| Hotline: 0983.970.780

'Nói không' với vật liệu xốp gây ô nhiễm

Chủ Nhật 18/07/2021 , 14:00 (GMT+7)

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra quy chuẩn về vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản không gây ô nhiễm môi trường.

Vật liệu phao nổi bằng xốp gây ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan khu vực ven biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Vật liệu phao nổi bằng xốp gây ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan khu vực ven biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Ô nhiễm từ phao xốp

Ông Nguyễn Văn Phú, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) làm nghề nuôi trồng thủy sản gần 30 năm. Trước đây, kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả nuôi và thị trường không đáng kể, nhiều người sống quanh khu vực ven biển, song không hứng thú với công việc này.

Chỉ đến khi ngành chuyên môn vào cuộc, các hộ dân ở huyện Vân Đồn mới bắt đầu nuôi, trồng thử nghiệm thủy sản trên bè phao nổi bằng vật liệu xốp trong vùng ven và lõi Vịnh Hạ Long.

Kỹ thuật này mau chóng phát huy tác dụng, giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư nhưng thu nhập lại gấp nhiều lần so với nuôi trồng thủy sản kiểu truyền thống. Từ năm 2008 đến nay, số hộ tham gia nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng, từ đó tạo thêm áp lực cho môi trường biển.

Thực tế, phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, sau thời gian sử dụng có tiếp xúc với môi trường ngoại cảnh, các mối nối ghép thường bị nứt vỡ làm xốp bên trong thất thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Kết quả đánh giá hiện trạng các loại rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long vào năm 2018, có đến 5 loại rác được tìm thấy, trong đó nhiều nhất là phao xốp (chiếm trên 70%).

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 20.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Các đối tượng nuôi chính là cá song, cá vược, cá giò, cá chim vây vàng, hàu, hà... Do có giá thành rẻ, dễ làm, nguồn nguyên liệu sẵn có và phù hợp với trình độ quản lý của người nuôi, nên phần lớn các lồng bè được làm bằng gỗ, phao xốp hoặc phao phi nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Khu vực ven và lõi Vịnh Hạ Long, người dân sử dụng hàng nghìn cục phao nổi bằng xốp để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Anh Thắng.

Khu vực ven và lõi Vịnh Hạ Long, người dân sử dụng hàng nghìn cục phao nổi bằng xốp để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Anh Thắng.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh: Rác thải phao xốp từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đang gây những những tác động xấu đến môi trường biển. Để hạn chế những tác động này, Sở NN-PTNT đã biên soạn quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ mặn tại Quảng Ninh.

Trước đó, năm 2015, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần xây dựng các dự án, ứng dụng các loại vật liệu mới nâng cao năng suất, sản lượng nuôi biển, vừa đảm bảo thân thiện với môi trường. Đặc biệt, dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu HDPE, đảm bảo sóng gió đã được triển khai thí điểm cho 30 hộ dân ở Vân Đồn và Đầm Hà với quy mô 6.000 m3.

"Quá trình thực hiện đến năm 2017 cho kết quả nhiều hơn mong đợi, mặc dù chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, song lồng nuôi được làm bằng vật liệu mới có kết cấu vững chắc, chịu được sóng gió cấp 8-9, chịu mặn, chịu nhiệt tốt, phù hợp với điều kiện tại Quảng Ninh, không gây môi trường” ông Công cho hay.

Quy chuẩn mới dành cho vật liệu nổi

Ngày 21/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

Việc ban hành quy chuẩn này cho thấy tầm nhìn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường. 

Lắp lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE. Ảnh: Anh Thắng.

Lắp lồng nuôi cá bằng vật liệu nhựa HDPE. Ảnh: Anh Thắng.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2022 (thay vì từ ngày 1/1/2023), các cơ sở nuôi trồng thủy sản mặn, lợ đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có phải thực hiện xong việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi của Quảng Ninh.

Đối tượng áp dụng quy chuẩn bao gồm: Các cơ sở nuôi trồng thủy sản lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ nuôi trồng thủy sản. Quy chuẩn cũng quy định rõ về công tác quản lý, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, công tác tổ chức thực hiện, các thông tin chi tiết về phao nổi, vật liệu làm phao nổi.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay các địa phương ven biển trong tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tuyên truyền đến các đối tượng chịu tác động thực hiện quy chuẩn địa phương. Người dân cơ bản đã nắm được thông tin về việc phải thay thế vật liệu nổi, các loại vật liệu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố hợp quy.

Vật liệu mà tỉnh Quảng Ninh hướng đến cho các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là vật liệu thân thiện, không gây ảnh hưởng đến môi trường biển trong quá trình đưa vào sử dụng. Các ngành chức năng cũng đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ về chi phí, hiệu quả sử dụng lâu dài cho người dân. Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp đăng kí đưa vật liệu nhựa HDPE đưa vào sử dụng.

Vật liệu nhựa HDPE sẽ thay thế phao nổi xốp trong thời gian tới ở Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.

Vật liệu nhựa HDPE sẽ thay thế phao nổi xốp trong thời gian tới ở Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.

Đơn cử như Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát, doanh nghiệp này đã xây dựng mô hình trang trại mẫu với các sản phẩm nuôi biển từ nhựa HDPE bao gồm: Lồng HDPE, phao HDPE, giàn HDPE cho nuôi hàu, nuôi cá, và nuôi trồng rong biển. Đồng thời, ký kết hợp đồng 3 bên giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp, và ngư dân cho chuỗi giá trị hàu Vân Đồn. Tổ chức các chuỗi hội thảo, tuyên truyền về việc chuyển đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Super Trường Phát cho biết: Sau một thời gian dài nghiên cứu, vật liệu mà công ty đưa vào sử dụng rất bền, có thể lên tới 30-50 năm, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét.

Với điều kiện tự nhiên như Quảng Ninh có khoảng 6-7 cơn bão/năm, người dân thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài sản và tính mạng, việc đưa lồng cá, phao nổi nuôi hàu bằng nhựa HDPE là hướng đi cần thiết và đúng đắn.

“Chúng tôi cũng đưa chương trình hỗ trợ đổi mới, bảo hành cho người dân 10 năm, bảo trì vĩnh viễn. Trong quá trình sử dụng, chúng tôi sẽ lắng nghe những ý kiến của người dân để cùng nhau tìm ra phương thức hỗ trợ tốt nhất cho người dân về vốn đầu tư, tái đầu tư sau khi sử dụng." Bà Bình cam kết.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát của Sở NN-PTNT, trên các bến cảng, bến cá của huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, Thị xã Quảng Yên và tại vùng biển, đảo… vẫn còn tình trạng một số người dân vẫn sử dụng phao xốp và một số phao có hình dáng quả nhót, phao hình chữ nhật. Loại phao này không có nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường và chưa được công bố hợp quy.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân đầu tư mới nhưng vẫn sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo theo quy chuẩn địa phương. Tình trạng này đang gây khó khăn trong việc quản lý và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rác thải rắn trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh.

Để quy chuẩn đi đúng lộ trình, người dân và doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản phải hiểu rõ, hiểu đúng về tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của vật liệu phao nổi xốp đối với môi trường tự nhiên, quá trình ô nhiễm còn ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng, chất lượng vật nuôi.

Quảng Ninh yêu cầu mỗi doanh nghiệp đăng ký đưa sản phẩm vật liệu nổi nuôi trồng thủy sản của mình vào địa phương cần có thông số đạt chuẩn HDPE của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký với ngành chuyên môn, bản công bố hợp quy....

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm