| Hotline: 0983.970.780

Những vị tướng đầu tiên: Hùm xám Bắc Sơn

Thứ Sáu 19/12/2014 , 09:33 (GMT+7)

Là người chỉ huy Cứu quốc quân bảo vệ căn cứ địa cách mạng, Thượng tướng Chu Văn Tấn được mệnh danh là “Hùm xám Bắc Sơn”./ Vị tướng tuổi 30

Người anh cả du kích Việt Nam

Ngày 1/1/1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các Anh hùng và đại biểu của các đơn vị anh hùng vừa được tuyên dương.

Cùng tham dự cuộc đón tiếp này, có mặt Thượng tướng Chu Văn Tấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Lê Tiến tham dự cuộc gặp mặt hôm đó đã ghi lại: “Chu Văn Tấn, người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”.

Bài ghi chép này với nhan đề “Năm mới các anh hùng đến “xông nhà” Bác Hồ” hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ký hiệu: H25C15/45).

Xuất thân trong một gia đình thổ hào người Nùng yêu nước, thuộc tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), cụ thân sinh ra ông là Chu Văn Hòa đã tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp nhiều năm.

Khi biết Chu Văn Tấn hoạt động đánh Tây, cụ đồng tình tạo mọi điều kiện cho con đi công tác. Mãi năm 1944, khi thực dân Pháp cho quân bao vây, càn quét căn cứ Bắc Sơn, cụ nói với con: “16 tuổi tao đã cầm cái súng chống thằng Tây, ở đội quân của cụ Đề Thám. Giờ tao già không làm được thì chúng mày làm đi...”.

Chu Văn Tấn tham gia quân sự từ Chỉ huy phó đội du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, do đồng chí Lương Văn Tri (bí danh Huy Còm) làm Chỉ huy trưởng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích hy sinh, tiểu đội do ông chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pác Pó. Từ đây, đội chuyển thành đơn vị vũ trang bảo vệ căn cứ.

Một thời gian sau, nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, Chu Văn Tấn về lại Võ Nhai để xây dựng và làm Chỉ huy trưởng của Trung đội Cứu quốc quân thứ hai, với 47 chiến sĩ. Song song với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Cứu quốc quân nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ.

Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (5/1945), Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân.

Tháng 8/1945, trong Chính phủ lâm thời, ông Chu Văn Tấn được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước ta. Năm 1948, ông là 1 trong 9 vị Thiếu tướng đầu tiên. Mười năm sau, năm 1958, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là hai Thượng tướng đầu tiên, được phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên.

Hùm xám Bắc Sơn

Có một điều ít ai biết rằng, người Pháp luôn đặt câu hỏi về vị tướng mang biệt danh “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến họ mất ăn mất ngủ.

Năm 1967-1968, đạo diễn người Pháp, ông Gérald Guillaume, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ”. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Hồ Chí Minh, ông Gérald Guillaume đề đạt nguyện vọng muốn dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Nghe xong, Hồ Chủ tịch vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!

Đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại Phú Thượng quê hương ông, rồi dẫn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu Quốc quân từng chiến đấu. 

Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại  theo đúng nghĩa của từ này!’. 

12-59-24_chu-vn-tn
Thượng tướng Chu Văn Tấn (1910-1984)

Về chính trị, Thượng tướng Chu Văn Tấn (1910-1984) là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa I, II và III (1945-1976), Đại biểu Quốc hội  từ khóa II đến khóa V (1960-1976), trong đó từ khóa III đến khóa V làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về quân sự, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Tư lệnh kiêm Bí thư Liên khu 1, Tư lệnh kiêm Bí thư Khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc...
Thượng tướng Chu Văn Tấn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác.

Bộ phim “Hùm xám Bắc Sơn” được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện quân sự và các trường quân sự tại Pháp, đã khiến các tướng lĩnh Pháp ngỡ ngàng trước đối thủ của họ từ gần 30 năm trước. 

Nguồn động viên của các dân tộc

Thượng tướng Chu Văn Tấn được giao nhiệm vụ Trưởng ban Dân tộc của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ khi những tổ chức này mới được thành lập.

Phân tích về vấn đề dân tộc, ông đã chỉ rõ trên đất nước Việt Nam ta, đoàn kết là một truyền thống quý báu, Đảng ta đã phát huy truyền thống đó, đoàn kết các dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Tâm, thư ký của Thượng tướng Chu Văn Tấn kể rằng, là người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, người tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, ông có nếp sống gần trên gần dưới.

Ông dễ gần đối với cán bộ, chiến sĩ và mọi người có thái độ vui vẻ, bình đẳng và tự nhiên. Bà con dân bản cho rằng, Thượng tướng Chu Văn Tấn là nguồn động viên của các dân tộc thiểu số, không chỉ người Nùng cùng dân tộc với ông, mà người Tày, người Dao, người Mông, người Cao Lan, người Sán Chí... đều nói vậy.

Năm 2010, tại kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Chu Văn Tấn, tổ chức tại Hà Nội, PGS.NGND Lê Mậu Hãn đã đánh giá: “Đặc biệt kiên trì mục tiêu lý tưởng cách mạng là động lực để Chu Văn Tấn không ngừng vươn lên và thực hiện các trọng trách do  Đảng và Nhà nước giao phó trong vòng bốn thập kỷ dưới ngọn cờ độc lập tự do của Hồ Chí Minh đã được nhân dân tin yêu, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng các huân chương cao quý...”.

Mới đây nhất, ngày 16/12/2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thắp hương tưởng niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn tại nhà riêng.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm