Mỗi người một cá tính, một cách hành động để xứng đáng là một thủ lĩnh của bản.
Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) Lương Văn Quang gọi trưởng bản Nà Ón Sùng A Nhà là “người dẹp các thói hư, tật xấu”. 15 năm ông giữ chức trưởng bản, Nà Ón không còn xuất hiện bóng dáng của rượu, thuốc lào và ma túy.
Từng nghiện rượu
Xưa nay, đồng bào Mông thường lấy chén rượu thay ly trà. Cái chảo gang nấu rượu đã trở thành vật bất ly thân. Nếu có di cư, người ta chỉ cần nhấc chảo ra khỏi lò rồi cõng trên lưng tiến về vùng đất mới.
Thế nên, khi nghe Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý khẳng định “cả bản Nà Ón không có người uống rượu, hút thuốc lào và nghiện ma túy”, tôi thực sự bất ngờ. Càng khó tin hơn khi người khởi xướng cuộc “cách mạng” tẩy chay rượu, thuốc lào là một trưởng bản… mù chữ.
Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, người Mông ở Lào Cai bắt đầu di cư về tổ Nà Ón (bản Xa Lao, xã Trung Lý). Ông Sùng A Nhà (SN 1965) một chữ bẻ đôi không biết nhưng nhờ hoạt ngôn, thật thà và nhiệt huyết với công việc nên Ban Quản lý bản đề bạt giữ chức tổ trưởng.
Thời trẻ, Nhà thích uống rượu và nghiện hút thuốc lào trầm trọng, đi lên nương quên mang theo ống điếu kiểu gì cũng bỏ về giữa chừng vì dấm dứt trong người. Vợ chồng ông Giáo, bà Gánh (bố mẹ Nhà) chẳng kém con trai, rảnh tay là vê thuốc lào rồi châm lửa rít khói vang như sáo kêu. Mỗi tuần, bà Gánh phải mua 2 lạng thuốc lào (bằng 1 yến thóc) mới đủ hút.
Khói thuốc lào vẫn từng ngày đẽo gọt sức khỏe thành viên trong gia đình Nhà. Sáng sớm trời lạnh, những cơn ho sằng sặc lại vang lên... Là một lang y, nhận thấy sức khỏe bất ổn nên ông Giáo đành rủ vợ con cùng nhau cai.
Giấy khen, bằng khen treo kín tường nhà trưởng bản
Gần 20 năm trước, ở Nà Ón có nhiều nhà nấu rượu. Rượu khiến người Mông ướt môi từ bản ra chợ phiên phố huyện. Khi uống đến đỏ mặt tía tai, chỉ một câu nói chướng tai, tình yêu biến thành hận thù; bạn hữu thành người dưng. Năm nào Nà Ón cũng xảy ra vài vụ xung đột.
Có lần, Sùng A Nhà uống rượu tới bến, khi về thét lác vợ, nạt nộ bố mẹ. Lúc tỉnh dậy, bà Tùng (vợ ông Nhà) ôm gối khóc kể lại mọi chuyện, Nhà ân hận quá, thề không bao giờ uống rượu.
Những quy định lạ đời
Tháng 2/1999, tổ Nà Ón tách khỏi bản Xa Lao thành lập bản mới. Bà con tụ tập để bầu trưởng bản. Hồi ấy, Nà Ón chỉ có 4 người biết chữ là Phàng A Phà, Sùng A Mành, Sùng A De và Thào A Củi. Thế nhưng mọi người nhất nhất tiến cử tổ trưởng Sùng A Nhà không biết đọc, viết.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Nhà đề ra những quy định rất lạ: Không nấu, uống rượu trong bản. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Vợ chồng không được ngoại tình, ly hôn… và cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy.
Ông Nhà kể: Nghe những quy định mới, cánh đàn ông nghiện rượu, nghiện thuốc bực mình lắm. Thằng Sùng A Lử thắc mắc: “Ta lấy tiền nhà ta mua thuốc lào hút chứ có xin ông đồng nào đâu mà cấm?”. Tôi nói lại rằng: “Tiền là của anh thật, nhưng một gói thuốc lào đổi được 2 kg gạo. Anh hút thì chỉ có khói độc chui vào người, sau này viêm phổi, suốt ngày ho sòng sọc, tốn tiền mua thuốc. Đừng hút nữa, mua gạo cho vợ con cùng ăn”.
Sùng A Làm một người vừa nghiện thuốc lào vừa nghiện rượu, cũng phản đối: “Rượu chỉ là nước gạo, nước ngô chứ có bẩn đâu mà không được uống?”. Tôi giải thích: “Rượu không làm bẩn miệng anh, nhưng uống vào có thể nói ra lời nhăng quậy. Trước đây tôi cũng nghiện rượu, nghiện thuốc. Giờ tôi cai được rồi, vừa không mất tiền mà vẫn sống rất khỏe mạnh, vui vẻ. Tôi có bắt các anh làm việc xấu đâu nào”.
