| Hotline: 0983.970.780

Những vườn rau di động ở Trường Sa

Thứ Năm 01/06/2017 , 13:45 (GMT+7)

Ở đất liền, chuyện người Mông ở cao nguyên Hà Giang phải gánh đất cho vào hốc đá để trồng ngô quả thực đã kỳ công. Thế nhưng so với việc trồng rau, trồng cây trên các đảo ở Trường Sa thì có lẽ còn vất vả, kỳ công hơn nhiều.

“Tăng gia đệ nhất đảo”

Có ba thứ trên những hòn đảo ở Trường Sa mà có lẽ so với đất liền cũng quý như báu vật, đó là đất, nước và rau xanh. Ở các đảo nổi, nhất là các đảo lớn có thể đào được giếng nước ngọt như đảo Trường Sa Lớn hay Song Tử Tây chứ những đảo chìm hay những đảo nổi nhưng không có nguồn nước ngọt như đảo An Bang, đảo Trường Sa Đông, toàn bộ nước ngọt đều phải dự trữ ở các bể chứa từ nguồn nước mưa. Cán bộ chiến sỹ chỉ dám sử dụng nước ngọt vào các sinh hoạt cơ bản.

14-54-20_21
Vườn rau Thanh niên trên đảo An Bang

Việc lãng phí nước ngọt là...có tội. Rau xanh cũng vậy. Lương thực, thực phẩm ở các đảo không thiếu, và có thể dễ dàng tiếp tế được từ đất liền, nhưng rau xanh thì rất khó, trong khi để trồng được rau xanh ở các đảo ngoài có nước còn phải có đất. Một nắm đất gửi từ đất liền ra cũng quý như vàng. Để trồng được rau, các chiến sỹ phải tận dụng triệt để, không để “lọt lưới” bất kỳ một chút chất thải hữu cơ hay giọt nước ngọt nào.

Khó khăn là vậy, nhưng điều đáng ngạc nhiên là khi tới đảo nào, ấn tượng đầu tiên vẫn là những vườn rau xanh mơn mởn. Ấn tượng nhất phải kể tới đảo An Bang và Trường Sa Đông. Mặc dù là hai đảo nổi không có giếng nước ngọt, tuy nhiên Trường Sa Đông và An Bang lại luôn dẫn đầu trong số 21 đơn vị đảo ở Trường Sa về phong trào tăng gia SX, rau xanh thậm chí còn tốt hơn cả nông dân trong đất liền trồng, thoải mái phục vụ cho nhu cầu của cán bộ chiến sỹ.

Ngoài những vườn cây bàng vuông, cây phong ba rợp bóng đặc trưng, thật bất ngờ khi tới Trường Sa Đông hay đảo An Bang có lẽ là vườn cây cảnh chẳng khác gì nhà vườn biệt thự trong đất liền, với đủ loại như hoa giấy, hoa đại, si, hoa chè…

Vườn rau Thanh niên của đảo thì khỏi chê, gần như đất liền có rau gì trên đảo có rau ấy, nào các loại rau dây leo lấy quả như bầu, bí, mướp đắng, khoai lang, thiên lí… cho tới các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau ngót, rau muống, rau dền, rau sam, lá lốt, rau đay biển... Các loại rau thơm gia vị cũng đủ cả, nào ớt, húng quế, lá mơ, gừng, sả, nghệ…, loại nào cũng tốt bời bời, xanh mướt mắt. Để có được vườn rau như bây giờ là cả một nỗ lực miệt mài, chắt chiu hàng chục năm trời của nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ.

Chiến sỹ Lương Văn Phong, Trung đội kỹ thuật trên đảo Trường Sa Đông, người nhiều năm gắn bó với công tác tăng gia SX ở nhiều đảo thuộc Quần đảo Trường Sa cho biết: Do đất trên đảo chỉ có cát san hô (phong hóa từ san hô cổ) rất nghèo dinh dưỡng nên để trồng rau, phải nhờ tới nguồn đất màu và các loại giá thể chuyển từ đất liền ra.

Do việc vận chuyển đất ra đảo rất khó khăn nên các đảo chẳng được thả phanh sử dụng đất, mà chỉ được phủ một lớp mỏng 2-3 cm trên mặt, còn lại phía dưới đều phải trộn thêm cát san hô để canh tác. Nguồn phân bón từ đất liền ra cũng có hạn nên để có nguồn dinh dưỡng, cán bộ tăng gia SX phải tận dụng triệt để các chất thải hữu cơ. Toàn bộ nguồn lá cây xanh trên đảo rụng xuống phải thu dọn không bỏ một lá nào rồi băm nhỏ, phủ gốc cho vườn rau. Những cọng rau xanh hay gốc rau già sau khi thu hoạch, nếu không sử dụng được cho vật nuôi nữa cũng phải băm nhỏ để bón cho vườn rau.

14-54-20_11
Một góc vườn rau của đảo Trường Sa Đông

Nguồn nước để tưới rau không phải được lấy từ bể nước mưa, mà phải tận dụng từ nước thải sinh hoạt. Theo đó, chiến sỹ trên đảo khi tắm sẽ phải xuống biển tắm trước, sau đó chỉ được dội một lượt nước ngọt. Nước ngọt tắm xong sẽ phải gom lại ở một bể lớn để tưới rau hoặc cho vật nuôi uống.

Ở đảo An Bang, các chiến sỹ tăng gia SX còn sáng kiến ra phương pháp ủ phân hữu hết sức công phu: Toàn bộ lá cây và chất thải hữu cơ được gom lại, băm nhỏ, trộn với nước thải sinh hoạt và đóng vào các thùng nhựa để “hạ thổ”. Sau khoảng nửa năm, đây sẽ là nguồn phân hữu cơ vô cùng giá trị để bón cho rau.
 

Chăm rau như con mọn

Thiếu nước, thiếu phân, thiếu giống đã đành, trồng rau trên các đảo ở Trường Sa còn luôn phải hứng chịu mưa dập gió vùi. Ngoại trừ khoảng tháng 5 tới tháng 7 hàng năm thời tiết khá thuận lợi vì mưa nhiều, gió lặng, còn lại các tháng trong năm đều là thử thách. Nếu như từ tháng 1 tới tháng 5 hàng năm là mùa gió tây nam, nắng đổ lửa từ 6h sáng cho tới 6h chiều thì từ tháng 9 tới tháng 1 năm sau sẽ là khoảng thời gian khốc liệt nhất trong năm khi gió đổi chiều sang đông bắc, mang theo cái mặn chát của nước biển. Mùa gió đông bắc, đến bàng vuông và phong ba là những loại cây chịu đựng nhất cũng phải trút lá vì hơi mặn táp vào. Hơi mặn của biển phủ đặc lên các đảo, trở thành nguồn vật liệu dẫn điện vô cùng nguy hiểm, sơ ý sờ vào khu vực gần nguồn điện sẽ bị giật nảy người.

Chiến sỹ Đỗ Văn Vui (đảo An Bang) cho biết, để tránh gió và hơi mặn, những cây bàng và phong ba mới trồng đều phải có quanh che bằng tôn kín mít. Mùa gió hướng nào thì những chiếc khoanh che bằng tôn sẽ được di chuyển để ưu tiên che cho những cây xanh trồng ở hướng đó. Những vườn rau cũng vậy, mỗi năm phải liên tục di chuyển: Mùa gió tây nam thì đặt vườn ở phía đông bắc của đảo; mùa gió đông bắc lại di chuyển dần về hướng tây nam.

14-54-20_22
Ảnh: Lê Bền

Đặc biệt từ khoảng tháng 10 đến 12 hàng năm khi gió đông bắc mạnh đỉnh điểm, vườn rau phải được che chắn như lô cốt. Để giúp rau quanh hợp, đội tăng gia SX phải trực canh thường xuyên, tận dụng tối đa lúc trời nắng, tạnh mưa để dỡ bớt phần mái trên lấy ánh sáng. Ba tháng cuối năm không chỉ gió mạnh mà còn mưa liên tục. Vườn rau phải che kín không để mưa lọt vào làm dập nát rau, cơ bản là không để đất mặt bị mưa làm trôi. Bởi đất màu ở đảo là tài sản quý.

Chiến sỹ Lương Văn Phong đúc rút: Trong các loại rau trồng trên đảo thì chỉ có mồng tơi và rau muống là gần như có thể trồng được quanh năm, còn lại những loại rau khác đều phải chăm như con mọn. Mướp đắng cũng được trồng ở nhiều đảo, tuy nhiên nó tỏ ra “có duyên” nhất ở đảo Trường Sa Đông.

Anh Phong kể rằng hồi mới đưa mấy gốc mướp đắng đầu tiên lên trồng đảo Trường Sa Đông, nó chỉ ra toàn hoa cái mà không có hoa đực. Cực chẳng đã, anh đã thử lấy hoa đực ở giàn mướp hương đem thụ phấn cho hoa cái của mướp đắng. Ai ngờ mướp đắng đậu quả thật, quả lại lớn rất nhanh nữa.

Nhằm nghiên cứu và hỗ trợ công tác tăng gia SX, trong chuyến công tác tháng 5/2017 ra quần đảo Trường Sa của đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã gửi tặng cán bộ chiến sỹ các đảo tổng cộng 5.000 con vịt biển; 1.000 con gà giống.

Trong đó trao tặng trực tiếp cho đảo Trường Sa Đông; Trường Sa Lớn và đảo Đá Tây mỗi đảo 100 con vịt biển. Đây là giống vịt do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) nghiên cứu phát triển, có khả năng sinh sống ở môi trường nước biển.

Ngoài ra, Viện Chăn nuôi cũng đã tặng cán bộ chiến sỹ đảo Song Tử Tây một cặp bò giống. Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đã tặng 20 kg hạt giống rau cho một số đảo để cải thiện công tác tăng gia SX.

Sau khi thăm và kiểm tra tình hình chăn nuôi trên các đảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thời gian tới, để cải thiện việc xử lí môi trường chăn nuôi trên các đảo, Bộ NN-PTNT sẽ giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ chăn nuôi bằng đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu nguy cơ chất thải, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cho việc trồng rau trên đảo.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm