| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Chủ Nhật 15/11/2020 , 10:28 (GMT+7)

Thông qua các lớp tập huấn cho các chủ thể và cán bộ phụ trách Chương trình OCOP, Ninh Thuận đã tập trung hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường.

‘ISO’ của Việt Nam

Ninh Thuận, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận (huyện Ninh Sơn) đã thành công trong việc đa dạng hóa sản phẩm nho, táo. Điều đặc biệt hơn, doanh nghiệp này đã hoàn thành các tiêu chí khắt khe trong sản xuất để đạt chứng nhận về sản phẩm OCOP.

Sản phẩm nho và táo tươi của Công ty TNHH Thái Thuận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm nho và táo tươi của Công ty TNHH Thái Thuận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận chia sẻ, bản thân ông và những người trong công ty rất vui khi sản phẩm nho xanh được xếp hạng 4 sao và 8 sản phẩm khác bao gồm nho, táo tươi và sấy khô... được xếp hạng 3 sao.

Ông Quang nói: “Chúng tôi đã sản xuất theo chương trình VietGAP và việc đạt được chứng nhận OCOP đã giúp sản phẩm của công ty tăng thêm giá trị. Có thể gọi đây là ‘ISO’ của Việt Nam. Khi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì sản phẩm dễ thâm nhập thị trường, nho táo của công ty dễ dàng được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Đặc biệt góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Quang, hiện nay, công ty đang liên kết với hàng chục hộ dân và 3 hợp tác xã ở Ninh Thuận để sản xuất nho, táo. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình OCOP, người làm vườn được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật, được phổ biến kiến thức nên đã tạo được chuỗi sản xuất bền vững, chất lượng. Công tác thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói cũng được thực hiện tốt nên tạo được sản phẩm có tính chất chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Sản phẩm OCOP táo sấy dẻo tách hạt của Công ty TNHH Thái Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm OCOP táo sấy dẻo tách hạt của Công ty TNHH Thái Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

“Để 9 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch thì chúng tôi đã được Ban Phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đào tạo, tập huấn tập huấn nâng cao kỹ năng thương mại hóa sản phẩm, tiếp thị sản phẩm; thương mại điện tử, cách tiếp cận thị trường; tập huấn về đăng ký mã vạch, đăng ký nhãn hiệu…”, ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thuận cho biết.

Tập trung đào tạo, tập huấn cho các chủ thể tham gia OCOP

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, thời gian qua Ban Phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh Ninh Thuận đã mở rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP.

Theo đó đã tổ chức 53 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và doanh nghiệp thực hiện Chương trình OCOP, với 3.750 lượt người tham dự. Trong đó 28 lớp cho đối tượng cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã với 1.750 lượt người tham dự; 25 lớp đối tượng cán bộ cấp xã và chủ thể, 2.000 lượt người tham dự. Đến nay 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình  OCOP được đào tạo tập huấn.

Táo xanh là sản phẩm đặc thù có thế mạnh cạnh tranh của Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Táo xanh là sản phẩm đặc thù có thế mạnh cạnh tranh của Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

“Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn đã hỗ trợ rất nhiều kiến thức, kỹ năng đến cán bộ và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP các cấp và cộng đồng, chủ thể tham gia chương trình OCOP; đồng thời thông qua các lớp tập huấn tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thông tin từ chủ thể, doanh nghiệp”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ thể thực hiện sẽ được tập huấn hướng dẫn các nội dung triển khai, tư vấn tại chỗ, kết nối của cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình OCOP để hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xúc tiến thương mại;...Kết quả của quá trình triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh: các chủ thể sản xuất có sản phẩm hoàn chỉnh, tham gia đánh giá, phân loại, dự thi sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ đắc lực các chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020 được hỗ trợ các nội dung như: Đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc; phát triển vùng nguyên liệu; thành lập tổ chức; liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quản lý chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ…

Theo ông Đặng Kim Cương, để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP, Ban Phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận đã mời 2 đơn vị Tư vấn tham gia thực hiện Chương trình OCOP gồm Trung tâm Phát triển nông thôn – Seamaul Undong, thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp II-TP.HCM.

Theo đó 2 đơn vị này sẽ tư vấn, đào tạo, tập huấn, hoàn thiện hồ sơ toàn bộ các nội dung cần phải triển khai để được công nhận sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các đơn vị này còn tư vấn về hoạt động xúc tiến thương mai, quảng bá sản phẩm OCOP.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận: “Trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP chúng tôi đã thực hiện nhiều phóng sự truyền hình, bài viết trên các phương tiện thông tin báo chí để tuyên truyền, quảng bá, khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện; đồng thời đã xây dựng các tài liệu tuyên truyền cấp phát đến các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã xây dựng câu chuyện sản phẩm cho 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, in cẩm nang sản phẩm tiềm năng OCOP, cẩm nang sản phẩm OCOP cấp tỉnh”.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025