| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Y Can khấm khá nhờ trồng dâu nuôi tằm

Chủ Nhật 26/09/2021 , 17:58 (GMT+7)

YÊN BÁI Từ một xã thuần nông khó khăn, bấp bênh, trồng dâu nuôi tằm đã giúp bà con ở xã Y Can có nghề ổn định, vươn lên khá giả.

Bà Bùi Thanh Tuyền, thôn Bình Mình cho tằm ăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Bà Bùi Thanh Tuyền, thôn Bình Mình cho tằm ăn. Ảnh: Tuấn Anh.

Y Can là một xã vùng II của huyện Trấn Yên (Yên Bái), có 8 thôn, 950 hộ dân với 3.550 nhân khẩu nằm cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Tỉnh lộ 166. Cây cầu Cổ Phúc nối Thị trấn Cổ Phúc và Y Can hoàn thành cuối năm 2020 đã tạo điều kiện cho Y Can phát triển kinh tế thuận lợi hơn rất nhiều.

Do nằm bên dòng sông Hồng nên Y Can có nhiều bãi phù sa màu mỡ, thích hợp với một số loại cây trồng, ngoài cây lúa còn có ngô, đậu tương, lạc… Tuy nhiên, thu nhập của người dân không đáng là bao. 

Những năm gần đây, một số diện tích đất nông nghiệp của xã đã được chuyển đổi từ trồng hoa mầu sang trồng dâu và nuôi tằm. Đây là loại cây trồng mới ở địa phương, nên bước đầu bà con còn lúng túng về kỹ thuật... Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham quan những xã đã trồng dâu, nên bà con hiện đã tích lũy được kinh nghiệm để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Ông Nguyễn Tiến Liệu ở thôn Bình Minh là một trong những hộ đầu tiên trồng dâu ở xã Y Can. Ông Liệu cho biết: Gia đình quen trồng lúa, khi chuyển sang trồng dâu còn rất nhiều bỡ ngỡ, công việc lại vất vả.

Những lúc tằm ăn rỗi, gần như vợ chồng thức trắng cả đêm. Giai đoạn đầu, do chỉ nuôi thủ công nên bà con nuôi tằm trên nong, vẫn dùng né tre nên tốn nhiều công sức. Bây giờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bà con làm nhà nuôi tằm trên đất, từ né tre chuyển sang né gỗ vuông, nên công việc cũng thuận tiện hơn trong quá trình thu hoạch kén...

Né tằm kén vuông rất tiện cho việc thu nhặt kén tằm. Ảnh: Tuấn Anh.

Né tằm kén vuông rất tiện cho việc thu nhặt kén tằm. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau những khó khăn vất vả ban đầu, việc trồng dâu nuôi tằm đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Từ một gia đình thuần nông, nhờ trồng dâu nuôi tằm gia đình ông Liệu thu cả trăm triệu đồng mỗi năm, đủ tiền nuôi hai con đi đại học rồi xây dựng được ngôi nhà khá khang trang.

Thấy được giá trị kinh tế cây dâu tằm mang lại, gia đình ông Liệu đã mạnh dạn thuê đất của các hộ xung quanh, đấu thầu thêm đất để mở rộng diện tích trồng dâu.

Ngày trước, bà con thường phải bỏ công chăm sóc tằm từ lúc mới nở cho đến khi chín, nên mỗi lứa tằm thường mất từ 25 - 28 ngày, thời gian kéo dài nên ảnh hưởng đến năng suất. Bây giờ, con giống đã được thương lái chuẩn bị nên mỗi lứa tằm bà con chỉ mất từ 10 - 12 ngày là có thể xuất bán. Mỗi lứa nuôi với 4 nong tằm giống, bà con thu về 38 - 45 kg kén, với giá bán từ 90.000- 110.000/kg, sau khi trừ hết chi phí còn thu lãi từ 3,5- 4,5 triệu/lứa.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng mức giá mỗi kén thương phẩm vẫn từ 90.000-110.000 đ/kg. So sánh cùng một diện tích để trồng lúa và hoa màu thì trồng dâu nuôi tằm thu nhập cao gấp 4 - 5 lần.

Cánh đồng dâu xã Y Can. Ảnh: Tuấn Anh.

Cánh đồng dâu xã Y Can. Ảnh: Tuấn Anh.

Có thể thấy, từ một cây trồng mới, đến nay cây dâu tằm đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế của người dân xã Y Can. Nhờ trồng dâu, nhiều người không phải đi làm ăn xa, những ngôi nhà kiên cố đang tiếp tục mọc lên từ chính việc trồng dâu nuôi tằm, góp phần để Y Can hoàn thành xã NTM.

Sau nhiều năm phát triển, đến nay Y Can đã coi việc trồng dâu nuôi tằm là một nghề để phát triển kinh tế. Từ vài hộ trồng dâu nuôi tằm, hiện Y Can có tổng diện tích dâu trên 40ha.

Để giúp cho việc tiêu thụ kén tằm cho bà con, UBND xã Y Can đã thành lập HTX Trồng dâu nuôi tằm với 53 thành viên. Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi giúp bà con việc nhập giống dâu, giống tằm và tìm đầu ra.

Năm 2021, HTX hỗ trợ 8,6 tấn phân cho các xã viên, mỗi năm bà con thu từ 55 - 60 tấn kén, với giá bình quân 95.000 đ/kg thì nguồn thu từ trồng dâu nuôi tằm khoảng 5,5 tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ với một xã thuần nông…

Từ cây trồng manh mún, đến nay cây dâu đã trở thành cây chủ lực của bà con nhân dân với diện tích ngày càng được mở rộng, giúp người dân Y Can từng bước xóa nghèo làm giàu.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.