| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau khôn nguôi của vùng biển: Chống IUU ở ‘cái nôi’ đánh bắt xa bờ

Thứ Năm 21/10/2021 , 09:53 (GMT+7)

Đánh bắt bất hợp pháp khiến nhiều chủ tàu cá ‘trắng tay’ đã đành, vi phạm này còn khiến nỗ lực chống khai thác IUU để gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản bị ngáng trở…

Cái nôi của nhiều nghề đánh bắt xa bờ

Trên đường đưa chúng tôi dạo quanh các vùng quê biển Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam…, những làng chài nổi tiếng, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), phác họa bức tranh nghề biển của địa phương bằng những câu chuyện thú vị.

Hoài Nhơn là địa phương dẫn đầu về nghề biển ở Bình Định với 2.459 tàu cá, chiếm non một nửa tổng số tàu cá của Bình Định, trong đó có trên 2.100 tàu có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Trong quá trình phát triển nghề biển, Hoài Nhơn đã hình thành nhiều làng chài nổi tiếng. Ví như làng chài Tân Thạnh 2 ở xã Tam Quan Bắc đã có trên 100 năm gắn bó với nghề biển, hiện ngư dân làng chài này đều theo nghề đánh bắt cá ngừ đại dương.

Ông Công kể, thời xa xưa, ngư dân làng chài Tân Thạnh 2 chuyên làm nghề câu cá nhám. Đến năm 1997, cá ngừ đại dương bắt đầu được thị trường xuất khẩu "ăn" mạnh. Vậy là các lão ngư trong làng đánh tàu vào Phú Yên học nghề câu cá ngừ đại dương. Tuy mới, nhưng nghề câu cá ngừ đại dương chẳng khác mấy so với câu cá nhám, nên các lão ngư ở làng chài dân Tân Thạnh 2 học nghề rất nhanh, chẳng mấy chốc đã trở nên thiện nghệ.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra nguồn gốc thủy sản đánh bắt khi tàu cá của ngư dân cập bờ bán sản phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra nguồn gốc thủy sản đánh bắt khi tàu cá của ngư dân cập bờ bán sản phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Buổi sơ khai, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương chủ yếu là câu vàng, 1 năm chỉ làm có 4 - 5 chuyến biển. Qua 23 tháng 10 âm lịch hàng năm là ngư dân sửa sang ngư cụ bắt đầu vươn khơi đánh bắt, đến tháng 4 âm lịch năm sau là nghỉ. Đặc biệt, nghề câu vàng mùa trăng làm vẫn được. Những ngày sáng trăng, chỉ cần thả lưỡi câu sâu từ 50 - 70m là cá vẫn ăn mồi. Khi tối trời thì chỉ cần thả lưỡi câu ở độ sâu 30 - 40m. Bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi là trên biển có gió Nam, cá ngừ đại dương không ăn mồi nữa nên ngư dân dừng đánh bắt.

Tuy mỗi năm làm có 4 - 5 chuyến biển, nhưng nhờ khi ấy ngư trường còn dồi dào cá nên chuyến biển nào cũng bội thu, mức thu nhập đủ để cả gia đình chi tiêu cả năm. Từ đó, nghề câu cá ngừ đại dương đã làm nên diện mạo mới cho làng chài Tân Thạnh 2 với những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng dày.

Hoặc như làng chài Hoài Hương, cái nôi của nghề lưới vây rút chì. Sự khởi sắc của ngư nghiệp ở địa phương này bắt nguồn từ cơ duyên của ngư dân Trần Bảng. Trước năm 1975, ông Bảng vào tận Nha Trang (Khánh Hòa) làm nghề biển. Trong 1 chuyến đánh bắt xa bờ, ông Bảng kết bạn được với mấy ngư dân Nhật Bản. Nhìn thấy kỹ thuật đánh bắt cá của người Nhật sao mà gọn gàng, lại cho hiệu quả rất cao, ông Bảng ngõ ý muốn học nghề. Mấy ngư dân nước bạn tốt bụng gật đầu ngay, sau đó đưa ông Bảng sang Nhật để học nghề đánh cá bằng lưới vây rút chì.

Trong thời gian học nghề, ông Bảng nắm bắt được yếu tố quan trọng trong nghề này là sợi dây rút, nên khi về nước ông Bảng mua cả giàn lưới lẫn bộ dây mang về nghiên cứu để học cách đan dây rút.

100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động xa bờ ở Bình Định đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động xa bờ ở Bình Định đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau năm 1975, ông Bảng về quê và dạy cho ngư dân Hoài Hương nghề đánh bắt cá ngừ sọc dưa bằng lưới vây rút chì. Ban đầu chỉ khoảng 5 - 6 ngư dân trong làng học nghề của ông Bảng, sau khi ra nghề đầu tư tàu lớn đi đánh bắt xa khơi, hiệu quả mang lại ngoài mong đợi, vậy là nhiều ngư dân khác làm theo. Nghề biển của ngư dân làng chài Hoài Hương khởi sắc từ đó.

Nỗ lực khắc phục những mảng tối

Nghề biển ở Hoài Nhơn cứ thế phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong dòng chảy của sự phát triển đã nảy sinh hiện tượng nhiều tàu cá đánh bắt “vượt biên giới”, xâm phạm vùng biển nước ngoài để tìm kiếm những mẻ cá lớn, chiếm nhiều nhất là những tàu cá hoạt động tại ngư trường miền Nam.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, việc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài bắt đầu được chính quyền địa phương ra tay ngăn chặn. Sau con số thống kê trong năm 2017 trên địa bàn Hoài Nhơn có đến 22 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do đánh bắt xâm phạm vùng biển, lập tức Thị ủy, UBND thị xã Hoài Nhơn làm việc với chính quyền các xã vùng biển, đề ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tàu cá vi phạm.

“Hoài Nhơn ban hành hẳn Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Nếu xã, phường nào có tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển, bị nước ngoài bắt giữ thì cuối năm lãnh đạo xã, phường đó sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, chính quyền địa phương các vùng biển tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tránh xa vi phạm, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn ký cam kết không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài”, ông Công cho hay.

Nghề câu cá ngừ đại dương có mặt tại Bình Định từ năm 1997. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghề câu cá ngừ đại dương có mặt tại Bình Định từ năm 1997. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bước sang năm 2018, những tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn nằm trong sự quản lý của địa phương giảm hẳn vi phạm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thế nhưng những tàu cá của địa phương bám trụ, hoạt động tại ngư trường miền Nam vẫn tiếp tục vi phạm. Trong năm 2018, Hoài Nhơn vẫn còn 12 tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ. Để chấn chỉnh, Hoài Nhơn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và Chỉ thị 45 của Chính phủ bằng nhiều hình thức.

Vào đầu năm mới, chính quyền các địa phương vùng biển tổ chức gặp gỡ ngư dân. Trong câu chuyện thân mật, chính quyền địa phương phân tích để ngư dân hiểu đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài là vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, dẫn tới cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu, mà đối tượng bị thiệt hại trực tiếp chính là ngư dân. Nỗ lực này đã cho kết quả khả quan là năm 2019 số tàu vi phạm của Hoài Nhơn giảm xuống còn 8 chiếc.

Không dừng lại ở đó, UBND thị xã Hoài Nhơn còn phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định vào tận miền Nam, những địa phương có tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn hoạt động, phối hợp với các Sở NN-PTNT và các cảng cá sở tại tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm. Kết quả là năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021 không còn tàu cá nào của ngư dân Hoài Nhơn vi phạm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài được thấy rõ nhất ở phường Hoài Thanh. Theo ông Nguyễn Hữu Kim, Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh, địa phương có một nửa dân số làm nghề biển với gần 200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên đánh bắt xa bờ đã tuân thủ Luật Thủy sản. Từ năm 2019 trở lại đây, trên địa bàn Hoài Thanh không còn tàu cá nào vi phạm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Làng chài Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) là cái nôi của nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Làng chài Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) là cái nôi của nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình đã giúp ích không ít cho việc hạn chế tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đến cuối năm 2019, 100% tàu cá của Hoài Nhơn đã được lắp đặt thiết bị này. Qua thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng trên bờ nắm bắt rõ hành trình của tàu cá trên biển. Nếu phát hiện có tàu cá sắp vượt làn ranh đỏ là lập tức cảnh báo để tàu cá ấy quay lại, tránh xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhờ đó đã hạn chế được vi phạm.

“Thiết bị giám sát hành trình còn giúp cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao. Khi có bão xảy ra trên biển, qua thiết bị, ngành chức năng biết tàu cá nào nằm trong vùng nguy hiểm để liên lạc, cảnh báo tìm nơi tránh trú an toàn. Thiết bị này còn giúp địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Qua giám sát hành trình, chúng tôi biết tàu cá ấy trước khi về địa phương có cập vào những cảng cá vùng dịch để bán sản phẩm hay không, nếu có mà khi về địa phương không khai báo thì chúng tôi sẽ xử phạt và tổ chức cách ly cho thuyền viên để phòng, chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, khẳng định.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.