| Hotline: 0983.970.780

Nơi gieo mầm hy vọng

Thứ Tư 10/03/2010 , 09:36 (GMT+7)

Lớp học ấy chưa tới 20 học sinh, giờ ra chơi không có tiếng cười đùa. Mọi trao đổi giữa thầy trò đều thông qua cử chỉ đôi tay...

Để các em hiểu bài, cô giáo Trần Thị Bồng cầm tay từng em dạy làm từng bài toán

Lớp học ấy chưa tới 20 học sinh, giờ ra chơi không có tiếng cười đùa. Thầy cô giáo là những người đặc biệt nhưng vì tình yêu thương, muốn dạy cho các em tự tin vào cuộc sống, biết điều hay lẽ phải nên nguyện gắn cuộc đời mình với các em. Đó là lớp học dành cho trẻ khiếm thính ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế), đã được thành lập hơn 15 năm nay. 

LỚP HỌC KHÔNG LỜI

Trường tiểu học Vĩnh Ninh nằm trên đường Ngô Quyền ở trung tâm TP Huế. Giờ ra chơi, không khí náo nhiệt với tiếng nói, tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ thơ. Ở một gốc riêng phía sau sân trường náo nhiệt đó có một nhóm học sinh tụm ba tụm bảy, các em đang “nói chuyện” với nhau bằng ngôn ngữ riêng, đó là ngôn ngữ ra dấu bằng ngón tay. Mọi sự vật náo nhiệt xung quanh hầu như đứng yên đối với các em.

Hết giờ ra chơi, cô giáo Trần Thị Bồng tới vỗ vào vai từng em gọi vào lớp học. 16 năm đứng lớp, ngày nào cô cũng làm như thế sau mỗi giờ ra chơi. Trong lớp học, cách giảng của cô Bồng và cách trao đổi bài giữa các cô trò cũng rất đặc biệt, tất cả đều thông qua cửa chỉ đôi tay. “Một phép toán đơn giản nhưng để các em hiểu thì phải giảng đi giảng lại rất nhiều lần. Các em không nghe, không nói được nên phải tới từng em dạy từng chữ”, cô Bồng tâm sự.

Ở TP Huế, trường tiểu học Vĩnh Ninh là ngôi trường duy nhất có lớp dạy cho trẻ khiếm thính. Vì vậy, nhiều em ở vùng quê xa như tận huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… muốn học chữ cũng lên ở trọ học. Em Nguyễn Thị Thu Hiền nhà ở tận xã Vinh An, huyện Phú Vang (13 tuổi) nhưng mới vào học lớp một. Hiền cho biết lên Huế em xin vào ở tại một nhà chùa ở cách trường học gần 5km, mỗi ngày em đến trường phải thuê xe ôm đưa đón, cơm ăn tự mang theo. Dù vất vả thế nhưng chưa có ngày nào em tự nghỉ học.

Còn em Nguyễn Văn Tứ đang học lớp 3 lên Huế trọ học đã 3 năm nay vì gia đình ở quá xa. “Lên Huế ở nhà bà con, mỗi ngày trả 20 ngàn tiền xe ôm để họ đưa đón em đến trường. Ba mẹ cuối tuần thường hay lên thăm và đón em về nhà chơi lắm, ở đây thầy cô ai cũng thương nên em không buồn nữa”, Tứ tâm sự.

Em Nguyễn Thị Thơm (13 tuổi) là con thứ 7 trong gia đình 8 anh chị em. Thơm kể rằng từ khi tới trường học chữ, được giao tiếp với các bạn cùng cảnh ngộ, được thầy cô lấy tình thương của mình ra dạy dỗ nên em không cảm thấy buồn như trước nữa. Cô bé tâm sự rằng: “Khi chưa học chẳng có ai chơi với em hết, các bạn cùng xóm chẳng hiểu được ngôn ngữ của em, chỉ có ba mẹ là hiểu em thôi”. Nhà Thơm ở phường An Tây, TP Huế, bố mẹ làm thợ hồ, nhà đông anh em nên điều kiện kinh tế khó khăn. Hỏi về ước mơi, Thơm tâm sự: “Em sẽ quyết tâm học để hòa nhập với cộng đồng. Các thầy cô đã dạy cho chúng em phải yêu thương, tự tin vào cuộc sống. Em muốn sau này được trở thành cô giáo đi dạy các em khiếm thính”. 

