| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận dừng sản xuất vụ hè thu gần 7.600ha do hạn

Thứ Hai 27/05/2024 , 08:15 (GMT+7)

Trước tình hình hạn hán kéo dài, Ninh Thuận đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa qua đã ban hành kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy vào tình hình thời tiết, sản xuất vụ hè thu năm 2024 sẽ triển khai linh hoạt theo 2 phương án. Hiện nay, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài nên sản xuất vụ hè thu tổ chức thực hiện theo phương án 1 với diện tích 23.460ha, trong đó lúa 13.460ha, cây màu 10.000ha, đạt 75,6% so với kế hoạch. Diện tích dừng sản xuất là 7.589ha, trong đó lúa 2.692ha, cây màu 4.897ha. Thời vụ xuống giống kết thúc trước ngày 10/6.

Hệ thống đường ống được đấu nối liên thông các hồ chứa ở Ninh Thuận để phục vụ chống hạn. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Hệ thống đường ống được đấu nối liên thông các hồ chứa ở Ninh Thuận để phục vụ chống hạn. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Thực hiện kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong lĩnh vực NN-PTNT năm 2024 trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tập trung vào nhiệm vụ chống hạn; triển khai quyết liệt công tác ứng phó hạn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm.

Theo đó, tập trung theo nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn nước và chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu kịp thời vụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Vận động nông dân không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới; tăng cường trữ nước, áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm trong sản xuất. Tiếp tục rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán nói chung, đặc biệt là nước sinh hoạt cho nhân dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Ninh Thuận khuyến khích và có cơ chế đẩy mạnh tưới tiết kiệm nhằm ứng phó lâu dài với hạn hán, biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Ninh Thuận khuyến khích và có cơ chế đẩy mạnh tưới tiết kiệm nhằm ứng phó lâu dài với hạn hán, biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, Sở NN-PTNT Ninh Thuận chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố nếu xảy ra, giảm thiểu mất nước. Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị máy bơm, dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất, bơm nước ở các hồ dưới mực nước chết.

Song song đó, chú trọng bảo dưỡng nhà máy nước thô Kênh Nam, Kênh Bắc; phối hợp với các địa phương theo dõi và đề xuất giải pháp dự trữ nguồn nước trên sông suối nhỏ khu vực Cầu Gẫy - Vĩnh Hy, Tập Lá - Phước Chiến, Suối Lạnh, Phước Bình... Đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch với nhau; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi để ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt; phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước mở nước sạch tại các điểm đã đấu nối khi cần thiết.

Nông dân Ninh Thuận dự trữ rơm rạ cho gia súc vào mùa khô hạn. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Nông dân Ninh Thuận dự trữ rơm rạ cho gia súc vào mùa khô hạn. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Đối với công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề ra giải pháp nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc. Có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống để ứng phó khi hán hán xảy ra. Thực hiện giám sát, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn cho gia súc trong điều kiện hạn hán; các hồ chứa nước bị cạn kiệt tuyệt đối không cho gieo trồng để nước phục vụ sinh hoạt của người dân và nước uống cho vật nuôi.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.