| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp theo hướng hữu cơ gặp khó vì đầu ra chưa xứng

Thứ Hai 08/03/2021 , 15:01 (GMT+7)

Không chỉ hữu cơ có tiêu chuẩn, nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ cũng đang gặp khó do đầu ra chưa thực sự khác biệt với sản phẩm thông thường.

Đất có tốt cây mới bền

Để có được một nền nông nhiệp hữu cơ đủ lớn, đủ mạnh, hầu hết các quốc gia phải trải qua các mô hình có quy trình, kỹ thuật cao như AseanGAP, GlobalGAP trước khi chuyển chính thức sang mô hình hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ hay EU.

Tuy nhiên, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chưa bứt phá được về mặt diện tích và sản lượng bởi đầu ra đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá trị mang lại chưa khác biệt là bao so với mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Chung, chủ Nông trại cam bưởi Chung Thủy tại huyện Thạch Thành hiện có 73ha cam, bưởi, bơ. Toàn bộ diện tích đã được vợ chồng ông xây dựng để hướng tới nông nghiệp hữu cơ. Hiện nông trại được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tức là đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước châu Âu và những thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Văn Chung, chủ Nôngtrại cam bưởi Chung Thủy tại huyện Thạch Thành hiện có 73 ha cây trồng được trồng theo hướng hữu cơ. Nông trại nuôi 6 nghìn m2 giun quế làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Văn Chung, chủ Nôngtrại cam bưởi Chung Thủy tại huyện Thạch Thành hiện có 73 ha cây trồng được trồng theo hướng hữu cơ. Nông trại nuôi 6 nghìn m2 giun quế làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Vừa đạt chứng chỉ GlobalGap lại vừa xây dựng nông trại theo hướng hữu cơ khiến ông Chung rất tự hào khi nói về quy trình sản xuất của mình. Theo ông Chung, sản xuất theo hướng hữu cơ, ngoài giống cón 2 điều quan trọng là phân bón và thuốc BVTV. Phân bón phải có nguồn gốc hữu cơ, thuốc BVTV phải có nguồn gốc sinh học, không gây hại cho môi trường. Chăm sóc cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình.

Để chứng minh những điều mình nói, ông Chung dẫn chúng tôi đi xem một vòng quanh nông trại. Ở đây, các khu trồng cam Valencia, Xã Đoài lòng vàng, Xã Đoài chín muộn, cam Đường canh, bưởi da xanh... đều được đánh số lô, các lô cách nhau bởi những con đường thuận tiện để xe ô tô có thể vào tận bốc hàng.

Dưới gốc cây đều có hệ thống tưới nhỏ giọt, cỏ được phát, thu gom vào gốc cây tạo thành lớp thảm thực bì, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Điều này giúp cây giữ ẩm tốt hơn, chất mùn được bổ sung thường xuyên để nhân khối, phát triển các vi sinh vật có lợi cho đất và cây trồng.

Ông Chung hiện nuôi 6.000m2 giun quế, mỗi năm thu 3.000 tấn phân. Đây là nguồn phân hữu cơ chính để bón cho cây trồng trong trang trại cam bưởi Chung Thủy. Giun quế cùng với cá biển được ngâm ủ với các chế phẩm sinh học để bón định kỳ cho cây trồng.

“Ngoài nguồn phân giun quế, chúng tôi sử dụng thêm đỗ tương, ngô, cá biển,... nghiền thành bột, ủ với các chế phẩm sinh học để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Thuốc BVTV là những thuốc có nguồn gốc sinh học như thuốc lào, ớt, tỏi, lá xoan... được trộn lẫn vào nhau, chiết xuất phun cho cây trồng. Nếu gốc cây xuất hiện vi sinh vật có hại dùng vi sinh có lợi thiên địch để tiêu diệt. Ngoài ra, vườn cây sẽ treo các bẫy, bả diệt côn trùng như ruồi vàng, ngài chích hút...” ông Chung chia sẻ.

Ông Chung cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, lợi ích lớn nhất là đảm bảo an toàn cho nông sản, an toàn môi trường, người sản xuất và tiềm năng năng suất cao, cây phát triển khỏe mạnh, chu kỳ khai thác cây trồng kéo dài.

Nông trại này sử dụng bẫy diệt sâu bộ, sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGap, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Võ Dũng.

Nông trại này sử dụng bẫy diệt sâu bộ, sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGap, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Võ Dũng.

Vì vậy, nếu các vườn cam Đường canh thông thường sau thu hoạch 1 vụ phải bỏ trống một vụ để giúp cây hồi sức thì 5 năm nay ông Chung vẫn thu hoạch liên tục với năng suất đạt 60 tấn/ha/năm. Vườn cam Valencia, Xã Đoài cũng cho năng suất 60 tấn/ha/năm. Cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh và tiềm năng năng suất có thể đạt 80-90 tấn/ha/năm.

“Phân bón hữu cơ giúp bộ rễ cây khỏe mạnh, xuyên sâu vào lòng đất để hút các chất dinh dưỡng cần thiết. Dịch giun quế, dịch cá là nguồn đạm cao cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu đảm bảo năng suất cây trồng. Trồng theo hướng hữu cơ cho thấy, quả bảo quản trên cây được kéo dài hơn theo ý muốn của chủ vườn. Nói tóm lại đất có tốt thì chu kỳ khai thác cây mới bền." ông Chung chia sẻ.

