Nhiều mô hình nhà màng đã hình thành. |
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 6593/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.
Trên tinh thần đó, Sở NN-PTNT đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tiến hành chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc. Có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, của chính quyền địa phương và sự đồng thuận lớn của số đông nông dân, ngành nông nghiệp địa phương đã tạo ra nhiều nét chấm phá tích cực.
Điều này được thể hiện rõ tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2018. Nghệ An vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện tái cơ cấu ngành NN-PTNT giai đoạn 2013-2018”.
Sản xuất rau sạch CNC tại xã Quỳnh Liên – thị xã Hoàng Mai. |
Đối với kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề án và Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 06/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cơ bản ngành nông nghiệp đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch.
Chi tiết hơn, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 5,09/KH4,0-4,5%, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 4,78%/MTNQ 4,5-5%. Hết năm 2018 có 218/431 xã cán đích NTM, đạt 50,58%/MTNQ 50%; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 83% MTNQ 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%/MTNQ 57%...
Căn cứ định hướng của Bộ NN-PTNT, Nghệ An chủ động rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp với lợi thế của từng vùng cũng như nhu cầu thị trường. Sau 5 năm, toàn tỉnh chuyển đổi thành công 8.898 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, cơ cấu theo hướng giảm dần diện tích lúa lai, tập trung sản xuất lúa chất lượng, vừa đảm bảo giá trị lại dễ tiêu thụ.
Song song với đó, tiếp tục chủ trương đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (doanh nghiệp là trung tâm) gắn với các sản phẩm có lợi thế như lúa, ngô, lạc, chè, mía...
TH True Milk góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp Nghệ An. |
Đặc biệt hơn, Nghệ An đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất NNƯDCNC với quy mô khoảng 20.519 ha (chiếm 6,8%). Đồng thời từng bước phát triển các thương hiệu nông sản có tiềm năng, điển hình như xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với cây cam, công bố nhãn hiệu tập thể đối với cây chè.
Đánh giá tổng thể, tình hình sản xuất trồng trọt sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2018 đạt trên dưới 80 triệu đồng/ ha, tăng khoảng 16 triệu đồng/ha so với năm 2013.
Không dừng lại ở đó, tất cả các lĩnh vực khác, từ chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp cho đến thủy sản, thủy lợi đều cho thấy tín hiệu tích cực, cơ bản tạo ra sự thay đổi rõ rệt cả về chất lượng lẫn quy mô.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại. |
Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định, cơ cấu ngành nông nghiệp Nghệ An những năm qua được triển khai đồng bộ, toàn diện. Từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tiến tới phát triển theo hướng nâng cao giá trị thông qua các chuỗi liên kết bền vững:
“Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch tích cực, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, các cánh đồng lớn đã được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trên cùng đơn vị diện tích, giúp nhà nông yên tâm gắn bó với ruộng đồng”.
Bức tranh nông nghiệp Nghệ An lúc này thực sự tươi mới, từ cách thức, tư duy đến quy mô lẫn chất lượng đều được nâng tầm rõ rệt.
Thông qua công tác tuyên truyền, tư tưởng của phần đa nhà nông đã thông thoáng hơn, họ không còn đặt nặng tư tưởng khư khư giữ đất như trước. Đó là cơ hội để các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn mạnh có điều kiện vào triển khai. Chính sự góp mặt của các ông lớn như TH True Milk, Vinamilk, Massan, Thái Dương, Tuấn Lộc... đã góp phần cởi bỏ những nút thắt.