| Hotline: 0983.970.780

Vụ xuân ở Nghệ An có nguy cơ thiếu nước trầm trọng

Chủ Nhật 25/02/2024 , 15:55 (GMT+7)

Nhiều diện tích cây trồng vụ xuân ở Nghệ An đang đối diện nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng do mực nước các sông xuống quá thấp.

Nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) không phát triển do thiếu nước. Ảnh: CTV.

Nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) không phát triển do thiếu nước. Ảnh: CTV.

Vụ xuân 2024, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt trên 700.000 tấn lương thực các loại. Để hoàn thành mục tiêu trên, cần phải phủ kín được 90.500ha lúa và 19.500ha ngô, đồng thời đảm bảo quá trình sinh trưởng, phát triển như kế hoạch đề ra.

Đây là nhiệm vụ nặng nề khi vụ đông xuân ở Nghệ An đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là nguy cơ phát sinh các đối tượng sâu bệnh gây hại, cùng với diễn biến khó lường của thời tiết, khí hậu ngày một cực đoan.

Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, kế hoạch sản xuất vụ xuân của Nghệ An sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Khôi An.

Nếu tình trạng thiếu nước kéo dài, kế hoạch sản xuất vụ xuân của Nghệ An sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Khôi An.

Trong khoảng 2 – 3 tuần trở lại đây đang là thời kỳ lúa xuân ở giai đoạn đẻ nhánh, đòi hỏi lượng nước tưới cao, liên tục để duy trì đà phát triển ổn định. Tuy nhiên thời tiết trên địa bàn Nghệ An cơ bản không thuận, trời hanh khô kéo dài, lượng mưa nhỏ giọt khiến mực nước trên sông Cả và các hệ thống xuống thấp hơn cùng kỳ khá nhiều.

Hậu quả là hàng loạt trạm bơm trọng điểm dọc các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… không hoạt động được, hoặc không hiệu quả. Mặc dù Sở NN-PTNT Nghệ An cùng các đơn vị chuyên môn đã chủ động phương án ứng phó nhưng tình hình vẫn rất gay go.

Diễn biến tại huyện Thanh Chương cực kỳ đáng lo, đến mức UBND huyện này phải gấp rút ban hành công văn đề nghị các cấp, ngành, đơn vị liên quan tính toán phương án xả nước cứu lúa trước khi quá muộn.

Lượng mưa không đáng kể khiến nhiều trạm bơm trơ đáy. Ảnh: Khôi An.

Lượng mưa không đáng kể khiến nhiều trạm bơm trơ đáy. Ảnh: Khôi An.

Được giao quản lý phạm vi khá lớn nên áp lực đang đè nặng lên vai Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương. Suốt những ngày qua, đơn vị này đã tập trung toàn lực, cắt cử người có mặt tại những “điểm nóng” 24/24h để trực tiếp xử lý, điều tiết nguồn nước tưới.    

Điển hình như tại trạm bơm Cát Văn (phục vụ tưới cho xã Cát Văn với diện tích vụ đông xuân khoảng 136ha) và Trạm bơm Rạng (phục vụ nhu cầu tưới cho xã Đại Đồng với diện tích 351ha), qua kiểm tra ghi nhận mực nước thấp hơn miệng hút của máy bơm theo thiết kế ban đầu khoảng 15cm. Công ty đã khắc phục bằng cách sửa chữa máy bơm, nối dài ống hút và hạ thấp cao trình đáy bể hút để có thể tạm thời hoạt động trước mắt. Tương tự là diễn biến tại trạm bơm Đồng Văn.

Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương phải cắt cử người thường trực 24/24h tại những điểm nóng, đồng thời nối dài đường ống để 'chữa cháy' trước mắt. Ảnh: Anh Khôi.

Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương phải cắt cử người thường trực 24/24h tại những điểm nóng, đồng thời nối dài đường ống để "chữa cháy" trước mắt. Ảnh: Anh Khôi.

Trong khi đó, tại trạm bơm Thanh Hưng 1 và Thanh Hưng 2 (thuộc cụm trạm bơm Rạng) đáp ứng nhu cầu tưới cho hàng trăm ha đất nông nghiệp của xã Đại Đồng và một phần của xã Thuận Sơn (huyện Đô Lương) tình hình khó khăn hơn nhiều khi mực nước thấp hơn miệng hút máy bơm theo thiết kế ban đầu là 14cm. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, đồng thời cậy nhờ Nhà máy bơm Hải Dương đưa phương tiện, máy móc vào trợ giúp nhưng các tổ máy vẫn “trơ như đá” do mực nước sông xuống quá thấp.

Theo ghi nhận, đến sáng ngày 25/2, bộ phận chuyên môn của Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương vẫn đang nỗ lực 100% tại những điểm nóng nêu trên.

Các nhà máy thủy điện khẩn trương xả nước hồ chứa là phương án khả thi nhất lúc này. Ảnh: Khôi An.

Các nhà máy thủy điện khẩn trương xả nước hồ chứa là phương án khả thi nhất lúc này. Ảnh: Khôi An.

Xuất phát từ tình hình cấp bách, ngày 23/2/2024, Sở NN-PTNT Nghệ An đã họp bàn với các đơn vị liên quan nhằm tìm hướng xử lý tối ưu nhất. Dựa trên cơ sở thực tiễn, một mặt yêu cầu các địa phương, các công ty thủy lợi chủ động phương án ứng phó bằng cách ưu tiên bố trí nhân lực, vật lực để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước đang có. Mặt khác sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê khẩn trương xả nước.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.