Sản xuất khắt khe đầu ra "hàng chợ"

Do nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi chi phí lớn, cách thức tổ chức sản xuất bài bản nhưng vẫn chưa đạt được giá trị như kỳ vọng nên nhiều nhà vườn tại Thanh Hóa hiện đang chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, song sản phẩm vẫn chưa có chỗ đứng xứng tầm, chưa được đánh giá đúng giá trị.

Đa phần các trang trại, nông trại tại Thanh Hóa vẫn chủ yếu canh tác theo hướng hữu cơ chứ chưa được chứng nhận hữu cơ.  Ảnh: Võ Dũng.

Đa phần các trang trại, nông trại tại Thanh Hóa vẫn chủ yếu canh tác theo hướng hữu cơ chứ chưa được chứng nhận hữu cơ.  Ảnh: Võ Dũng.

Mỗi năm, Nông trại cam bưởi Chung Thủy cung ứng ra thị trường 800 - 1.000 tấn quả. Đây đều là sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và những thị trường khó tính. Tuy nhiên, điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên là đến nay, hàng trăm tấn nông sản của nông trại này vẫn chỉ là “hàng chợ”.

Ông chủ Nông trại Thủy Chung cho biết, từ khi xây dựng nông trại đến nay, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ tự chế, thuốc BVTV sinh học. Ngay cả khâu cắt quả, tỉa cành chúng, kéo cắt cũng sẽ được nhúng cồn khi di chuyển từ cây này sang cây khác để đảm bảo không lây nhiễm nguồn bệnh. Không khó để Thủy Chung đạt được chứng chỉ GlobalGAP, nhưng đó cũng không được coi là “giấy thông hành” để đưa được sản phẩm đến đúng tay người tiêu dùng thông thái.

"Toàn bộ sản phẩm của chúng tôi hiện vẫn được tư thương vào tận vườn mua đưa đến các chợ đầu mối chứ chưa có một đơn vị nào thực lòng muốn hợp tác với chúng tôi trong việc phân phối nông sản một cách bền vững với sản lượng hàng hóa đủ lớn”, ông Chung chia sẻ.

Cuối năm Canh Tý, chúng tôi có mặt tại Nông trại cam bưởi Chung Thủy. Cam Đường Canh đã được thu hoạch hết, hiện chỉ còn một ít cam Xã Đoài chín muộn, cam Valencia vàng rực trên cây. Hàng chục công nhân của trang trại đang cắt cỏ, cắt quả đóng vào thùng cát tông để chờ tư thương đến mua hàng. Tuy nhiên, giá bán cam Xã Đoài chín muộn, cam Valencia thời điểm này chỉ 14.000 -15.000 đồng/kg.

“Với giá cam như hiện nay chúng tôi bán chỉ đảm bảo không lỗ chứ lời lãi chẳng bao nhiêu. Hiện nay, 100% nông sản ở đây hiện chưa xuất được vào các siêu thị. Đơn giản vì chúng tôi nhận thấy một điều, các siêu thị không thực sự muốn tiêu thụ toàn bộ nông sản mà chỉ lấy thương hiệu của chúng tôi để làm “màu”. Còn để xuất khẩu ra nước ngoài, mặc dù chúng tôi đã được chứng nhận GlobalGAP, được kiểm nghiệm 223 chất đạt tiêu chuẩn nhưng đòi hỏi phải có rất nhiều thủ tục mà không phải ai cũng đủ điều kiện để làm điều đó”, ông Chung cho biết.

Khó khăn lớn nhất của các trang trại, nông trại canh tác theo hướng hữu cơ, hữu cơ, sản phẩm vẫn chỉ được bán theo giá 'hàng chợ'. Ảnh: Võ Dũng.

Khó khăn lớn nhất của các trang trại, nông trại canh tác theo hướng hữu cơ, hữu cơ, sản phẩm vẫn chỉ được bán theo giá "hàng chợ". Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Chung, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, về lý thuyết, về lâu về dài sẽ mang đến lợi ích kép. Nhưng trước mắt, các chủ vườn lại đang thiệt đơn thiệt kép.

“Cây khỏe mạnh nhưng không dùng thuốc BVTV việc tiêu diệt côn trùng và các sinh vật gây hại khó khăn hơn, đòi hỏi chủ vườn phải kỳ công hơn. Điều quan trọng là chúng tôi hiện không tìm được các mối thu mua bền vững nên sản phẩm phải bán cho tư thương với giá rẻ, đồng giá với các sản phẩm không sản xuất theo hướng hữu cơ trên thị trường do người tiêu dùng không phân biệt được. Vì điều đó, lợi nhuận của việc sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ hiện chưa cao như kỳ vọng” ông Chung chia sẻ.

Nhiều nhà vườn tại Thanh Hóa cho rằng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cả bản thân người sản xuất và người tiêu dùng chưa hiểu cặn kẽ về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù cho nông nghiệp hữu cơ, nên đây chính là bài toán cần lời giải thỏa đáng để nông nghiệp hữu cơ có dư địa, thời cơ phát triển.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.