| Hotline: 0983.970.780

Những 'siêu dự án' tỷ đô và bài toán bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ

Thứ Năm 07/12/2023 , 09:18 (GMT+7)

Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là 'lá phổi xanh' của TP.HCM, mà còn là tấm khiên vô cùng quan trọng, góp phần hạn chế thiên tai, biến đổi khí hậu.

Dù đang có nhiều cơ hội trở thành vùng kinh tế lớn của TP.HCM với những dự án tỷ đô, nhưng việc phát triển Cần Giờ phải đi đôi với bảo vệ. Đó là quan điểm chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển Cần Giờ xanh” mới đây trước việc đang có nhiều dự án nghiên cứu đầu tư kinh tế ở huyện ven biển Cần Giờ. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh, với vị trí và đặc điểm tự nhiên, Cần Giờ chỉ nên có 3 nhóm ngành để phát triển, đó là du lịch, kinh tế hàng hải gắn với cảng và năng lượng tái tạo. 

UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, siêu cảng này dự toán chi phí đầu tư khoảng 6 tỷ USD. 

DSC00372

Trong tương lai, Cần Giờ sẽ có một siêu cảng trung chuyển đường biển. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo đề án, sau khi hoàn thành, lượng hàng hóa thông qua cảng này đến năm 2030 là 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 là 16,9 triệu Teu. Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, đóng góp khoảng 34-40 ngàn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước.

Một “siêu dự án” khác là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với tổng diện tích dự kiến 2.870 ha. Dự án bao gồm các hạng mục khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị kết hợp khách sạn nghỉ dưỡng, khu đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao... Quy mô dân số tối đa của dự án là hơn 228.000 người; tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 9 tỷ USD. Dự án này đã được UBND TP.HCM thống nhất thông qua, dự kiến sẽ cấp giấy phép xây dựng vào dịp 30/4/2025.

Trước đó, đầu tháng 6/2023, Sở Công thương TP.HCM cũng có đề xuất dự án lắp đặt nhà máy điện gió ngoài biển Cần Giờ với tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD, công suất 6.000MW. Dự án đặt tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông, diện tích khảo sát hơn 325 ha.

Th.S Bùi Nguyễn Thế Kiệt (hàng sau, thứ 5 từ trái qua), Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên - Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, người có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng Cần GIờ bằng phần mềm GIS. Ảnh: H.T.

Th.S Bùi Nguyễn Thế Kiệt (hàng sau, thứ 5 từ trái qua), Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên - Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, người có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng Cần GIờ bằng phần mềm GIS. Ảnh: H.T.

Những dự án tỷ USD được đầu tư tại Cần Giờ cho thấy đây là vùng đất nhiều tiềm năng, cơ hội để “cất cánh” thành một vùng kinh tế trọng điểm ven biển của TP.HCM. Tuy nhiên, đây cũng là một “viên ngọc xanh” rất quý đối với “lá phổi” của TP.HCM, vì thế, việc bảo vệ khu rừng ngập mặn Cần Giờ “nguyên vẹn” trước mọi tác động của con người là điều được các chuyên gia, cơ quan chức năng cân nhắc kỹ.

Ví dụ, với dự án điện gió, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM lưu ý đường dây 500kV đấu nối vào trạm 500kV Đa Phước băng ngang huyện đảo Cần Giờ cần xem xét khả năng ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ. Còn UBND huyện Cần Giờ băn khoăn khi dự án sử dụng diện tích mặt biển khá lớn. Còn dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM làm rõ một số điểm trong đề án, trong đó có đánh giá tác động của dự án đến Khu dự trữ sinh quyển.

Theo Th.s Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên - Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, huyện Cần Giờ có hơn 33.000 ha rừng ngập mặn, chiếm hơn 45% diện tích tự nhiên... Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ sử dụng để nghiên cứu, tham quan, học tập, kết hợp du lịch sinh thái, nhưng hiện nay, rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ được sử dụng để khai thác tín chỉ carbon, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Khỉ ở rừng Cần Giờ. Ảnh: Hồng Thủy.

Khỉ ở rừng Cần Giờ. Ảnh: Hồng Thủy.

Cũng theo Th.S Bùi Nguyễn Thế Kiệt, việc phát triển phải đi đôi với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, cốt lõi. Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, và theo quy định thì các dự án không được xây dựng trong phạm vi của khu và nếu ở bên ngoài khu dự trữ thì cũng không được gây ảnh hưởng. Các siêu dự án này, quá trình xây dựng và sau khi đi vào hoạt động cũng sẽ có tác động nhất định đến khu dự trữ, nhưng không đáng kể. Ví dụ, khi nạo vét biển để xây dựng công trình có thể gây ra sạt lở, nhưng rừng ngập mặn có chức năng bồi đắp, hoặc quá trình thi công sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước, nhưng rừng ngập mặn lại có vai trò lọc nước. Ngoài ra, các dự án được phê duyệt đều đã có các đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng. Đồng thời, dự án nếu được phê duyệt đầu tư thì chắc chắn sẽ phải có một khoảng cách an toàn và có đánh giá tác động đối với khu dự trữ.

Sau khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tình trạng đô thị hóa sẽ nhanh hơn, lượng người, phương tiện giao thông tăng nhanh, dẫn đến tinh phát sinh khói bụi, ô nhiễm. Bên cạnh đó là nguy cơ rừng, cảnh quan bị xâm lấn… Do đó, cần có các giải pháp hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ tình hình như đầu tư các phương tiện giao thông xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, ngăn ngừa các hành vi xả rác, phóng uế, phá hoại rừng ….

“Rừng ngập mặn Cần Giờ có thể hấp thụ gần 11 triệu tấn CO2/ha; cung cấp khoảng 8 triệu tấn CO2/ha; tích tụ khoảng 3 triệu tấn CO2/ha và có giá trị trao đổi CO2 khoảng 77 triệu USD/ha/năm”, đó là ước tính của Th.S Bùi Nguyễn Thế Kiệt, Trưởng phòng Quản lý phát triển tài nguyên - Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.