22.000 mẫu vật của trên 500 loài cá quý
Chúng tôi tới Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, nơi đang lưu trữ hàng ngàn mẫu vật là các loài cá được thu thập tại lưu vực sông Mekong để tìm gặp TS Võ Thành Toàn, Phó Trưởng Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá, Khoa Thuỷ sản để được hướng dẫn tham quan khu vực lưu trữ đặc biệt này.
Tận mắt chứng kiến phòng mẫu vật, mới thấy nguồn lợi thủy sản ở vùng ĐBSCL phong phú và đa dạng. Số lượng mẫu vật được lưu trữ tại đây lên đến hơn 22.000 mẫu vật của trên 500 loài cá khác nhau, bao gồm các loài cá nước ngọt, nước lợ và cả một số loài cá sống ở nước mặn.
Theo TS Võ Thành Toàn, từ những năm 1990, phòng mẫu vật đã được hình thành với mục tiêu ban đầu là phục vụ nhu cầu cho công tác giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên, số lượng cũng không nhiều.
Giai đoạn về sau, Khoa Thủy sản nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, công tác thu thập, sưu tầm, bảo quản các mẫu vật cá được mở rộng quy mô, số lượng mẫu đưa vào lưu trữ cũng tăng lên, hình thành phòng lưu trữ mẫu vật với quy mô khá lớn như hiện nay.
Theo quan sát của chúng tôi, điều đặc biệt của các mẫu vật là các loài cá dù trải qua thời gian bảo quản dài, nhưng vẫn giữ nguyên được hình dạng, không bị phân hủy. Trả lời cho thắc mắc này, TS Toàn cho hay, công tác bảo quản mẫu vật đóng vai trò quyết định để phòng mẫu vật có thể duy trì cho đến hôm nay. “Các mẫu cá được thu thập về là mẫu cá sống, sau đó mẫu cá được ngâm trong hỗn hợp nước cất và dung dịch formaline 10% trong thời gian 10 - 15 phút để xử lý và chụp ảnh.
Trước đây, công tác bảo quản các mẫu cá chủ yếu được ngâm trong dung dịch formaline việc lưu giữ mẫu vật có thể kéo dài từ 10 - 15 năm. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như các nguồn lực từ các tổ chức nên công tác bảo quản mẫu vật được thay thế bằng dung dịch ethanol (96 độ) và được lưu giữ trong bocal nhựa theo công nghệ của Nhật Bản”, TS Toàn cho biết.
Đi kèm với phương thức bảo quản, nhiệt độ bảo quản các mẫu vật phải đảm bảo đủ mát với nhiệt độ phòng trung bình khoảng 27oC và thường xuyên có cán bộ kỹ thuật quan sát, theo dõi, kiểm tra các mẫu vật được lưu giữ, hạn chế hư hỏng.
Bên cạnh đó, tất cả các mẫu vật sau khi được thu thập, lưu giữ đều được các giảng viên ghi chép lại khá chi tiết các thông tin như: xác định tọa độ phân bố của các loài cá, mùa vụ xuất hiện, thời điểm cá xuất hiện nhiều, thời điểm cá xuất hiện ít. Qua đó, làm tiền đề cho công tác nghiên cứu khoa học chuyên sâu hơn về mức độ đa dạng thành phần loài đối với các loài cá phân bố ở vùng ĐBSCL.
Hiện nay, công tác thu thập, lưu trữ mẫu vật vẫn được các giảng viên Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ tiếp tục thực hiện để làm giàu và dày thêm về số lượng, chất lượng của các chủng loại cá. Tạo cơ sở cho công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên, đặc biệt là nguồn lợi cá ở vùng ĐBSCL.
Nhiều dự án thu thập, lưu giữ nguồn lợi thủy sản vùng hạ lưu sông Mekong
Từ năm 2010, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Quỹ Bảo vệ môi trường tự nhiên (gọi tắt là Dự án Nagao) của Nhật Bản, Trường Đại học Cần Thơ đại diện cho Việt Nam cùng với 3 quốc gia lưu vực hạ lưu sông Mekong gồm Lào, Thái Lan và Campuchia tiến hành công cuộc thu thập mẫu vật thủy sản trên các dòng sông chính.
Tại Việt Nam, các giảng viên, nhà khoa học tại Khoa Thủy sản tiến hành công tác thu thập mẫu vật tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian gần 10 năm, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chủ yếu thu thập các mẫu cá nước ngọt dọc theo sông Hậu, sông Tiền. Giai đoạn 2, tiếp tục mở rộng công tác thu thập mẫu vật ra vùng cửa sông Trần Đề, Định An, Cổ Chiên và có cả một số mẫu cá được thu thập mở rộng thêm ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2020, số lượng mẫu vật thu được hơn 322 loài với hơn 22.000 mẫu cá đã được lưu giữ tại phòng thí nghiệm “Khai thác và nguồn lợi thủy sản” thuộc Bộ môn Quản lý và kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ với mục tiêu hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khai thác và quản lý nguồn lợi thuỷ sản tại đơn vị. Trong đó, có cả các loài cá quý hiếm như cá hô, hay những loài đang có nguy cơ bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa như: Cá đuối ó, cá chim trắng, cá bông lau, cá đuối bồng, cá đuối hoa, cá thu vạch,…
Trong giai đoạn từ 2017 - 2021, được sự hỗ trợ từ chương trình nghiên cứu thuộc dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ bằng nguồn vốn vay của chính phủ Nhật Bản (ODA) và chương trình Tây Nam Bộ do PGS.TS Trần Đắc Định làm chủ nhiệm, chương trình cũng đã góp phần làm tăng thêm số lượng loài cá và mẫu vật.
Thông qua đó nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát thành phần loài và thu thập thêm nhiều loài cá và mẫu vật dọc theo vùng ven biển phía đông của các tỉnh vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được hơn 110 loài cá, thuộc 42 họ của 15 bộ có xuất hiện trong thời gian nói trên. Các mẫu cá sau khi định danh được chụp ảnh và lưu giữ lại, phục vụ công tác tra cứu và nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong thời gian tới.
Nói về nguyên nhân tạo động lực thúc đẩy nhóm nghiên cứu thực hiện việc thu thập, lưu trữ các mẫu cá, TS Võ Thành Toàn chia sẻ thêm: “ĐBSCL với diện tích vùng ngập nước rộng, đặc biệt vào mùa lũ, cùng với hệ thống các cửa sông Mekong đổ ra biển Đông tạo nên vùng cửa sông rộng lớn. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi đó, nguồn lợi thủy sản ở vùng ĐBSCL từ lâu được biết là rất phong phú và đa dạng, là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho người dân trong vùng. Tuy nhiên những năm gần đây nguồn lợi thủy sản đã, đang suy giảm một cách nhanh chóng cả về trữ lượng, chất lượng và đa dạng do việc khai thác sử dụng chưa hợp lý, sự suy giảm của hệ sinh thái về diện tích, chất lượng nước”.
Việc quản lý để khai thác sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL là việc làm cần thiết và rất có ý nghĩa cả về khoa học cũng như về kinh tế, xã hội. Nhiều loại cá mà trước đây thường xuất hiện thì nay ít gặp hơn hoặc gần như không xuất hiện nữa.
Vì vậy, việc đánh giá lại tình trạng xuất hiện của các loài cá vùng ven bờ ĐBSCL là cần thiết và cấp bách. Từ đó, việc thành lập, duy trì phòng mẫu vật đến ngày hôm nay, ngoài mục đích phục vụ công tác giảng dạy, còn là cơ sở để các đơn vị trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn nguồn lợi thủy sản Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Ngày 26/2/2021, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) công bố báo cáo các loài cá bị lãng quên, trong đó chỉ rõ đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái nước ngọt đang bị mất đi với tốc độ cao gấp đôi so với đại dương và rừng. Đã có 80 loài cá nước ngọt được liệt vào danh sách “tuyệt chủng” trong sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Cá tra dầu và cá hô khổng lồ được tìm thấy trên sông Mekong cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm mạnh 76% kể từ năm 1970, các loài cá lớn suy giảm 94%, những con cá lớn, nặng hơn 30kg đã bị xóa sổ ở hầu hết các con sông.
Năm 2013, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ đã cho phép xuất bản quyển sách chuyển khảo song ngữ Việt - Anh “Sổ tay các loài thủy sản thường gặp ở ĐBSCL”, mô tả định danh các loài cá vùng ĐBSCL. Đây là nguồn tư liệu cần thiết phục vụ người dân trực tiếp sử dụng nguồn lợi thủy sản, học sinh sinh viên, cán bộ quản lý nguồn lợi thủy sản địa phương tham khảo và nhận thức rõ hơn ý nghĩa của việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác sử dụng hiệu quả, bền vững.