| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn con dâu quá hiện đại

Thứ Hai 09/03/2015 , 10:51 (GMT+7)

Chị biết không, con dâu út của chúng tôi nó làm dâu theo kiểu hiện đại như thế này: Mẹ cần gì, con cung phụng tất. Nhưng cái cách nó khuân đồ về cho xong việc khiến mình tổn thương chị ạ.

Chị kính mến!

Sang rằm, tết đã qua, mọi thứ đã lại bắt đầu một vòng đời năm mới. Chúng tôi nghỉ ngơi cân bằng và đã trở lại với thể dục và bữa ăn đạm bạc hàng ngày.

Nhờ con cái bày chỉ, tôi có thói quen ngồi vào bàn lướt web từ mấy năm nay, kể từ khi về hưu. Mấy dòng tâm sự đầu năm với chị cho vơi những bức xúc của tết nhất chị ạ.

Vợ chồng tôi có ba con, hai trai một gái. Chúng tôi sống chung ngõ với con trai đầu, thằng cả này là đứa dễ gần nhất trong ba đứa con. Nó sống đạo hiếu nên nó cầm trịch được gia đình, hai đứa con của chúng ngoan, học giỏi, gia đình chúng nó đủ ăn và hạnh phúc.

Con gái của chúng tôi cũng sống ở thị xã, cũng đã làm được nhà riêng cách chỗ chúng tôi và anh nó 10 phút xe máy. Đôi này mới chỉ có một con gái, chồng nó là con trai một nên vấn đề của đôi này là sinh thêm và nếu sinh con gái nữa thì sao? Nhưng chuyện đó về sau hẵng nói, chị nhé.

Đứa con trai út của tôi lắm chuyện hơn. Nó là đứa học cao nhất nhà, có bằng thạc sĩ, có vợ đẹp và thu nhập của vợ rất cao. Chúng nó nhà cao cửa rộng mặt phố, tầng dưới cho thuê, tiền tính bằng ngoại tệ, có người giúp việc. Bố mẹ nào không tự hào khi con mình thành đạt nhanh, đúng không chị?

Xem ra, chúng tôi như là hai người nhà quê trong mắt chúng nó dù chúng tôi cũng là viên chức về hưu, có thâm niên công tác.

Chị biết không, con dâu út của chúng tôi nó làm dâu theo kiểu hiện đại như thế này: Mẹ cần gì, con cung phụng tất, gà ư, gà ta làm sẵn, gà xông khói nữa, bánh chưng ư, hàng tá, bia rượu ngất nhà, cá trắm cá hồi, không thiếu.

Nhưng cái cách nó khuân đồ về cho xong việc khiến mình tổn thương chị ạ. Ấy đâu phải là làm dâu mà là đi phát quà, phát chẩn lấy đức lấy lộc.

Khác hẳn con dâu cả, chị này gà quê tự làm, xôi tự đồ, gấc tự trồng, biếu mẹ từng cân đỗ đến yến nếp. Biếu thế nhưng nó cáng đáng hết, tôi không phải động tay mấy.

Con trai cả của chúng tôi khuyên mẹ đừng chấp nê, chú ấy sẽ là đại gia, xế hộp, vi-la, công dân toàn cầu. Nhưng sống đẳng cấp ấy tôi thấy như nó đi xa khỏi vòng tay của mình, điều đó khiến tôi ray rứt chị ạ.

Ai đời khuân về cho bố mẹ ngần ấy thứ rồi thì mồng một tết là phới, một mạch tới mồng 7 luôn. Chúng cứ dung dăng như thế đến nay đã ba năm sau cưới mà vẫn chưa chịu sinh đẻ gì cả.

Thôi, bấy nhiêu gọi là tâm tình đầu năm.

Mong chị lắng nghe và chia sẻ.

-------------------

Bạn thân mến!

Tôi hình dung được tâm trạng ưu phiền của bạn, nói đúng hơn, là một chút ưu phiền thôi. Nhưng mà dấu hiệu ấy cho thấy một thái độ sống của một bộ phận trẻ, một xã hội đang vận động nhanh và biến động.

Nhiều người bảo tết nay buồn, mua sắm ít. Hình như đúng vậy. Không hẳn vì người ta thu nhập kém đi, mà vì quan niệm về tết có thay đổi. Người già cố thủ tập tục, người trẻ chống lại bằng cách đi chơi xa, xả tress, thư giãn, chiếu lệ với cúng kiếng.

Có đáng lo không? Theo tôi, quy luật nhạt dần với Tết Nguyên đán là sự thật và sẽ có đậm lên với tết dương lịch và những ngày lễ có xu hướng tây hóa như Noel hay Lễ tình nhân.

Hội nhập là vậy, là nhạt đi cái đang có và tiếp nhận cái đã có của số đông. Đến một lúc nào đó, bản sắc sẽ kết tinh, vón lại, như đá thạch, như kim cương, không thể hòa tan được thì sẽ trụ được với thời gian và thành tài sản của nhân loại.

 Như người Nhật, họ cũng văn hóa Trung Hoa nhưng họ đã làm nhạt những thứ nên nhạt và làm đậm những thứ của họ và đã làm nên một nước Nhật khiến thế giới nghiêng mình.

Nhà bạn có con trai đầu truyền thống, có nàng dâu đạo hiếu để ôm bàn thờ. Con út của bạn có lẽ nghĩ vậy và đã sống theo ý mình, hiện đại đi đã, bố mẹ đã có anh chị, bố mẹ sẽ đầy đủ nếu con út giàu. Và chúng nó đang giàu, sẽ giàu, và cách hành xử với bố mẹ ngày tết của đôi này cũng không cá biệt.

Rồi chúng ta sẽ già nữa và theo ông theo bà. Rồi chúng nó sẽ có con, đứa con út của bạn í và biết đâu chúng sẽ ngậm ngùi như bạn khi con cái nó sẽ “thí tiền thí quà” cho cha mẹ chúng khi chợt nghĩ đến hai đấng sinh thành, có khi giai đoạn ấy, chúng nó đã vào viện dưỡng lão rồi không biết chừng.

Hãy tin “sinh con rồi mới sinh cha”, khi đôi ấy làm cha làm mẹ, chúng sẽ cảm nhận được nước mắt lặn vào trong khi đứa con thất thố với mình. Hãy tự an ủi, không ai được cả, con trưởng hay thì con út kém về việc hay, thế thôi.

Bề của bạn thế là ổn, có âu lo nhưng không đáng sợ, còn hơn vạn người bi kịch đủ đường. Mong bạn khoan hòa, từ tốn với nàng dâu đẹp và giàu ấy để rồi sẽ “thuần hóa” được cô ả khi cô ả cũng có con, cũng vui buồn vì con và sẽ nghiệm ra mẹ chồng mình bao dung, hiểu biết, hỉ xả, phật tính.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm