Mở rộng sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ
Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đã và đang chuyển từ “ăn no” sang “ăn ngon”, việc người sản xuất tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là xu thế tất yếu, có như vậy phát triển kinh tế từ nông nghiệp của bà con nông dân mới đảm bảo được tính bền vững.
Khoảng hơn 4 năm trở lại đây, quan điểm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, tỉnh Hà Tĩnh đều khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang thực hiện theo hướng tuần hoàn, hữu cơ. Hành trình này không chỉ tạo ra những giá trị mới mà còn là mục tiêu của nền sản xuất hiện đại - tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Đã bước sang năm thứ 2 kể từ khi quyết định chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, vụ cam tết năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân, huyện Vũ Quang tiếp tục đón niềm vui thắng lợi. Anh Đoàn Quốc Hoài, Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ, trên diện tích 10 ha, 8 hộ liên kết tuân thủ hoàn toàn quy trình sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiến bộ KHKT và truy xuất nguồn gốc đến từng quả cam.
Từ khi chuyển đổi phương pháp canh tác, vườn cây sinh trưởng tốt, nhiều loại sinh vật có lợi trở lại môi trường. Sản lượng cam năm 2023 đạt khoảng 120 tấn, giá bán tại vườn trung bình 50 nghìn đồng/kg, vượt trội so với các loại cam khác.
“Cuối tháng 11 vừa qua, sản phẩm cam chanh của chúng tôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Đây là kết quả của sự nỗ lực và cũng nhận diện rõ hành trình mà chúng tôi lựa chọn - sản xuất sạch vì cuộc sống an toàn”, anh Hoài nói.
Cũng mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế mới, anh Trần Nam Giang, ở thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn đầu tư mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín. Mô hình nuôi 20 con nái và hơn 200 con lợn rừng thịt; 20 con hươu lấy nhung; 1.000 m2 ao nuôi cá nước ngọt. Đồng thời, tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, chủ mô hình nuôi thêm giun quế để xử lý phân thải chăn nuôi; phân giun quế thì bón cho các loại rau, củ, quả, cây thảo dược để làm thức ăn cho lợn rừng; giun quế làm thức ăn cho cá…
“Hình thức nuôi tuần hoàn đã khai thác tối đa giá trị kinh tế của phụ phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, để tăng hiệu quả sản xuất, tôi mở thêm xưởng chế biến thịt lợn rừng Nam Giang và được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao vào năm 2021. Hiện nay, doanh thu của chúng tôi đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm, thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng”, anh Nam Giang phấn khởi thông tin.
Ngoài sự mạnh dạn thay đổi tư duy, đầu tư vốn chuyển đổi sản xuất của người nông dân, thông qua nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ của tỉnh, huyện, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển được gần 2.000 ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP; 8 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.
Có 28 cơ sở được chứng nhận HACCP, GMP, tiêu chuẩn ISO 22000... còn hiệu lực. Trong đó, 8 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP và 4 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO.
Hà Tĩnh có 22 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có xác nhận và 60 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại các địa phương. Sự chuyển dịch này đã đóng góp quan trọng vào kết quả toàn ngành trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,7%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh) ước đạt 13.900 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 97,5 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,5%.
Trong năm 2023, toàn tỉnh cũng tăng thêm 3.600 ha thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, nâng tổng số diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất lên gần 10.700 ha, đạt 62% mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đặt ra.
Liên kết doanh nghiệp tạo động lực
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Do đó, ngay từ cuối năm 2023, ngành đã xây dựng, triển khai sớm các mục tiêu, phân công đầu việc cho các đơn vị trực thuộc nhằm tăng sự chủ động trong chỉ đạo cơ sở và cán bộ chuyên môn.
Hiện Sở NN-PTNT đang hoàn thiện Đề án Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030, khẳng định bước chuyển giai đoạn mới của lĩnh vực nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh tiếp tục tập trung cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và định hướng về nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sinh thái, hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; chuyển mạnh sang phát triển kinh tế nông nghiệp lấy thị trường, khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp thông qua các HTX, tổ hợp tác là động lực. Lựa chọn cây, con có lợi thế, đặc hữu tiến đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn theo lộ trình. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nhằm tạo bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững theo định hướng của Bộ NN-PTNT và nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX.
Phấn đấu trong năm tăng quy mô đất trồng trọt (lúa, rau, cây ăn quả) hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ từ 0,3 - 0,5% tổng diện tích (trên 500 - 700 ha); tăng thêm từ 20 - 50 mô hình chăn nuôi lợn, bò, hươu, gia cầm theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng được 1 - 2 mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ...
Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp gắn phát triển du lịch sinh thái như: du lịch xanh tại thôn Hoa Thị - xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang), bản Phú Lâm - xã Phú Gia (huyện Hương Khê); mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn); mô hình nông nghiệp đô thị “3 trong 1” kết hợp lúa, rau thủy sinh, tôm, cá, cua; “công viên nông nghiệp sinh thái” ở TP Hà Tĩnh... là “hạt nhân” để mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế nông thôn - đa giá trị, tăng trưởng xanh gắn với bảo vệ môi trường.