| Hotline: 0983.970.780

‘Vàng xanh’ từ những rừng nghèo

Nơi đồng bào Bana coi rừng như máu thịt

Thứ Hai 04/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Có thời, rừng đặc dụng An Toàn không hề an toàn do nạn khai thác trái phép gỗ quý. Sau hơn 10 năm siết chặt quản lý, bình yên đã đến với rừng.

Một thời không bình quên

10 năm về trước, rừng đặc dụng An Toàn ở xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) từng bị lâm tặc thi nhau xâm hại. Bây giờ nhớ lại, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn vẫn xót xa, tiếc nuối những gì rừng đã bị đánh cắp.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) tuần tra rừng giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) tuần tra rừng giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: V.Đ.T.

Hơn 22.500ha rừng nguyên sinh còn dày đặc những cây gỗ đại thụ có giá trị kinh tế cao như lim, gỗ hương, gỗ giáng mật...  luôn làm lâm tặc thòm thèm. Ngày ấy, do những cây gỗ quý to vật vã còn đứng đầy trong rừng đặc dụng An Toàn nên lâm tặc bất chấp sự ngăn chặn của ngành chức năng và chính quyền địa phương, không ngừng “đột kích” vào rừng để khai thác trái phép.

Còn nhớ, vào năm 2014, năm cuối cùng rừng đặc dụng An Toàn bị xâm hại rộ. Đầu năm ấy, nhiều lâm tặc ở Quảng Bình vào cấu kết với một số người dân ở huyện An Lão - vùng giáp ranh với rừng An Toàn, dùng xe máy định vượt qua Trạm kiểm soát cửa rừng An Toàn 3 để xâm nhập vào rừng đặc dụng An Toàn. Khi bị lực lượng chức năng trực trạm chặn lại, chúng cãi chày cãi cối rằng chỉ đi khai thác lâm sản dưới tán rừng chứ không khai thác gỗ. Nhưng lực lượng bảo vệ rừng vẫn quyết tâm chặn lại, thế là nhóm lâm tặc táo tợn buông lời đe dọa, sau đó cắt đường rừng tiếp tục cuộc hành trình đi vào rừng.

Ngay sau đó, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét, phát hiện 10 đối tượng đang tổ chức khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 51. Thấy động, chúng bỏ cưa bỏ xe máy chạy biến vào rừng. Tiếp tục truy quét, ngành chức năng phát hiện tại Tiểu khu 72 thuộc rừng đặc dụng An Toàn 1 cây gỗ hương có đường kính gốc to đến 1m đã bị cưa hạ.

Trạm kiểm soát cửa rừng của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đặt ngay con đường độc đạo ra vào xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trạm kiểm soát cửa rừng của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn đặt ngay con đường độc đạo ra vào xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thời gian sau đó, UBND huyện An Lão đã lên kế hoạch truy quét dài ngày trong rừng đặc dụng An Toàn. Lần truy quét này, ngành chức năng liên tục phát hiện nhiều nhóm lâm tặc dựng lán trại, dự trữ lương thực, “định cư” luôn trong rừng để khai thác trái phép những cây gỗ quý. Lực lượng kiểm lâm huyện An Lão cũng phát hiện nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép từ rừng đặc dụng An Toàn về xuôi để tiêu thụ.

Trong khi rừng An Toàn không ngừng bị tàn phá thì ở dưới xuôi, những vùng sản xuất nông nghiệp ở huyện An Lão bị hạn hán uy hiếp. Vào thời điểm ấy, có gần 200ha lúa và hoa màu ở các xã An Hòa, An Tân, An Trung và thị trấn An Lão (huyện An Lão) bị thiếu trầm trọng nước tưới. Không chỉ ruộng đồng khô khát, cả người dân các địa phương nói trên cũng bị thiếu nước sinh hoạt. Xác định rừng đặc dụng An Toàn có chức năng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá đã dẫn đến tình trạng nói trên, ngành chức năng Bình Định lập tức lên phương án siết chặt công tác bảo vệ.

“Khi ấy, rừng đặc dụng An Toàn ở những vùng giáp ranh với các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão (Bình Định), huyện Kbang (Gia Lai) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chưa được thành lập những trạm quản lý bảo vệ rừng. Để bảo vệ những khu rừng giáp ranh, đơn vị quản lý rừng đặc dụng An Toàn chỉ phối hợp với chính quyền các địa phương giáp ranh định kỳ tổ chức tuần tra, kiểm soát. Do đó, vẫn còn nhiều kẽ hở để lâm tặc có cơ hội lén lút xâm nhập vào rừng khai thác trái phép gỗ quý”, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn nhớ lại.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn trong khu rừng chè tự nhiên đang được đơn vị bảo tồn, phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn trong khu rừng chè tự nhiên đang được đơn vị bảo tồn, phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện An Lão phát động phong trào quản lý bảo vệ rừng đặc dụng An Toàn trong cộng đồng dân cư. Dù là huyện nghèo, nhưng UBND huyện An Lão đã “thắt lưng buộc bụng”, trích kinh phí để thưởng hoặc mua thông tin từ người dân về hoạt động của lâm tặc. Đồng thời có biện pháp răn đe những người dân địa phương có hành vi cấu kết với lâm tặc ngoài tỉnh vào rừng khai thác, mua bán lâm sản trái phép. Nhờ triển khai nhiều biện pháp mạnh nên gần 10 năm qua, rừng đặc dụng An Toàn đã có được sự bình yên.

Giữ rừng dựa vào sức dân

Đứng trên đỉnh cao gần 1.000m so với mặt nước biển, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn chỉ tay về phía chân trời in hình những dãy núi mờ mờ, phía giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai), nói: “Anh cứ nhìn ngút tầm mắt thì nơi ấy là ranh giới của rừng đặc dụng An Toàn. Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hơn 25.000ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 22.500ha là rừng đặc dụng. Ấy vậy mà hiện lực lượng của Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn chỉ có 19 người, ráng sắp xếp lắm mới bố trí được 15 người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách. Nếu lấy tổng diện tích rừng chia cho lực lượng bảo vệ rừng thì mỗi người phải quản lý gần 2.000ha rừng, trong khi địa bàn hoạt động xa ngút ngàn, đường sá cách trở, đi lại rất khó khăn”.

Đồng bào Bana ở vùng cao An Toàn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng chè dây dưới tán rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Đồng bào Bana ở vùng cao An Toàn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng chè dây dưới tán rừng. Ảnh: V.Đ.T.

So sánh 2 con số về nhân lực bảo vệ rừng và diện tích rừng, tôi không thể không ngạc nhiên, hỏi: “Chừng ấy con người mà bảo vệ chừng ấy diện tích rừng, vậy các anh bảo vệ rừng kiểu gì mà hàng chục năm nay lâm tặc không dám bén mảng vào rừng, dù trong rừng đặc dụng An Toàn còn đầy cây gỗ quý cổ thụ?”.

Không nghĩ ngợi, ông Nam trả lời: “Nhân sự của chúng tôi chỉ có 19 con người, nhưng lực lượng bảo vệ rừng của chúng tôi có đến 276 hộ dân. Xã An Toàn có 957 nhân khẩu, trừ trẻ con, còn lại ai cũng là nhân viên bảo vệ rừng tích cực. Ngoài ra, hiện nay tại các tuyến đường rừng giáp ranh với các địa phương khác chúng tôi đã lập 5 trạm quản lý bảo vệ rừng để ngăn chặn lâm tặc xâm nhập từ bên ngoài vào”.

Theo ông Nam, ngoài lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, tại 3 thôn trong xã, thôn nào cũng được thành lập 1 tổ quản lý, bảo vệ rừng gồm 10 thanh niên có ý thức bảo vệ rừng cao để thường xuyên phối hợp với lực lượng chuyên trách đi tuần tra, kiểm tra rừng. Mỗi đợt tuần tra rừng kéo dài từ vài ngày đến cả chục ngày nhưng ai cũng năng nổ, không bao giờ từ chối. Người dân An Toàn có ý thức bảo vệ rừng rất cao bởi họ mong muốn những cánh rừng được bình yên, để lâm sản dưới tán rừng ngày càng sinh sôi, đồng nghĩa họ càng có thêm thu nhập.

Ngoài lực lượng chuyên trách, tại 3 thôn trong xã An Toàn được thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng với 30 thanh niên có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài lực lượng chuyên trách, tại 3 thôn trong xã An Toàn được thành lập 3 tổ quản lý bảo vệ rừng với 30 thanh niên có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nam, hiện 3 thôn trên địa bàn xã An Toàn có 276 hộ dân thì trong đó đã có đến 256 hộ ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ 7.020ha rừng, chiếm tỉ lệ 27,86% trong tổng diện tích rừng tự nhiên đơn vị đang quản lý, bình quân mỗi hộ nhận khoán quản lý 30ha. Ngoài nguồn thu nhập ổn định từ khoản hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400.000đ/ha/năm, người dân xã An Toàn còn có thêm nguồn thu nhập khác từ 100ha mây tự nhiên đang được Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn khoanh nuôi, tái sinh.

Ngoài ra, người dân xã An Toàn còn có thêm nhiều nguồn thu khác từ khai thác lâm sản lưới tán rừng như măng, mật ong rừng. Hiện mỗi năm người dân địa phương khai thác khoảng hơn 5.000 lít mật ong rừng. Tại thời điểm này, giá bán mật ong rừng bình quân 300.000đ/lít, ngoài ra, nhộng ong rừng cũng bán được từ 300.000 - 350.000đ/kg. Đó là chưa kể người dân An Toàn đang phát triển mạnh trồng cây dược liệu chè dây dưới tán rừng, sản phẩm được Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) bao tiêu toàn bộ. Đây là sinh kế bền vững của đồng bào Bana ở đây.

Người dân xã An Toàn đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ rừng. Ảnh: VĐT.

Người dân xã An Toàn đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ rừng. Ảnh: VĐT.

“Tính cộng đồng của đồng bào Bana ở đây rất cao, khi họ đã ý thức được việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống, bảo vệ nguồn thu nhập của họ thì những khi họ đi làm rẫy, thấy có người lạ xâm nhập vào rừng, hoặc phát hiện thấy có hiện tượng khai thác rừng trái phép là lập tức báo cáo ngay cho ngành chức năng.

Nhờ cộng hưởng sức mạnh của người dân trong công tác bảo vệ rừng nên 10 năm gần đây nạn khai thác rừng trái phép trong rừng đặc dụng An Toàn đã không còn xảy ra. Độ che phủ rừng tăng hàng năm. Nếu cách đây hơn 10 năm, độ che phủ của rừng An Toàn chỉ 82 - 83% thì nay đã tăng đến 96%”, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn cho hay.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.