Ông Trịnh Quốc Huy, một hộ dân tại xã Yên Ninh có 3 ha bưởi Diễn, bưởi da xanh. Toàn bộ diện tích này được ông trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, cho quả bưởi ngọt, tép giòn tan, và năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách trồng, chăm sóc truyền thống.
Sau Tết Nguyên Đán, thời điểm cây bưởi được thu hái hết quả, các gia đình tham gia mô hình lại thực hiện chăm sóc bưởi theo một quy trình do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Yên Ninh đưa ra. Các vườn bưởi sẽ được phun bằng thuốc trừ sâu sinh học, bón phân chuồng hoai mục và dung dịch ngâm giữa cá, đậu, ngô được và bằng men vi sinh.
“Không ai bảo ai và cũng chưa được chứng nhận bưởi hữu cơ nhưng thấy 1-2 gia đình làm, được khách hàng đến tận vườn chọn mua với giá cao, các hộ dân khác cũng theo nhau thực hiện theo quy trình hướng hữu cơ. Cái được của quy trình này, ngoài hiệu quả kinh tế cao thì chủ vườn không phải đối diện với tác hại từ các loại thuốc trừ sâu” – ông Trịnh Quốc Huy cho hay.
Ông Đỗ Công Hưng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết, phong trào trồng bưởi diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã từ năm 2009 nhưng nhiều nhất là từ năm 2013. Trước tình hình này, địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ nhưng yêu cầu các hộ dân phải cam kết sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí đi tham quan các mô hình trồng cây ăn quả an toàn tại các tỉnh phía Bắc. Đến năm 2015, hầu hết các hộ trồng bưởi tại Yên Ninh đã chuyển hẳn sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ.
Từ năm 2017-2019, UBND xã Yên Ninh đã nhiều lần mời cán bộ kỹ thuật Viện Nông nghiệp về bổ trợ kiến thức cho người dân về trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ và kỹ thuật khôi phục thể trạng của cây sau khi bị ngập lụt. Cũng trong năm 2017, vùng bưởi Diễn Yên Ninh được cấp chứng nhận VietGap và đã đi vào một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đây không chỉ là mô hình duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Tại huyện Thạch Thành, một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, nhiều nhà vườn cũng đã trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Nhiều hộ còn nuôi giun quế, vừa lấy phân bón cho cây trồng vừa tự chiết xuất nguồn đạm từ giun để bón cho cây trồng.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, từ những năm 2000, địa phương này đã xuất hiện phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Đến nay, Thanh Hóa có khoảng 3.000 ha cây trồng được trồng theo hướng hữu cơ.
Trong đó, có nhiều mô hình hợp tác xã đang sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ và phát triển nhanh về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm, như sản xuất lúa gạo huyện Thiệu Hóa; rau quả tại huyện Đông Sơn,…
Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thanh Hóa sẽ lựa chọn vùng đủ điều kiện tiêu chuẩn để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đối tượng là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch trang trại, sinh thái.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ quyết liệt hơn trong việc thực thi các quy định tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, chứng nhận, giám sát quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thanh Hóa khuyến khích nông nghiệp hữu cơ phát triển
Để nông nghiệp hữu cơ phát triển, Thanh Hóa sẽ có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Cùng với đó, Thanh Hóa sẽ tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ, chú trọng thị trường xuất khẩu và hướng đến thị trường trong nước; tăng cường tuyên truyền phổ biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; lựa chọn những sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương để áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.