| Hotline: 0983.970.780

Nông dân trồng chè Tuyên Quang đau đớn vì bị hủy hợp đồng giao khoán

Thứ Ba 23/02/2021 , 09:30 (GMT+7)

Nhiều hộ gia đình ở Tuyên Quang gửi đơn kêu cứu tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, phản ánh việc họ bị hủy hợp đồng giao khoán mà không được bồi thường thỏa đáng.

Vườn chè được vợ chồng bà Mùi dày công chăm sóc nhiều năm qua. Ảnh: Phạm Trung.

Vườn chè được vợ chồng bà Mùi dày công chăm sóc nhiều năm qua. Ảnh: Phạm Trung.

Nông dân tố Cty thu mua không có chứng từ

PV Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Mùi, SN 1964, trú tại thôn Sông Lô 8, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, về việc bị Cty CP Chè Sông Lô hủy hợp đồng giao khoán.

Năm 1997, thực hiện Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ, Cty Chè Sông Lô thực hiện khoán vườn chè cho người lao động với thời hạn tới 50 năm. Nhiều gia đình công nhân trong đó có bà Nguyễn Thị Mùi đã ký kết với cty này để nhận khoán vườn chè.

Bà Mùi cho biết để nhận khoán 3ha chè, trong vòng 10 năm, từ 1/1/1997, gia đình bà đã nộp đủ số tiền giá trị còn lại của vườn chè. Bà Mùi nói sổ sách kế toán của công ty đã ghi nhận khấu hao vườn chè của gia đình bà Mùi bằng 0. Từ năm 2000, Công ty Chè Sông Lô ghi nhận vườn chè của gia đình bà Mùi thuộc diện đã thanh lý.

Sau nhiều năm, công sức mồ hôi của người trồng chè đã được đền đáp. Từ chỗ vườn chè khi được giao khoán năng suất chỉ vài tấn/ha, dưới bàn tay chăm bón của những nông dân như bà Mùi, các vườn chè ở TP Tuyên Quang đạt 15-17 tấn/ha.

Nhiều gia đình nông dân như bà Mùi đổi đời từ cây chè, con cái được học hành đầy đủ.

Mọi sự bắt đầu xấu đi từ năm 2009. Nguồn cơn là việc Cty Chè Sông Lô thực hiện cổ phần hóa. Theo quyết định 1449/QĐ-CT ngày 8/7/2009 của UBND tỉnh Tuyên Quang, tài sản cổ phần hóa là nhà máy sản xuất. Toàn bộ diện tích trồng chè, ao hồ, không đưa vào cổ phần hóa. Sau đó, Cty Chè Sông Lô đổi tên thành Cty CP Chè Sông Lô.

Cty này thu mua chè của dân, song không ký hợp đồng, theo trình bày của bà Mùi và nhiều hộ dân khác. Đến vụ thu hoạch chè búp, Cty cho người ra mặc cả bằng miệng, sau đó cân và chở chè đi, không có hóa đơn, chứng từ.

“Không có hóa đơn hay chứng từ nào nên chúng tôi luôn phải chịu thiệt. Ví dụ như người của Cty xuống mặc cả 2.300đ/kg, nhưng khi thanh toán chỉ trả 1.200đ/kg. Chúng tôi nhiều lần đề nghị ký hợp đồng nhưng họ không làm”, bà Mùi nói.

Hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm của gia đình bà Mùi ký với doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1997. Ảnh: Văn Việt.

Hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm của gia đình bà Mùi ký với doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1997. Ảnh: Văn Việt.

Mất trắng

Cho rằng bị ép giá, bà Mùi không bán chè cho Cty CP Chè Sông Lô nữa. Do đó, cty này kiện bà ra tòa, vì cho rằng đây là việc vi phạm hợp đồng số 40/HĐK-01/CP ngày 1/1/1997 được ký kết giữa Công ty Chè Sông Lô với bà Nguyễn Thị Mùi.         

TAND TP. Tuyên Quang căn cứ vào Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc thu hồi đất, cho thuê đất để giao cho Công ty CP Chè Sông Lô và Hợp đồng số 02 ngày 9/12/2011 ký giữa Sở Tài chính Tuyên Quang với Cty CP Chè Sông Lô về việc cho thuê vườn chè. 

Trong phiên sơ thẩm hồi năm ngoái, TAND thành phố Tuyên Quang tuyên hủy hợp đồng số 40/HĐK-01/CP ngày 1/1/1997 được ký kết giữa Công ty Chè Sông Lô với bà Nguyễn Thị Mùi, buộc gia đình bà Mùi phải trả lại cho Công ty Cổ phần chè Sông Lô toàn bộ diện tích đất và vườn chè nhận khoán mà không được nhận một đồng bồi thường nào.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trần Trung - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang, cho biết việc UBND tỉnh Tuyên Quang thu hồi đất để giao cho Công ty Cổ phần Chè Tuyên Quang là thu hồi nguyên trạng, chuyển nguyên canh, không chuyển mục đích sử dụng đất, không động chạm đến tài sản của người dân, không thu hồi đất của người dân nên không thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như các dự án thu hồi đất để thực hiện các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

"Đối với các diện tích đã giao khoán cho người dân thì vẫn thực hiện các hợp đồng giao khoán như trước đây. Đó là những hợp đồng dân sự cần được thỏa thuận giữa hai bên. Còn về xử lý tài sản trên đất không thuộc phạm vi trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường "- ông Trung nói.   

Luật sư Phạm Hồng Sơn- Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không tính đến hậu quả pháp lý của việc tuyên hủy hợp đồng nói trên, không đề cập đến việc ai sẽ phải bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất (vườn chè) và khoản hỗ trợ tiền sử dụng đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Mùi khi hợp đồng giao khoán nói trên bị hủy, người lao động bị thu hồi đất và vườn chè là việc áp dụng chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, gây ra sự bất công đối với các gia đình nhận khoán (trong đó có bà Mùi) - là những người lao động yếu thế trong  xã hội.

Luật sư cho biết tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật, tức là cơ quan Tòa án nhân danh Nhà nước thu hồi đất của dân, Công ty CP Chè Sông Lô là đối tượng được hưởng toàn bộ vườn chè phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ vườn chè và công bồi đắp đất trên toàn bộ diện tích đất bị thu hồi.

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: "Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển". Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm 07 đối tượng. 

Trường hợp của gia đình bà Mùi thuộc đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất ngoài việc được bồi thường (nếu đủ điều kiện được bồi thường) thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ.

Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.