| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng chiếm 21% diện tích canh tác

Thứ Tư 08/06/2022 , 09:25 (GMT+7)

Hiện diện tích sản xuất được cấp các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C… của Lâm Đồng đạt khoảng 78 nghìn ha, chiếm 26% tổng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích canh tác nông nghiệp của địa phương hiện ở vào khoảng 300 nghìn ha với các sản phẩm chủ lực bao gồm rau, hoa, chè, cà phê, cây ăn quả, dâu tằm…  Trong đó, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 63 nghìn ha, chiếm 21% tổng diện tích canh tác của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là xuất khẩu. Địa phương cũng tập trung phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng. Theo thống kê, hiện diện tích sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C… của Lâm Đồng đạt khoảng 78 nghìn ha. Giá trị sản xuất bình quân của địa phương này cũng đạt bình quân 185 triệu đồng/ha. Nhiều diện tích rau, hoa công nghệ cao đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha.

Mô hình sản xuất rau thủy canh xuất khẩu của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu. 

Mô hình sản xuất rau thủy canh xuất khẩu của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nông sản địa phương xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó thị trường truyền thống là khu vưc Đông Bắc Á, khu vực châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu của Lâm Đồng hiện đang có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ. Tỉnh này cũng cung cấp nông sản nguyên liệu xuất khẩu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và các nhà phân phối lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng vào cuối năm 2021 đạt khoảng 320 triệu USD, chiếm tỉ lệ khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương vẫn là rau, hoa, chè và cà phê nhân. Trong đó, mặt hàng rau như ớt chuông, bắp ngọt, khoai lang, cà rốt… xuất khẩu sang thị trường EU và các quốc gia Đông Á, ASEAN khoảng trên 34 nghìn tấn với tổng giá trị hơn 60 triệu USD.

Sản phẩm hoa cũng được xuất khẩu qua các quốc gia Đông Á, châu Úc, ASEAN khoảng 371 triệu cành và đạt tổng giá trị trên 58,7 triệu USD. Các sản phẩm chè, cà phê nhân cũng được xuất khẩu sang các quốc gia như Đà Loan, Afghanistan, Pakistan, Vương Quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Về vấn đề phát triển thị trường xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đang xây dựng quy trình sản xuất và các quy trình chuẩn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của các thị trường. Đồng thời phát triển dịch vụ logicstics để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu về các dịch vụ trọn gói như đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng…

Năm 2021, mặt hàng rau như ớt chuông, bắp ngọt, khoai lang, cà rốt… của tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu sang thị trường EU và các quốc gia Đông Á, ASEAN khoảng trên 34 nghìn tấn với tổng giá trị hơn 60 triệu USD. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2021, mặt hàng rau như ớt chuông, bắp ngọt, khoai lang, cà rốt… của tỉnh Lâm Đồng xuất khẩu sang thị trường EU và các quốc gia Đông Á, ASEAN khoảng trên 34 nghìn tấn với tổng giá trị hơn 60 triệu USD. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài ra, cùng với việc tập trung vào các thi trường truyền thống, Lâm Đồng cũng tìm kiếm và khai thác các thị trường mới dựa trên lợi thế về chủng loại, chất lượng và mùa vụ nông sản.

"Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như EU, chúng tôi xác định giải pháp là mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đảm bảo an toàn gắn với với chế biến để tạo giá trị gia tăng. Đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất theo quy trình chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA", ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ và cho biết thêm, địa phương cũng thực hiện các cảnh báo về các quy định, rào cản kỹ thuật và những vấn đề phát sinh từ các thị trường để việc sản xuất được chủ động, đảm bảo.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, ngành nông nghiệp Lâm Đồng hiện đang xây dựng chiến lược phát triển dài hạn và tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương đang thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp, tiếp cận thị trường. Trong đó, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao…, tỉnh Lâm Đồng cũng đầu tư các trung tâm sau thu hoạch để thực hiện dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản tại các vùng sản xuất. Trong đó tập trung hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, nâng cấp nhà xưởng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, xây dựng các quy trình sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn chứng nhận HACCP, ISO, FSSC… Tỉnh Lâm Đồng cũng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản xuất.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.