Đầu năm 2020, xã Nam Dong (huyện Cư Jút) được đầu tư 14,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 12,9 tỷ đồng và Ngân sách địa phương 1,4 tỷ đồng) để xây dựng công trình nước sạch tập trung của xã.
Đến nay, công trình đã hoàn thành được trên 90% khối lượng công việc, quy mô cấp nước cho trên 1.600 hộ dân của xã. Dự kiến khi đi vào vận hành, công trình sẽ phát huy được hiệu quả, tiếp tục nâng cao tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch tại địa phương.
Ông Bùi Trọng Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong cho biết, xã đã phối hợp tích cực với các đơn vị cấp nước sạch và chỉ đạo Tổ hợp tác, trạm quản lý nước sạch xây dựng, duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp nước sạch tập trung. Nhìn chung, các công trình cấp nước trên địa bàn xã đã và đang phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
“Xã Nam Dong hiện có trên 4.300 hộ dân với trên 18.000 nhân khẩu, đến nay đã có trên 96% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có trên 51% sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế”, ông Tuấn cho biết.
Không riêng gì xã Nam Dong, đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cư Jút cũng cơ bản giải quyết được bài toán thiếu nước sinh hoạt, giúp người dân sử dụng nước hợp vê sinh.
Theo ông Trương Việt Vương, Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn, do nguồn nước ngầm tại một số khu vực dân cư trong xã bị nhiễm kim loại, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, do vậy việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung để người dân sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân là hết sức cấp thiết.
Do đó năm 2018, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của xã Trúc Sơn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, với công suất 300m3/ngày đêm với chất lượng nước bảo đảm tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
“Sau khi được đầu tư, công trình hiện đang vận hành ổn định, cung cấp nước bảo đảm vệ sinh cho khoảng 350 hộ dân trong xã. Tại các khu vực khác không bị nhiễm kim loại, người dân đã tự đào, khoan giếng để lấy nước dùng. Hiện toàn xã có 772 hộ dân, trong đó có 763 hộ dân (98,83%) đang sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy định”, ông Vương cho hay.
Là 1 trong số hơn 300 hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung xã Trúc Sơn, gia đình anh Nguyễn Văn Trị ở thôn 4 rất phấn khởi và yên tâm hơn khi dùng nước.
Anh Trị cho biết, năm 2001, gia đình anh đầu tư khoan giếng sâu 70m để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, anh Trị phát hiện nguồn nước ngầm tại giếng nhiễm kim loại nặng, sau khi bơm nước lên khoảng 15 - 20 phút thì xuất hiện một lớp váng và có mùi hôi tanh. Ấm nhôm dùng để đun nước giếng cũng xuất hiện một lớp váng màu vàng, lâu ngày dầy dần lên. Sợ nguồn nước không bảo đảm, anh Trị chỉ sử dụng nước giếng để tắm, giặt và tưới cây cối trong vườn. Nguồn nước để ăn uống được vợ chồng anh Trị vận chuyển từ nơi khác mang về dùng.
“Gia đình tôi đã có nước sạch sử dụng, không còn phải dùng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh như trước đây. Thiếu gì thì thiếu, nhưng đến nay có nước sạch để sinh hoạt đã giúp cuộc sống đỡ khổ nhiều”, anh Trị chia sẻ.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng TN&MT huyện Cư Jút, những năm qua, bên cạnh việc đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, địa phương cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có trên 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
“Thời gian tới, huyện sẽ đề nghị cấp trên cấp kinh phí đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn. Bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác, huyện sẽ tập trung đầu tư vào khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước tập trung tại Nam Dong, Ea Pô và Trúc Sơn, phấn đấu sẽ có 100% số hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vào năm 2021”, ông Hồ Sơn cho biết.