tỉnh tặng bằng khen sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền. 

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và đóng góp vào phong trào thi đua của địa phương, ông Nguyễn Văn Khải được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2020.

Thu nhập bạc tỷ từ trồng nấm

Được “mục sở thị” trang trại trồng nấm bào ngư của anh Lê Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó và biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nhàn đạt hiệu quả, vươn lên làm giàu.

Từ trồng nấm anh Nhàn thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Văn Đát.

Từ trồng nấm anh Nhàn thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Văn Đát.

Khởi nghiệp từ năm 2014, trong điều kiện còn khó khăn về vốn, thiếu kinh nghiệm trồng nấm bào ngư nên những đợt thu hoạch đầu tiên không mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng không vì thế mà nản chí, anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và tham gia nhiều diễn đàn khởi nghiệp để vận dụng vào thực tiễn và anh đã thành công với mô hình này.

Theo anh Nhàn, trồng nấm bào ngư không tốn nhiều diện tích, không phải xử lý bằng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật từ khâu xây dựng trại, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Muốn nấm phát triển tốt, mọc dày, đạt chất lượng, trong quá trình chăm sóc, người trồng thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhất là khâu tưới nước. Phôi nấm từ khi cấy giống cho đến thu hoạch khoảng 60 ngày. Một bịch phôi nấm thu hoạch 300 gram nấm và thu hoạch trong 5 tháng.

Song song với việc sản xuất nấm thương phẩm, anh Nhàn còn mạnh dạn đầu tư xây dựng lò sản xuất phôi giống. Thời gian đầu, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, phôi nấm không đạt chuẩn phải thực hiện nhiều lần.“Thuốc dạy thầy, cây dạy thợ”, sau nhiều lần làm đi, làm lại, anh Nhàn thành công việc sản xuất phôi giống. Từ sản xuất vài ngàn bịt phôi/tháng, hiện nay, số lượng trung bình mỗi tháng anh sản xuất, cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn bịt phôi giống.

Sau nhiều năm vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay trang trại nấm của anh phát triển với quy mô hơn 3.000m2, trong đó có hơn 1.000m2 trồng nấm với tổng số lượng hơn 100.000 phôi/đợt. Số diện tích còn lại, anh làm kho sản xuất phôi nấm với số lượng hơn 40.000 phôi/tháng để cung ứng cho khách hàng.

Với quy mô sản xuất như trên, mỗi năm, anh Nhàn thu nhập hơn 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động ở địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn tư vấn, chia sẻ kỹ thuật cho nhiều người trong và ngoài huyện để cùng nhau liên kết phát triển mô hình một cách bền vững.

Trang trại trồng nấm của anh Khải tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Ảnh: Văn Đát.

Trang trại trồng nấm của anh Khải tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Ảnh: Văn Đát.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Trang trại nấm của anh Nhàn được cấp giấy chứng nhận trại nấm sạch năm 2019. Hội Nông dân xã đã xây dựng được 1 tổ trồng nấm với 6 hội viên tham gia, sắp tới sẽ nhân rộng thêm để tăng thu nhập cho hội viên, nông dân trên địa bàn xã, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Làm giàu từ cây lúa

Bằng sự nỗ lực, siêng năng, sau hơn 30 năm cần cù lao động, cuộc sống gia đình ông Phạm Văn Hải, ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, đã đổi khác, vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả. Với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, vợ chồng ông có được bao nhiêu vốn thì cứ dồn hết cho việc sản xuất và cứ thế, dần dần ông tích lũy vốn mua đất để canh tác. Sau nhiều năm tích góp, đến nay, gia đình ông có gần 40 ha đất trồng lúa. 

Ông Hải làm giàu từ sản xuất lúa và dịch vụ nông nghiệp. Ảnh: Văn Đát.

Ông Hải làm giàu từ sản xuất lúa và dịch vụ nông nghiệp. Ảnh: Văn Đát.

Không dừng lại ở đó, ông mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy cắt đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất của gia đình cũng như làm dịch vụ trên địa bàn và các xã lân cận, góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập. Từ đó, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.

Ông Phạm Văn Hải là một trong những nông dân tiêu biểu vượt khó làm giàu, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

Bình quân mỗi năm, lợi nhuận từ trồng lúa và các dịch vụ gần 2 tỉ đồng, đời sống gia đình ổn định, ông Hải chia sẻ: Có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết là phải quyết tâm, cần cù trong lao động, nắm bắt kịp thời các thông tin, kỹ thuật tiên tiến. Sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo địa phương qua việc tạo điều kiện cho nông dân được học tập, tập huấn kỹ thuật và tham khảo, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả.

Ông là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất trị giá hàng trăm triệu đồng để thi công công trình thủy lợi, lộ giao thông với mong muốn góp phần xây dựng quê hương sớm về đích nông thôn mới. Từ đó sẽ giúp cho bộ mặt của địa phương sớm thay đổi diện mạo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Hải còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương, hàng năm, ông đóng góp ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các phong trào an sinh xã hội.

Theo ông Ngô Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An: Thời gian qua các cấp Hội tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đến hội viên nông dân thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn góp phần tích cực tham gia xây dựng NTM.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tác động mạnh đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng đến chất lượng, hiệu quả. Hội nông dân tỉnh phối hợp các sở, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt giúp hội viên nông dân nâng cao kỹ thuật, trình độ sản xuất.

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.