| Hotline: 0983.970.780

Những phận người làng phong: Cha đẻ làng cùi

Thứ Năm 12/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngay giữa khu đô thị sầm uất của TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có một ngôi làng, một “thế giới” riêng của những người mang căn bệnh cùi. 

Ngôi làng này được lập từ năm 1968. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành mái ấm cho hàng ngàn lượt người mang trong mình căn bệnh quái ác này.

Định mệnh

Làng phong Tam Hiệp nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Thuận (phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), cách TP. HCM chừng 30 km.

Tôi biết làng phong này trong lần theo anh bạn bác sỹ trong đoàn y bác sỹ đi khám chữa bệnh từ thiện cho các bệnh nhân ở đây. Cũng chuyến đi này, tôi có dịp ngồi trò chuyện với ông Lê Trọng Nhung, năm nay 91 tuổi, người đã gần trọn đời sống chung với những bệnh nhân cùi.

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nhung còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Dẫn tôi vào căn phòng nhỏ, yên tĩnh nằm trong khuôn viên làng phong, ông Nhung mở đầu bằng giọng nói trầm ấm: “Bệnh phong là một trong những bệnh không chỉ khiến người ta đau đớn về thể xác, mà còn tổn thương nặng về tinh thần vì bị cộng đồng, thậm chí người thân xa lánh. Nên chỉ cần chúng ta đừng phân biệt, đối xử với họ thì họ đã thấy được an ủi lắm rồi”.

Ông Nhung kể: “Tôi đến với họ giống như một định mệnh. Đó là năm 1968, người đồng môn của tôi có việc ở Biên Hòa, nhưng anh ta có việc đột xuất nên nhờ tôi đi thay.

Tình cờ trên đường đi, ngang qua một xóm nhỏ thuộc thôn Tấn Minh, xã Thanh Giản, TP. Biên Hòa, tôi thấy ở đó nhiều người tàn phế, cụt ngón tay chân, ăn mặc rách rưới, da thịt lở loét, hôi hám, đi qua đi lại, nằm ngồi vạ vật.

Tôi tò mò nán lại tìm hiểu mới hay ở đây có 10 gia đình bệnh nhân cùi và 8 gia đình tật nguyền khác từ khắp cả 3 miền tụ về. Họ mưu sinh bằng nghề ăn xin là chính. Nhìn họ, tôi thấy xót quá, nghèo nàn, bệnh tật rồi những cơn đau hành hạ thể xác. Tinh thần cũng bị tổn thương nặng khi mọi người thấy họ là ghê sợ, xa lánh.

Thế là, tôi về nung nấu quyết tâm giúp họ. Lúc ấy, điều kiện còn khó khăn lắm, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần một chút quan tâm thôi, cũng là niềm an ủi đối với họ”.

Thương bà con nghèo bệnh hoạn, ông Nhung về gom góp tất cả những gì mình có, kêu gọi thêm sự giúp đỡ của bạn bè, người thân rồi dựng những căn chòi lá cho họ tá túc tập trung. Và làng phong Tam Hiệp hình thành từ đó.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Minh Hữu, năm nay 72 tuổi, quê gốc Nha Trang (Khánh Hòa), một bệnh nhân, cư dân lâu đời của làng phong kể: “Tôi về đây từ năm 1977, hồi đó chỗ này còn hoang vu, chỉ lèo tèo vài túp lều, chòi nhà của người cùi. Cũng vì bị người ta xa lánh nên những người như chúng tôi mới phải vào mấy chỗ hoang vu này sống cho khuất mắt người ta.

"Bây giờ, cái tên làng cùi đã lùi vào quá khứ. Vì bệnh nhân cùi ở đây đã được cộng đồng quan tâm, không xa lánh. Họ không còn mặc cảm và đặc biệt, người bệnh trong làng không còn đi ăn xin nữa. Họ sống chủ yếu nhờ các nghề bán vé số, lượm ve chai và chạy xe ôm. Cuộc sống cũng không phải khốn khổ như ngày xưa”, ông Lê Trọng Nhung.

Chúng tôi tự kiếm sống bằng đủ thứ nghề: người bán vé số, người lượm ve chai, người ăn xin… May nhờ có cha Nhung, gom chúng tôi lại sống tập trung, rồi lo lắng, chăm sóc mọi mặt. Nếu không, chẳng biết tôi còn sống được đến giờ không nữa.

Ở đây, chúng tôi được quan tâm, gần gũi, chăm sóc như tất cả các loại bệnh khác nên không còn mặc cảm”.

Ấm tình người

Ông Nhung kể, ngày ấy, người ta chưa hiểu về bệnh phong nên hiếm khi có người lui tới. Thậm chí, mùa mưa đến, người ta huy động học sinh đắp một con đê bao quanh ngôi trường nhỏ ở trước làng phong vì sợ nước bên này chảy sang.

Bà con ở quanh làng phong cũng ngại lắm, có việc cần thiết lắm mới đi qua làng và cái cảm giác sợ lây bệnh cứ khiến họ cắm đầu chạy thật nhanh. Trẻ em trong làng bị cô lập nên cũng chỉ kết bạn với nhau, lớn lên kết thân nhau rồi lấy vợ, lấy chồng cùng ở trong làng luôn.

Càng gần gũi, tiếp xúc, ông Nhung càng xót thương cho những số phận kém may mắn ở làng cùi này. Vì thế, ông dốc sức giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Và, ông trở thành người “đi xin” từ lúc nào không biết, để có tiền, có đồ ăn cho bà con làng phong.

09-52-46_nh-2-
Các bệnh nhân phong ở làng phong Tam Hiệp nay đã được an ủi phần nào trước sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng

Chính vì thế, ông Nhung được cư dân làng phong gọi là cha, không phải vì ông là cha xứ mà bởi ông đã cho họ những tình cảm như cha mẹ với con cái.

Không dừng ở cái ăn, cái mặc, ông Nhung còn ra sức lo cho làng phong có nhà ở đàng hoàng, dựng vợ gả chồng rồi lo cho con cái họ được đến trường. Hiện làng đã có trên 300 em học sinh học lớp 1 đến 12 và có 5 em đang học đại học. Và các em cũng chính là niềm hy vọng của bà con làng phong.

“Hiện nay, làng đã có nhà sinh hoạt cộng đồng, làm chỗ sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho cho bà con. Bây giờ họ đã ổn định rồi, nên mỗi tuần tôi từ quận Thủ Đức (TP. HCM) về đây thăm họ một lần”, ông Nhung nói bằng giọng hồ hởi.

Hiện tại làng phong có 44 hộ bệnh nhân. Họ là dân từ khắp nơi tụ về, từ miền Đông, miền Tây như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, đến miền Trung như Bình Định, Phú Yên.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, bệnh nhân phong, đồng thời là Trưởng ban đại diện làng phong Tam Hiệp, cho biết: “Làng phong chúng tôi có 2  ân nhân là cha Nhung và ông Lê Quang Năng, nguyên là khu phố trưởng khu phố 5. Đời sống của bà con là do cha Nhung phụ trách.

Còn điện, đường, trường là ông Năng lo cho đó. 77 người là con số bà con trong làng bây giờ thôi. 77 người là 77 cuộc đời, 77 số phận bị virus Hansen đọa đày. Đấy còn là 77 số phận đáng thương!

Ngày trước, bà con đông gấp đôi. Đông quá nên chúng tôi phải lập ra ban đại diện để chủ động liên lạc, phân phối các nguồn trợ giúp đến từ các Mạnh Thường Quân, các đoàn từ thiện từ khắp mọi nơi. Qua thời gian, người già mất đi, người thì lại sợ người thân phát hiện ra mình sống nơi đây, lại bỏ đi nơi khác nên giờ làng chỉ còn 77 người".

Dù nằm giữa lòng TP. Biên Hòa đông đúc, nhưng cư dân làng phong Tam Hiệp cũng từng bị hắt hủi, xa lánh như hầu hết các làng phong khác ở dọc đất nước.

Dù bây giờ, họ đã được cộng đồng cảm thông, chia sẻ và không xa lánh nữa, nhưng có điều không bao giờ thay đổi được, là họ vẫn phải mang những nỗi đau xé cơ thể và cả nỗi buồn trong lòng đến hết cuộc đời.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất