Bộ trưởng Nghiên cứu và An ninh Lương thực Quốc gia Pakistan Syed Fakhar Imam cho biết, nông nghiệp là một trong những trọng tâm hợp tác trong giai đoạn hai của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Cũng theo lời Bộ trưởng Syed Fakhar Imam, sản xuất nhiều loại cây trồng của Pakistan, bao gồm cả hành tây, sẽ được cải thiện nhờ khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc.
Arshad Swati đến từ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nằm ở Tây Bắc Pakistan, là một trong số hàng nghìn nông dân trồng hành ở quốc gia châu Á này. Anh ước mơ bán hành ở nước ngoài để có tiền chi trả cho các chương trình giáo dục tốt hơn cho con cái của mình.
Đặc biệt, anh muốn hành của mình được bán sang thị trường của Trung Quốc.
Swati nói với Tân Hoa xã: "Nhiều nông dân ở Pakistan trở nên giàu có nhờ xuất khẩu hành tây. Tôi muốn tham gia cùng các nhà sản xuất khác ở quê hương của mình và xuất khẩu hành tây sang thị trường Trung Quốc".
Swati cho rằng Khyber Pakhtunkhwa, nằm cách Trung Quốc không xa, có vị trí thuận lợi để tiếp cận thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân.
Pakistan là một trong những nước sản xuất hành tây lớn nhất thế giới. Các thị trường xuất khẩu hành tây chính ở nước ngoài hiện nay của Pakistan gồm Malaysia, các nước vùng Vịnh, Bangladesh và Sri Lanka. Hiện nay, khoảng 30% sản phẩm hành tây tươi của Pakistan bị lãng phí do thiếu phương tiện bảo quản và các quy trình đóng gói và vận chuyển không đạt tiêu chuẩn.
Việc xuất khẩu hành tây của Pakistan sang Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu, nhưng các quy tắc liên quan đến quy trình xuất khẩu đã được thống nhất vào tháng 11 năm ngoái.
Bộ trưởng Nghiên cứu và An ninh Lương thực Quốc gia Pakistan Syed Fakhar Imam nói với Tân Hoa xã rằng nông nghiệp là một trong những trọng tâm hợp tác trong giai đoạn hai của dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Bộ trưởng Nghiên cứu và An ninh Lương thực Quốc gia Pakistan Syed Fakhar Imam nói, sản xuất nhiều loại cây trồng của Pakistan, bao gồm cả hành tây, sẽ được cải thiện khi tiếp cận với công nghệ và nghiên cứu của Trung Quốc.
"Ngành nông nghiệp Trung Quốc rất hiện đại và họ có năng suất cao trên mỗi diện tích canh tác. Pakistan cũng có đất đai màu mỡ, giàu tiềm năng để sản xuất các loại cây có giá trị xuất khẩu cao. Chúng tôi đã sản xuất một số loại hành có chất lượng cao, và quy mô sản xuất của chúng tôi có thể được tăng cường khi hợp tác với Trung Quốc", Bộ trưởng Syed Fakhar Imam lưu ý.
Yasar Saleem Khan, Giám đốc cấp tỉnh tại văn phòng Pakistan của Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (Center for Agriculture and Bioscience International - CABI) cho biết hợp tác với Trung Quốc thông qua Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) có thể "tiết kiệm chi phí hàng triệu đô la Mỹ và tăng sản lượng hành thêm hàng triệu tấn" cho Pakistan.
Theo Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế CABI, không có bất kỳ hoạt động chế biến hành tây nào hiện đang diễn ra ở Pakistan, mặc dù công nghệ này khá là đơn giản với vốn đầu tư nhỏ, nhưng lại có thể tạo ra giá trị xuất khẩu tuyệt vời.
"Hành khô đang có nhu cầu ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và vùng Vịnh nói chung. Không có nguồn cung từ Pakistan nên nếu chúng ta tận dụng tốt hơn tiềm năng này sẽ tạo ra thu nhập và tạo ra nhiều hành tây chất lượng tốt. Hạt giống từ Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể kết quả canh tác”, ông Yasar Saleem Khan nói với Tân Hoa xã.
"Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là cơ hội để Pakistan vận chuyển tất cả các loại hàng hóa ra thị trường quốc tế. Việc tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân chúng tôi", ông nói thêm.