Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh và đặc thù tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2020 Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh được chứng nhận 69 sản phẩm (vượt hơn 6 lần so với kế hoạch đề ra) với 19 chủ thể. Trong đó, 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao như dưa lưới, táo mật, nho xanh, nước mắm truyền thống Cana 35 độ đạm, nước mắm truyền thống Cana 45 độ đạm, nha đam không đường, nha đam hương vải và nha đam hương dứa.
10 sản phẩm đạt 4 sao như: tỏi, nho, táo, nho NH01-152, nho xanh Phan Rang, nho xanh Ba Mọi, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa, nước mắm truyền thống Cana 15 độ đạm, nước mắm truyền thống Cana 25 độ đạm, nho tươi. Bên cạnh đó, có 51 sản phẩm đạt 3 sao. Đối với sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia vượt so với kế hoạch 2 lần (kế hoạch 3-5 sản phẩm).
Ghi nhận của chúng tôi tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) với 8 sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm: nho NH01-152, táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau cau hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho. Kết quả, sản phẩm nho NH01-152 được Hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 4 sao, còn lại các sản phẩm đều đạt 3 sao.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, cho biết, sở dĩ HTX tham gia các chương trình OCOP nhằm khẳng định giá trị các sản phẩm sản xuất, cũng như được tuyên truyền quảng bá hoạt động xúc tiến thương mại, để sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Theo ông Phòng, hiện toàn HTX có 20 ha nho đỏ, với sản lượng từ 1.000-1.200 tấn/năm và 7 ha nho NH01-152, trong đó 2 ha đang thời kỳ kinh doanh. Toàn bộ diện tích nho của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên tuân thủ theo quy trình nghiêm ngoặt.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất các thành viên hạn chế việc sử dụng phân, thuốc hóa học bón cho cây trồng, chỉ sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, thuốc sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, thực hiện thời gian cách ly theo quy định trước khi thu hoạch sản phẩm nên hoàn toàn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên sản xuất theo quy trình như thế nhưng đầu ra sản phẩm nho đỏ của HTX còn bấp bênh, chỉ 10% sản lượng được bán phục vụ cho khách du lịch. Sản lượng còn lại bán trôi nổi trên thị trường, với mức giá thấp trên dưới 20 ngàn đ/kg. Vì vậy, HTX sản xuất nho đỏ không lãi mấy, chỉ lấy công làm lời.
“Siêu thị cũng không có nhu cầu với nho đỏ. Đối với nho NH01-152, chúng tôi sản xuất bán phục khách du lịch với giá từ 100-120 ngàn đ/kg. Và, siêu thị cũng có nhu cầu nhập nho NH01-152 nhưng HTX không đủ sản lượng cung cấp. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ vận động bà chuyển một số diện tích nhỏ đỏ già cõi sang nho NH01-152 để tăng sản lượng, đáp ứng sản lượng cho siêu thị”, ông Phòng chia sẻ và bày tỏ mong muốn chương trình OCOP tiếp tục tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu các sản phẩm của đơn vị.
Về vấn này, ông Đặng Kim Cương cho biết thêm, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có chỗ đứng và đến gần hơn với người tiêu dùng, do vậy việc truyền quảng bá hoạt động xúc tiến thương mại đang được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai. Việc xây dựng thương hiệu nhằm tạo không gian môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối, cũng như mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức và tham gia 8 hội chợ, xúc tiến thương mại và sản phẩm Chương trình OCOP gồm: Tham gia gian hàng giới thiệu trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc thù, OCOP năm 2020 phục vụ Triển lãm những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận dịp Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV; Hội chợ thương mại và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận năm 2020. Đồng thời tham gia 7 đợt xúc tiến thương mại ngoài tỉnh như Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ nhằm quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm.
Để sản phẩm vươn xa, được khách hàng trong cả nước biết đến, Ban chỉ đạo Phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh Ninh Thuận đã triển khai 6 điểm bán hàng sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh Ninh Thuận tại Công ty TNHH Phát Hoàng Long tại khu du lịch Vĩnh Hy; Công ty TNHH Thanh Quý tại Chợ đêm Ninh Thuận; Khu du lịch Tháp PoKlong Garai-Ban quản lý di tích; Điểm dừng chân Thiên Thảo, tại Quốc lộ 1A, huyện Ninh Phước; Điểm bán hàng tại Khu du lịch Hang Rái- Vườn Quốc gia Núi Chúa; Điểm bán hàng tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
“Chương trình OCOP bước đầu tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn. Đặc biệt tác động lan tỏa Chương trình OCOP ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo... Chương trình cũng tạo nên niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.