Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang triển khai Dự án mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng Bắc Cà Mau.
Kế thừa quy trình khoa học kỹ thuật canh tác lúa - tôm càng xanh toàn đực trong những năm qua, bước vào mùa vụ năm nay nông dân thực hiện dự án tại vùng Bắc Cà Mau có phần thuận lợi hơn. Cùng với đó là sự nỗ lực của cán bộ kỹ thuật dự án, người dân tại hai huyện U Minh và Thới Bình thực hiện thành công hơn mong đợi.
Ông Phạm Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: Năm 2020, mô hình VietGAP xen canh lúa thơm ST24 - tôm càng xanh toàn đực cho năng suất: Tôm đạt trên 270 kg/ha, lúa hơn 3 tấn/ha. Năm 2021, năng suất lúa và tôm càng xanh toàn đực được đánh giá sẽ cao hơn năm rồi đang tạo niềm phấn chấn cho người dân nơi đây.
Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX Dân Phát (ấp 6 La Cua, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết: Thời tiết những năm qua diễn biến rất bất thường nếu không có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dân thì nông dân sẽ gặp khó khăn. Hiện nay, chưa biết giá tôm lên xuống như thế nào nhưng năng suất dự kiến sẽ trúng hơn, ước đạt khoảng từ 300 – 350 kg/ha.
Trong khuôn khổ Dự án Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL và Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã tập huấn cho 250 nông dân quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực.
Anh Trần Văn Hải (ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh), nói: Năm nay nhìn cây lúa phát triển rất tốt, trổ bông đều hơn so với vụ rồi. Nhìn tổng thể mô hình này đang khả quan hơn nhiều so với năm ngoái. Mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực được bà con nông dân nơi đây đánh giá rất cao.
Kỹ sư Phạm Minh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên kết quả thực hiện mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực khả quan hơn. Theo mục tiêu của dự án đề ra tôm đạt năng suất 250 kg/ha, lúa 3,5 tấn/ha.
Đến nay, nhìn kích cỡ con tôm ước năng suất đạt khoảng 300 kg/ha và lúa khoảng 4 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình này sử dụng giống lúa thơm ST24 và thả con giống tôm càng xanh toàn đực nên thương lái bảo đảm mua giá cao hơn thị trường từ 5 -10%.
"Đến thời điểm này có thể khẳng định mô hình đang thực hiện đúng mục tiêu đề ra là nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân. Đồng thời, thông qua dự án này nâng cao được chất lượng, giá trị sản phẩm tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Cà Mau", ông Phạm Minh Dũng nói.
Mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP
(vụ thứ hai năm 2021)
Thực hiện tiếp với 136 hộ dân tham gia dự án. Cung cấp giống tôm càng xanh toàn đực, lúa ST24; phân bón; men vi sinh; khoáng tạt... với số lượng đúng đủ như đề cương và dự toán đã phê duyệt như nguồn kinh phí trung ương và địa phương hỗ trợ.
Kết quả: Lúa đang phát triển tốt. Thực hiện thả giống tôm càng xanh toàn đực cho 136 hộ với 200ha, tổng lượng giống thả nuôi là 4 triệu post.
- Tại huyện U Minh: tôm nuôi được hơn 4 tháng nhìn chung tôm phát triển tốt và đạt đầu con với tỷ lệ > 60%, tôm đạt trọng lượng trung bình 45 con/kg.
- Tại huyện Thới Bình: tôm nuôi được hơn 3 tháng tôm phát triển tốt, đạt đầu con, tôm đạt trọng lượng trung bình khoảng 65 con/kg.
Dự án được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Khoa học và Công nghệ, của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Khoa học và Công nghệ. Được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương; của người dân tham gia dự án nên bước đầu dự án có nhiều thuận lợi. Cơ quan chủ trì và các thành viên tham gia dự án có tinh thần nhiệt quyết, tập trung, quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra.