“Mõ bản”
Đã qua mấy mươi năm thời “đoàn quân không mọc tóc” leo những con dốc dài thăm thẳm lên đỉnh Sài Khao bốn mùa sương lấp, thế mà hậu thế chúng tôi vẫn thường trực cảm giác chợn rợn khi đi trên cung đường này. Xe máy cài số 1, gầm rú động núi rừng, nhảy chồm chồm trên đá lởm chởm.
Một Sài Khao không còn vẻ “heo hút cồn mây”, chỉ có cỏ cây và núi đá. Ở đó có 79 hộ dân sinh sống. Kỳ lạ rằng, một vùng đất có mùa đông lạnh như xé da xé thịt trên đỉnh Sài Khao, lại có số lượng đàn trâu, bò nhiều bậc nhất trong số các bản thuộc huyện Mường Lát.
Theo số liệu tổng hợp đàn gia súc của xã Mường Lý năm 2013, Sài Khao có tổng đàn trâu 114 con, bò 172 con, ngựa 27 con.
Như vậy, trung bình mỗi hộ có gần 4 con gia súc lớn, đó là chưa tính đến gia súc nhỏ như dê (145 con), lợn (263 con) và gia cầm các loại. Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, bảo: Để làm nên kỳ tích đó, công lao của trưởng bản Vàng A Sú rất lớn.
15 năm Vàng A Sú làm công an viên (1994 - 2008) là ngần ấy thời gian bản Sài Khao không xảy ra trộm cắp, cướp giật, xô xát.
Đến năm 2009, bản tiến hành bầu trưởng bản khóa mới. Mặc dù Vàng A Sú mù chữ nhưng vẫn vượt qua 3 đại biểu đã tốt nghiệp tiểu học là Vàng A Hạnh, Vàng A Lâu, Vàng A Sùng với số phiếu cao ngất ngưởng.
Trưởng bản Vàng A Sú thổi khèn rất giỏi
Thầy giáo cắm bản Hơ Văn Va và anh Tịnh, cán bộ địa chính xã Mường Lý, tự tay kiểm phiếu mà vẫn không tin vào kết quả bầu cử nên thắc mắc. “Sao bà con không chọn người biết chữ?”.
Bố (người Mông gọi những già làng uy tín trong bản là bố) Vàng A Lự giải thích: “Tuy thằng con Sú không biết con chữ nào nhưng là người uy tín. Nó nói là bà con nghe. Bà con nói nó nghe. Làm gì cũng hợp ý của bà con”. Nghe bố Lự nói, bố Vàng A Sấu cũng gật gù tán đồng.
Vàng A Sú chưa ngồi ấm ghế trưởng bản thì tai họa ập đến Sài Khao. Mùa đông năm ấy lạnh tê tái, cỏ cây co mình dưới đất tránh rét. Trâu, bò dân bản thả hoang trên rừng chốc chốc lại khuỵu gối, đổ uỵch xuống đất rồi từ từ tắt thở. Có ngày, người ta kéo về bản 5 con trâu bụng đã trương phềnh.
Trưởng bản Sú chia sẻ: "Bản không có người phụ trách thú y. Cán bộ thú y xã mỗi năm chỉ thấy mặt vài lần khi có đợt tiêm phòng. Chẳng có ai thông báo trời sắp rét để lùa gia súc về chuồng (Sài Khao đến giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại lâu lâu mới hiển thị một vạch).
Một góc bản Sài Khao
Tôi quyết định mua một cái tivi màu và đầu thu kỹ thuật số (chạy bằng thủy điện đặt khe suối) để theo dõi dự báo thời tiết. Bao giờ nhiệt độ sắp xuống dưới 15 độ C thì thông báo cho bà con biết để gọi trâu, bò về".
Nhà anh Sú cũng nuôi một đàn trâu trên rừng. Mùa đông đến, anh căng bạt ni lông kín chuồng để gió không lọt vào, dưới nền lót rơm cho trâu nằm. Chưa bao giờ trâu nhà chết rét. Tại các buổi họp bản, anh chỉ cho bà con cách làm chuồng nuôi chống rét.
Từ ấy, hiện tượng trâu, bò chết giảm hẳn. Phong trào chăn nuôi nở rộ, người người, nhà nhà vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển đàn gia súc. Những “đại gia trâu, bò” xuất hiện ngày càng nhiều. Cao điểm, hộ ông Vàng A Súa nuôi 20 con trâu, 10 con bò. Đàn bò của ông Vàng A Sỉ cũng tương đương.
Mấy năm trước, học sinh ở Sài Khao bỏ học như cơm bữa. Cô Xuân, giáo viên tiểu học Tây Tiến (điểm trường Sài Khao) tối mặt tối mũi leo dốc để khuyên phụ huynh cho con đến trường nhưng chẳng có kết quả. Thấy thế, anh Sú bảo: “Việc ấy cô giáo để tôi lo”.
Trẻ em bản Sài Khao vui đến trường
Vậy là cứ 6 giờ sáng thứ 2 và thứ 5 hằng tuần, trưởng bản lại cầm micrô phát loa truyền thanh vận động phụ huynh nhắc con, cháu đến lớp đúng giờ. Mưa dầm thấm lâu, ba năm nay Sài Khao không có học sinh nghỉ học giữa chừng.
Quân sư đắc lực
Ở nơi sơn cùng thủy tận như Sài Khao, sinh kế càng bất ổn, dễ khởi nguồn “cơn bão” di dân. Đầu năm nay, Vàng A Trắng và Vàng A Phua rủ nhau bí mật vượt biên sang Lào kiếm việc làm. Hai tháng trước, Trắng, Phua trở lại bản, định dẫn vợ con đi theo làm công nhân cạo mủ cao su.
Nhận tin báo, anh Sú ném cuốc trên nương chạy hộc tốc về khuyên can. Vàng A Trắng cãi: Nhà ta có 1 ha nương thì một nửa là đá, mỗi năm làm được 10 bao thóc không đủ 4 miệng ăn.
Rời Sài Khao khi hoàng hôn buông xuống, nhìn từng đàn trâu, bò lũ lượt nối đuôi nhau trên những ngả đường hướng về bản, cảm giác hoang lạnh của miền biên ải bỗng tan biến. Sài Khao vẫn còn lắm gian khó, nhưng tôi nghĩ không lâu nữa, ấm no sẽ tràn khắp bản. |
Trưởng bản Sài Khao mách nước: Nhà mày đã có con trâu rồi, thiếu đất trồng lúa thì có thể sang bản Pọong (thuộc xã Tam Chung, cách bản 6 km) thuê làm. Lúc thu sản chia cho họ 1/3.
Nếu muốn làm tất ăn cả, chỉ cần xách một con lợn nhỏ hoặc một con chó nhỏ đem sang biếu họ rồi mở lời: “Tam Chung, Mường Lý là xã trên xã dưới. Người Mông mình đều là anh em, đều là cháu Bác Hồ. Nhà tôi đói kém quá, anh cho tôi xin vạt nương thừa cấy lúa gieo ngô nuôi con ăn học”. Bên ấy đất rộng mênh mông, người làm chẳng hết, ta nói lọt tai thì họ cho làm thoải mái thôi mà.
Nghe lời trưởng bản, Trắng rủ Phua sang bản Pọong thuê mỗi người 2 ha đất với giá 200.000 đồng/ha/năm. “Có thêm 2 ha nương thì chắc chắn mỗi vụ thu 40 bao thóc rồi, chẳng cần sang xứ của người Lào nữa”, Trắng vui mừng.
Nhìn đâu cũng thấy trâu, bò
Trong bản có bà Phàn Thị Mại sống neo đơn. Nương ruộng vừa ít lại ở xa nhà, đi làm thui thủi một mình sinh lười biếng. Anh Sú hiến kế: “Nếu bà buồn vì lên nương một mình thì có thể đổi công cho anh em. Hôm nay bà làm cho người ta, ngày mai người ta làm cùng bà. Như thế vẹn cả đôi đường”.
Thế là bà Mại hăm hở đi làm. Từ chỗ thiếu ăn 6 tháng mỗi năm, bây giờ rút xuống chỉ còn 2 tháng. Mỗi năm trưởng bản Sài Khao bỏ tiền túi hỗ trợ bà Mại một bao thóc, bởi “ai cũng muốn được sống, mình không cứu thì nó chết rồi”.
Ngay sau khi trở thành "thủ lĩnh” của bản, Vàng A Sú vận động nhân dân đóng góp lập quỹ hỗ trợ người nghèo. Hộ giàu góp nhiều, hộ cận nghèo chỉ cần hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng. Trung bình mỗi năm, quỹ bản nhận được 8 triệu đồng. Gia đình nào thiếu gạo, thiếu quần áo, thiếu tiền chữa bệnh, trưởng bản trích tiền hỗ trợ. Hoạt động thu, chi được công khai trong các buổi họp thôn.
Ông Đại kể: Từ 2012, mỗi năm xã giao kế hoạch cho bản Sài Khao trồng mới 30 ha rừng xoan theo Quyết định 147. Ô tô chở cây giống không lên được bản. Trời mưa gió trơn trượt, không đèo được xe máy, thế mà anh Sú hô hào được cả bản đi bộ 14 km gùi cây giống về trồng. Năm nay, bản Kít và Tài Chánh trồng thừa cây giống, dân Sài Khao nhận hết, vượt chỉ tiêu kế hoạch 15 ha.