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ĐẶC BIỆT

Tại trường Vĩnh Ninh các em một buổi học văn hóa, buổi còn lại học các môn năng khiếu như vẽ, thêu, may vá… Cô giáo Trần Thị Bồng là người đầu tiên tự nguyện xin về dạy khi lớp học thành lập. Cô Bồng vốn là một kỹ thuật viên trong ngành y tế ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ sư phạm. “Hồi đó lớp học do ngành y tế quản lý, tôi làm ở ngành y tế nên thường xuyên đến thăm lớp nên có cảm tình với các em. Đầu năm học 1993-1994 do thiếu giáo viên dạy nên tôi làm đơn xin chuyển qua đây”, cô Bồng kể.

Từ đó cô Bồng như tìm thấy niềm vui của mình khi gắn bó với lớp học khiếm thính, cô muốn dạy cho các em hiểu về cuộc sống, biết vươn lên và tự tin vào bản thân. Đối với các em khiếm thính, việc giao tiếp rất khó nhưng việc dạy cho các em là điều càng khó hơn. Làm sao để hòa nhập với các em? Đó là câu hỏi đau đáu ngay từ những ngày đầu tiên về nhận công tác. Cô phải đi học ngôn ngữ của người khiếm thính, mua sách đọc thêm. “Khi đứng lớp thì tôi là cô giáo, còn khi ra chơi tôi là học trò của các em để học ngôn ngữ người khiếm thính”, cô Bồng cười.

Nhiều em mới ngày đầu đến trường, nhớ nhà, nhớ cha mẹ nên khóc. Một tay cô cầm phấn còn tay kia bế các em, vừa dạy vừa dỗ dành. “Các em như con của mình, nhìn các em khóc mà xót lòng. Cuộc sống đã lấy đi tiếng nói, thính giác của các em, hơn ai hết các em rất cần sự yêu thương, đùm bọc của người lớn”, cô Bồng tâm sự. Năm nay đã 50 tuổi, 16 năm đứng lớp, đến nay học trò của cô đã có hàng trăm em ra trường, nhiều em đã trưởng thành, kiếm được việc làm tự nuôi sống bản thân.

Đối với thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1981) thì việc dạy cho các em khiếm thính là như việc làm đưa lại niềm vui cho bản thân. Thầy Tuấn tốt nghiệp ngành cao đẳng tin học vào năm 2004, biết trường đang thiếu giáo viên dạy môn tin học cho các em khiếm thính, thầy đã nộp đơn xin vào dạy dù biết lương bổng ở trường còn hạn hẹp. Để dạy cho các em biết về tin học, ngày ngày thầy Tuấn lên mạng tìm tài liệu, đêm đêm trăn trở tìm cách dạy để làm sao các em dễ hiểu nhất.

Trên bục giảng, thầy Tuấn, cô Bồng và những thầy cô khác là người thầy, người cô dạy cho các em hòa nhập xã hội. Còn khi ngoài đời họ như người cha, người mẹ che chở, dìu dắt các em đi một đoạn đường trong suốt hành trình của cuộc đời.

Chúng tôi xin lấy lời tâm sự của chàng trai khiếm thính đầy nghị lực Trương Quang Thuận, trưởng nhóm khiếm thính ở TP Huế để kết thúc loạt bài này: “Nếu trên cuộc đời này không có những người cô, người thầy dạy cho chúng em về văn hóa, đạo đức thì chúng em mãi mãi là những con người sống thiếu tự tin vào bản thân, khó hòa đồng vào xã hội”. (Hết)

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất