| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tập quán sạ dày

Thứ Hai 28/02/2022 , 08:32 (GMT+7)

TIỀN GIANG Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được dự án VnSAT chuyển giao đã góp phần thay đổi tập quán sạ dày, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa.

Gần 100% nông dân áp dụng kỹ thuật 3G3T và 1P5G

Các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như "3 giảm 3 tăng" (3G3T), "1 phải 5 giảm" (1P5G) dù đã được công nhận từ lâu nhưng việc áp dụng trong sản xuất chưa được nông dân chú trọng. Trước đây, tập quán sạ dày, phổ biến ở mức 150 - 200kg giống/ha thường xuyên được nông dân áp dụng.

Nhằm hỗ trợ nông dân, giai đoạn 2015 - 2020, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã hỗ trợ 8 tỉnh ĐBSCL chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, canh tác lúa. Tiêu biểu nhất là các kỹ thuật 3G3T, 1P5G.

Ông Lê Văn Tèo, Giám đốc HTX Mỹ Trinh (Cái Bè, Tiền Giang) chia sẻ hiệu quả dự án VnSAT. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Lê Văn Tèo, Giám đốc HTX Mỹ Trinh (Cái Bè, Tiền Giang) chia sẻ hiệu quả dự án VnSAT. ẢnhMinh Đãm.

Từ khi dự án được triển khai, các mô hình trình diễn các kỹ thuật này đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó, nông dân trong và ngoài vùng dự án đã thay đổi thái độ và tích cực thay đổi phương pháp canh tác lúa.

Tại tỉnh Tiền Giang, một trong những địa phương được dự án VnSAT hỗ trợ, mức độ lan toả các kỹ thuật 3G3T và 1P5G trong nông dân rất cao. Theo Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, giai đoạn giai đoạn 2010 - 2015, nông dân thường có tập quán sạ dày để "trừ hao", lượng giống gieo sạ từ lên tới 180 - 200 kg/ha.

Hơn 5 năm qua, dự án VnSAT đã tác động tích cực đến sự thay đổi thói quen sản xuất lúa của nông dân trong vùng dự án. Qua đánh giá, kết quả về tỷ lệ áp dụng 3G3T sau đào tạo của Tiền Giang là 92,7% về số hộ và 93,3% về diện tích; tỷ lệ hộ áp dụng 1P5G sau đào tạo là 97,5% về số hộ và 98,8% về diện tích.

Việc chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G đã giúp giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm dư thừa, giảm số lần phun thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch. Từ đây, các kỹ thuật mới đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất lúa. Mức gia tăng lợi nhuận sản xuất lúa trung bình trong vùng dự án là 36,4%.

Chủ động duy trì và nhân rộng mô hình

Hiện nay, nhờ hiệu quả tích cực của dự án VnSAT, lượng giống gieo sạ của nông dân tỉnh Tiền Giang đã giảm rất nhiều. Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: Đến nay, mức bình quân chung nông dân trong tỉnh gieo sạ đã giảm, chỉ còn khoảng từ 120 - 130 kg/ha, một số ít còn 150 kg/ha.

Cũng theo ông Men, dù dự án VnSAT đã kết thúc phần tập huấn 3G3T, 1P5G nhưng Chi cục vẫn tiếp tục thực hiện các mô hình khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vật tư leo thang như hiện nay. Vụ đông xuân 2021, Chi cục đã thực một số mô hình thí điểm về giảm phân bón để nông dân có thể tận mắt tham quan và mạnh mẽ áp dụng. 

Từ các kỹ thuật do dự án VnSAT chuyển giao, nông dân vùng dự án đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới trong canh tác mới, trong đó có kỹ thuật canh tác lúa thông minh. Ảnh: Minh Đãm.

Từ các kỹ thuật do dự án VnSAT chuyển giao, nông dân vùng dự án đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới trong canh tác mới, trong đó có kỹ thuật canh tác lúa thông minh. Ảnh: Minh Đãm.

Trở lại vùng dự án VnSAT tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Bè cho hay: Đến cuối năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh mở các lớp tập huấn về 3G3T và 1P5G trên cây lúa cho nông dân trên địa bàn huyện với tổng số 90 lớp (43 lớp 3G3T, 47 lớp 1P5G) trên địa bàn 9 xã gồm: Mỹ Hội, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Phú, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Lợi B, Mỹ Tân, Thiện Trung, Mỹ Trung.

Đến nay, các tiến bộ khoa học kỹ thuật này tiếp tục được Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè triển khai, kể cả cho nông dân ngoài vùng dự án. Đặc biệt, vụ đông xuân 2021 - 2022, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thực hiện thí điểm mô hình giảm phân thấp hơn so với khuyến cáo, giảm giống để nông dân ngoài vùng dự án mạnh dạn áp dụng. Đến nay, qua thí điểm, nông dân rất phấn khởi và yêu cầu thực hiện thêm 2 vụ mùa nữa để đánh giá, triển khai áp dụng đồng loạt trong năm tới.

Tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè chúng tôi đến thăm bà con trồng lúa tại HTX Mỹ Trinh. Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Trinh đã chia sẻ về hiệu quả của dự án VnSAT đã hỗ trợ địa phương. Ông Lâm cho biết: Dự án VnSAT đã thay đổi tích cực nhận thức của nông dân trồng lúa trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật 3G3T cũng như 1P5G.

Nông dân áp dụng kỹ thuật này đã giảm được lượng phân bón, số lần phun xịt và nhất là giảm lượng giống gieo sạ từ khoảng 150 kg/ha xuống còn 100 - 120 kg/ha. Đặc biệt, khi các mô hình của dự án triển khai có hiệu quả, những nông dân chưa được tập huấn các kỹ thuật này cũng tự học hỏi áp dụng. Đến nay, gần 100% nông dân của địa phương áp dụng kỹ thuật canh tác 3G3T và 1P5G. Lượng giống phổ biến nhất là 100kg/ha, chỉ còn số ít áp dụng từ 120 - 130 kg/ha.

Nền tẳng để nông dân tiếp cận, áp dụng kỹ thuật mới

Để các kỹ thuật mới như 3G3T, 1P5G đi vào sản xuất, không phải là điều dễ dàng. Các mô hình phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để nông dân được “tai nghe mắt thấy”. Để tìm hiểu về quá trình đưa các kỹ thuật tiên tiến này vào ruộng đồng, chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Tèo, Giám đốc HTX Mỹ Trinh.

Dự án VnSAT không chỉ thay đổi tập quán canh tác lúa lạc hậu, mà còn hỗ trợ hạ tầng, tiêu thụ lúa gạo tốt hơn cho nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Dự án VnSAT không chỉ thay đổi tập quán canh tác lúa lạc hậu, mà còn hỗ trợ hạ tầng, tiêu thụ lúa gạo tốt hơn cho nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Tèo chia sẻ, người áp dụng kỹ thuật 3G3T đầu tiên ở xã là ông Rô, cán bộ nông nghiệp của xã. Ông Rô đã “thí nghiệm” trên mảnh ruộng của mình nhiều lần để bà con thấy được hiệu quả của kỹ thuật mới. Sau đó, tại Hợp tác xã Mỹ Trinh, các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc áp dụng trước hai vụ để thành viên thấy được tính hiệu quả và áp dụng theo. Sau đó, các thành viên của hợp tác xã đều đồng loạt áp dụng mạnh mẽ giảm giống, giảm phân. Từ đây, đã mở ra hướng canh tác mới cho nông dân địa phương cũng như môi trường sinh thái đã có sự thay đổi hẳn. Lợi nhuận của thành viên lúc nào cũng cao hơn 20% so với nông dân bên ngoài hợp tác xã.

Nhờ được tập huấn các kỹ thuật tiên tiến, nông dân Hợp tác xã Mỹ Trinh đã có trình độ canh tác lúa tốt hơn. Những tiến bộ kỹ thuật từ dự án VnSAT chuyển giao là nền tảng chuyển nông dân địa phương mạnh dạn tiếp nhận những kỹ thuật mới, cao hơn, tiến bộ hơn.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã tìm đến các hợp tác xã và nông dân vùng dự án để hợp tác, học hỏi. Những vụ mùa vừa qua, Hợp tác xã Mỹ Trinh,  Mỹ Trung… đã thực hiện liên kết với Công ty TNHH ADC để thực hiện chương trình “Cánh đồng mơ ước”. Chương trình này, nông dân mua phân bón trực tiếp từ công ty, đã tiết kiệm 30% so với mua phân bón từ đại lý. Hơn hết, lúa hàng hoá sản xuất ra cũng được bao tiêu thụ thuận lợi.

Vụ đông xuân và xuân hè 2022 này, tại Hợp tác xã Mỹ Trinh còn tiếp tục trình diễn chương trình canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện. Mô hình mang đến cho bà con tiến bộ kỹ thuật mới, lượng giống gieo sạ giảm chỉ còn 40 kg/ha thông qua việc áp dụng máy sạ cụm.

Giờ đây, nghề trồng lúa của nông dân địa phương không còn "trông trời, trông đất, trông thương lái" nữa. Có thể nói, hiệu quả tích cực từ các kỹ thuật canh tác tiên tiến đã thay đổi được thói quen, tập quán canh tác của nông dân, đưa sản xuất lúa của nông dân Tiền Giang ngày càng hiện đại hơn.

Xem thêm
Nuôi heo và chim công, lối đi khác biệt né rủi ro thị trường

CẦN THƠ Kết hợp giữa nuôi heo và chim công giúp anh Toản đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, tránh được rủi ro từ biến động thị trường.

Nuôi tôm siêu thâm canh bằng thảo dược

CÀ MAU Với cách làm đi ngược với xu thế chung trong nuôi tôm công nghiệp, một người đàn ông ở Cà Mau đã thành công với mô hình nuôi tôm sạch bằng thảo dược.

Bà con miền Bắc nên trồng hoa gì cho dịp Tết Ất Tỵ?

Bão số 3 đã vùi dập hầu hết các vùng trồng hoa ở phía Bắc. Chỉ còn 3 tháng nữa là đến Tết, vậy nên trồng hoa gì để có đủ hoa cho Tết?

Bình luận mới nhất