Trước những sai phạm diễn ra công khai, người dân ở thôn Hoà Phú, xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đã không ít lần gửi đơn thư, báo cáo, thậm chí là cả đơn tố cáo lên chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã có biên bản đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Nhưng thay vì xử lý kịp thời, triệt để, các công trình trái phép vẫn “phình to” từng ngày như thể thách thức với dư luận và cả quy định pháp luật. Nhiều người dân đặt câu hỏi rằng, liệu biên bản hành chính có còn giá trị thực tế, hay chỉ là một tờ giấy "lót ly"?

Ông Phạm Thái Nam ở thôn Hoà Phú, xã Hoà Thạch bức xúc chỉ về khu vực xây dựng bể bơi, đoạn dẫn từ con đường đi chung ra khu mộ tổ tiên của gia đình, nay bị bịt kín. Ảnh: T.Thành.
Trở lại thôn Hòa Phú, xã Hòa Thạch, nơi từng được ví là xóm làng thanh bình dưới chân đồi chè, giờ đây hiện lên với một hình ảnh trái ngược hoàn toàn: những công trình kiên cố, từ ki-ốt, sân bóng, đến cả bể bơi hoành tráng nằm chễm chệ trên phần đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thậm chí cả con đường dân sinh cũng bỗng chốc bị "tư hữu hóa" không một lời báo trước, biến thành tài sản riêng của một nhóm "người có điều kiện".
Người dân không khỏi cay đắng khi chứng kiến lối đi ra cánh đồng, ra khu mộ tổ tiên bị bít lối bởi những bức tường chắn, những công trình kiên cố mọc lên.
Hai lần đình chỉ, công trình vẫn “vượt mặt” chính quyền
Như Báo Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin trong bài viết: "Đổi chác đường dân sinh, chuyện lạ ở Hoà Phú!", nhiều hộ dân tại xóm 2, thôn Hòa Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội phản ánh từ năm 2023, hộ gia đình bà Phạm Thị Lan Anh và ông Nguyễn Ngọc Thanh (chồng bà Lan Anh), sống tại xóm 2, thôn Hòa Phú đã ngang nhiên chiếm đoạt toàn bộ đường dân sinh, đất rìa đồi để dựng cột lưới, san gạt nền đất mở rộng thi công sân bóng đá dịch vụ. Việc lấn chiếm này đã chặn lối đi lại của người dân trong khu vực và chặn dòng chảy của mương thoát nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của nhiều hộ.

Một góc sân bóng đá dịch vụ, ki-ốt bán hàng, bể bơi, sân vườn tiểu cảnh tại xóm 2, thôn Hòa Phú (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) - khu vực đang bị người dân phản ánh lấn chiếm đường dân sinh và xây dựng không phép. Ảnh: T.Thành.
Nhằm làm rõ phản ánh, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND xã Hòa Thạch. Tại đây, ông Lê Quang Sinh, Chủ tịch UBND xã xác nhận xã đã nhận được phản ánh từ người dân và đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý.
Theo ông Sinh, con đường bị cho là lấn chiếm vốn là đường dân sinh, trước kia thôn đã tự ý thống nhất với gia đình bà Lan Anh để đổi hướng đi. Sau khi nắm được sự việc, xã đã yêu cầu gia đình trả lại hiện trạng ban đầu.
Về công trình bể bơi đang xây dựng, ông Sinh cho biết chính quyền đã lập biên bản đình chỉ thi công, yêu cầu tháo dỡ. Nếu không chấp hành, địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian cụ thể cưỡng chế, Chủ tịch xã lại chỉ nói “sẽ kiểm tra lại”.

Trụ sở UBND xã Hoà Thạch. Ảnh: T.Thành.
Theo hồ sơ từ UBND xã Hòa Thạch, ngày 2/12/2024, UBND xã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và công trình xây dựng tại thửa đất số 50 tờ bản đồ số 12 (bản đồ chè Long Phú) mà bà Phạm Thị Lan Anh đang tiến hành xây dựng.
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận các hành vi vi phạm gồm: xây tường chắn đất, đổ đất san gạt nền, xây dựng bể bơi với diện tích 307,4m2 và khu tiểu cảnh 50m2. UBND xã đã lập biên bản đình chỉ và yêu cầu hộ gia đình bà Phạm Thị Lan Anh (chủ công trình) khôi phục nguyên trạng.
Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau, ngày 27/2/2025, một biên bản kiểm tra mới lại tiếp tục được lập ra. Điều đáng nói là thay vì chấp hành yêu cầu của chính quyền, gia đình bà Phạm Thị Lan Anh lại tiếp tục thi công với quy mô còn lớn hơn. Khu bể bơi được dựng thêm phần mái che bằng khung thép, mái tôn, cao khoảng 6m, mở rộng diện tích lên 362,5m2. Khu tiểu cảnh vốn bị yêu cầu tháo dỡ trước đó cũng tăng diện tích từ 50m2 lên tới 300m2, tăng gấp 6 lần so với diện tích vi phạm trước đó.

Dù đã bị lập biên bản đình chỉ thi công và yêu cầu tháo dỡ trả lại nguyên trạng, thế nhưng công trình càng phình to, hoành tráng hơn, như thách thức dư luận và pháp luật. Ảnh: T.Thành.
Cả hai lần lập biên bản, chủ đầu tư là bà Phạm Thị Lan Anh đều có mặt, ký tên xác nhận hiện trạng. Tuy nhiên, công trình hiện vẫn đang "chễm chệ" tồn tại mà chưa thấy có dấu hiệu phá dỡ, khôi phục nguyên trạng.
Nguồn gốc đất chưa rõ, xử lý vẫn còn lúng túng
Một trong những nguyên nhân khiến chính quyền chưa thể xử lý dứt điểm là vấn đề liên quan đến hồ sơ đất đai. Theo UBND xã Hòa Thạch, thửa đất đang được hộ bà Lan Anh sử dụng, tiến hành xây dựng các công trình vi phạm thuộc thửa số 50, tờ bản đồ số 12, với diện tích 1.415,1m2. Loại đất ghi nhận trong hồ sơ là đất ở tại nông thôn (ONT) kết hợp đất trồng cây lâu năm (CLN).
Nguồn gốc đất được cho là do Công ty Cổ phần Chè Long Phú bàn giao mốc giới từ ngày 1/9/2006, với tổng diện tích 1.415,1m2, bao gồm 200m2 đất ở và 1.215,1m2 đất vườn (theo Biên bản số 34/KH-CLP). Tuy nhiên, theo sổ mục kê hiện lưu tại xã, chủ sử dụng hợp pháp lại được ghi nhận là bà Doãn Thị Ninh.
Sự không thống nhất giữa người đang sử dụng thực tế và tên trong hồ sơ quản lý tiếp tục đặt ra nhiều nghi vấn. Đáng nói là, chính quyền xã cũng xác nhận hiện không có biên bản giao đất chính thức từ Công ty Chè Long Phú cho hộ bà Phạm Thị Lan Anh.

Thông báo của UBND xã Hoà Thạch yêu cầu bà Phạm Thị Lan Anh chấp hành chỉ đạo tháo dỡ công trình vi phạm tại xóm 2, thông Hoà Phú.
Ông Lê Quang Sinh, Chủ tịch UBND xã Hoà Thạch cho biết, hiện nay trên địa bàn có nhiều khu đất do Công ty CP Chè Long Phú quản lý trước đây, nhưng sau khi công ty ngừng hoạt động, việc chuyển đổi mục đích sử dụng, quản lý đất đai của người dân gặp khó khăn. Một số hộ không trồng chè nữa, nhưng cũng không được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng hoặc mục đích sử dụng. Điều này dẫn tới việc một số hộ tự ý xây dựng công trình không đúng quy hoạch.
Về tinh thần xử lý, đại diện UBND xã Hòa Thạch khẳng định không có vùng cấm, nhưng rõ ràng, sự lúng túng trong xác minh nguồn gốc đất và lập hồ sơ vi phạm đã khiến quá trình xử lý trở nên kéo dài và thiếu hiệu quả.
Trong khi các bước xử lý vẫn đang “được xem xét”, công trình vi phạm tại xóm 2, thôn Hòa Phú vẫn ung dung tồn tại. Câu chuyện không còn nằm ở việc một hộ dân vi phạm, mà ở chỗ: vì sao vi phạm đã rõ, biên bản đã có, nhưng công trình vẫn “lớn lên từng ngày” ngay trước mắt chính quyền? Và nếu những tờ biên bản chỉ được lập rồi... để đó, thì liệu có còn đủ sức răn đe trước các sai phạm tương tự có thể tiếp tục diễn ra ở những địa phương khác?