Trưởng bản Nhà bảo: Người Mông quan hệ cộng đồng dựa trên lý lẽ. Ai nói có lý hơn thì phải nghe theo. Vì thế mới thông qua được quy định chung của bản và mọi người phải thi hành. Thời gian đầu, ai chưa hiểu thì mình đến khuyên nhủ, lâu rồi họ sẽ nghe.
Không chỉ lãnh đạo giỏi, trưởng bản Nà Ón còn làm kinh tế rất tốt
Hơn 10 năm nay, bản Nà Ón không có người uống rượu. Người hút thuốc lào cuối cùng là ông Sùng A Dế cũng vừa qua đời. Khi tổ chức ma chay, hiếu hỉ, mâm cỗ ngoài thức ăn chỉ đặt nước khoáng, nước ngọt. Khách ngoài bản nếu muốn uống bia (tối đa 1 chai/người) phải ngồi mâm riêng biệt, không được mời chào người trong bản uống cùng.
“Nhiều lãnh đạo cấp trên về bản Nà Ón thấy ông trưởng bản mù chữ nên thắc mắc: “Tại sao lại bố trí người không biết chữ làm trưởng bản? Tôi giải thích: Tuy không biết chữ nhưng ông Nhà rất tâm huyết, chỉ đạo tốt công việc và được bà con tín nhiệm rất cao”, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý Lương Văn Quang cho biết. |
Dẫn dắt nhân dân từ khi thành lập bản đến nay, trưởng bản Na Ón chưa bao giờ phạt tiền bất cứ ai, thay vào đó là những hình thức răn đe sáng tạo.
“Năm 2005, ông Sùng A L. ngoại tình với một bà không chồng, bị vợ bắt quả tang. Tôi phạt ông L. lao động công ích sửa tuyến đường đất dẫn vào bản dài hơn 1 km. Sau đó nhờ người viết một tấm biển có dòng chữ: “Ông Sùng A L. bị phạt sửa đường vì ngoại tình”, rồi cắm ở vị trí nhiều người qua lại. Ai đi qua nhìn thấy tấm biển cũng chế giễu. Thế là nó ngại, lần sau đố không dám tái phạm”, ông Nhà kể.
Phải thanh liêm
Theo ông Nhà: “Muốn có uy tín với cộng đồng thì trước tiên mình phải thanh liêm. Mọi việc phân xử công bằng và tuyệt đối không được vụ lợi”.
Năm 2002, Nhà nước hỗ trợ cho Nà Ón 4 chiếc đài cát -xét. Ông Nhà đếm cả bản có 5 dòng họ là: Vàng, Lý, Giàng, Chấu và Sùng. Họ nào cũng có người nghèo. Phải chia cho mỗi họ một cái. Riêng họ Sùng của mình chờ đợt sau.
Lại tiếp, năm 2004, Nà Ón được Nhà nước hỗ trợ xóa 7 nhà tạm theo Chương trình 135. Sùng A Sự, Sùng A Lìn - em trai ông Nhà, mới tách hộ, vẫn phải sống ở nhà dột nát nên xin anh trai chiếu cố. Ông Nhà nói thẳng tưng: “Phải họp dân bình xét công khai. Ta là anh của hai bay, rất thương hai bay nhưng không nể nang được. Đừng để bà con nghĩ ta làm cán bộ để làm giàu cho nhà ta. Như vậy nhục lắm”.
Trưởng bản Sùng A Nhà vui đùa cùng các cháu nhỏ
Sau khi cân nhắc hoàn cảnh từng gia đình, ông Nhà quyết định dành chỉ tiêu cho 7 hộ khổ nhất (không phải người trong gia đình). Hai người em trai hậm hực nhưng vẫn phải cố chờ đợt hỗ trợ sau.
Bản Nà Ón cách trung tâm xã 8 km. Khi Nhà nước hỗ trợ gói thuốc, cân muối, túi gạo… mỗi gia đình phải cử người đến UBND xã hoặc trạm y tế xếp hàng nhận rất mất công. Trưởng bản Sùng A Nhà nghĩ, đằng nào cũng một công đi, thôi thì chịu khó nhận hết, chở về bản rồi thông báo để bà con đến lấy...
Danh bạ điện thoại của trưởng bản Sùng A Nhà chỉ toàn ký tự số. Ông nhìn vào đó là biết chủ thuê bao. Vừa rồi, giáo viên cắm bản không thạo giao tiếp tiếng Mông kiểm chứng thông tin về học sinh, ông liệt kê họ tên từng em, sinh năm mấy, bố mẹ là ai. Mấy thầy, cô ngả mũ bái phục.