Bốn nhóm công nghệ, sử dụng "big data" (dữ liệu lớn), cảm biến thông minh và tự động hóa nhà kính, đạt năng suất trung bình 6,86kg dâu tây, gấp gần 3 lần so với mức trung bình 2,32 kg của 3 nhóm trồng theo phương pháp truyền thống.
Không chỉ năng suất, 4 nhóm công nghệ cũng vượt trội về tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, trung bình là khoảng 75% so với 3 nhóm truyền thống.
Cuộc thi được Công ty Pinduoduo và Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đồng tổ chức, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) làm cố vấn kỹ thuật. Nó diễn ra trong vòng 4 tháng, và kết thúc vào đầu tháng 12/2020.
Thành phẩm được đo đạc kỹ lưỡng, rồi đem bán trên chính thị trường như một cách đánh giá khách quan kết quả. Đây là cuộc thi nông nghiệp thông minh liên ngành đầu tiên ở Trung Quốc, nhằm tuyên truyền và chứng minh sự hiệu quả của các phương pháp trồng trọt kiểu mới trong việc tăng năng suất, sản lượng.
Andre Zhu, Phó chủ tịch cấp cao của Pinduoduo cho biết: “Công nghệ là nhân tố giúp ích cho cả những người làm nông nghiệp lẫn những người mua thực phẩm. Tối ưu hóa những đầu tư vào nông nghiệp đem lại lợi ích cho nhiều người. Chúng tôi rất vui khi được đóng vai trò cầu nối và dẫn dắt quá trình này”.
Sự tối ưu mà ông Zhu nhắc đến được thể hiện rõ rệt trong cuộc thi. Các đội công nghệ dễ dàng kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm thông qua tự động hóa nhà kính. Họ cũng chính xác hơn trong việc kiểm soát lưu lượng nước tưới và chất dinh dưỡng. Trong khi đó, những người nông dân truyền thống hoàn thành phải xử lý các công việc tương tự bằng tay và kinh nghiệm.
CyberFarmer.HortiGraph, đội chiến thắng cuộc thi, đã thu thập kinh nghiệm của người trồng dâu tây trong nhiều năm, trước khi phác họa thành đồ thị. Dựa vào dữ liệu lịch sử canh tác và nhận dạng hình ảnh dâu tây thực tế, họ kết hợp một cách nhuần nhuyễn với nước tưới, phân bón và các mô hình khí hậu nhà kính để tạo ra một chiến lược thông minh trong suốt 4 tháng gieo trồng dâu tây.
Theo Lin Sen, trưởng nhóm CyberFarmer.HortiGraph, các thành viên trong đội toàn là các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Thiết bị Trí tuệ Nông nghiệp Quốc gia. Trước khi tham dự cuộc thi này, hầu hết thành viên chưa một lần canh tác trực tiếp trên đồng ruộng.
"Trải nghiệm 4 tháng qua thật quý báu. Hy vọng những gì chúng tôi làm được sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người, giúp công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn trong nông nghiệp", Lin Sen nói.
Pinduoduo, có nghĩa là "cùng mua nhiều hơn", có trụ sở tại Thượng Hải, là nền tảng công nghệ tập trung vào nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Điểm độc đáo của Pinduoduo là kết hợp mạng xã hội vào việc mua sắm trực tuyến truyền thống mà công ty gọi là mô hình “mua theo nhóm”.
Chẳng hạn, khi chia sẻ thông tin sản phẩm Pinduoduo lên các mạng xã hội Trung Quốc như WeChat, QQ, người dùng có thể mời bạn bè lập thành một nhóm mua sắm để mua sản phẩm với giá thấp hơn.
Mô hình bán buôn của Pinduoduo dễ dàng tạo ra các đơn hàng lớn cho người bán và cho họ một khoảng để giảm giá. Ngoài ra, Pinduoduo còn khuyến khích việc giao hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, loại bỏ các khâu trung gian, giúp giảm giá cho người mua và tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất. Cách tiếp cận này tỏ ra ưu việt với các mặt hàng tươi sống và nông sản, nơi tốc độ kết nối cung cầu là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Thúc đẩy nông nghiệp thông minh là phần quan trọng trong định hướng phát triển của Pinduoduo. Thông qua cuộc thi, công ty muốn nhiều người nhận ra tiềm năng của nền nông nghiệp, cũng như nguồn tài nguyên màu mỡ của Trung Quốc.
Họ chủ trương, nâng cao mức độ số hóa trong toàn bộ dây chuyền, từ sản xuất đến vận chuyển và bán thực phẩm. Những giải pháp của Pinduoduo, là canh tác chính xác - giúp tăng năng suất mùa vụ, và phân tích nông nghiệp - giúp cắt giảm lãng phí lương thực, tăng độ tương thích giữa cung và cầu.
Thông qua thương mại điện tử, với nền tảng sẵn có từ Pinduoduo, nông dân sẽ tiếp cận được với thị trường rộng lớn hơn so với việc chỉ quanh quẩn tại địa phương, vốn gặp rào cản lớn từ vị trí địa lý.
Từ 2019, Pinduoduo đã làm việc với nông dân của các vùng nghèo khó nhất đất nước, giúp nông sản của họ tìm được tới người dân thành thị.
Thông qua cuộc thi nông nghiệp thông minh, Pinduoduo còn làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nông dân trẻ, vốn có tư tưởng ôn hòa và sẵn sàng đổi mới. Sun Yuqing, một thành viên của Yanjiutian, một trong 3 đội nông dân truyền thống, và gồm toàn nữ trong cuộc thi, chia sẻ: "Để nông nghiệp phát triển, chúng ta chắc chắn cần những kỹ thuật mới, nhân lực mới".
Tại Trung Quốc, gã khổng lồ thương mại điện tử Tencent đã lên một đẳng cấp khác khi lồng ghép thành công mảng game vào mạng xã hội. Giờ tới Pinduoduo, với tham vọng tương tự cho nông nghiệp.