Phát triển vật nuôi đặc hữu
Mô hình đầu tiên đoàn công tác tham quan là Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico, nơi đang bảo tồn và phát triển giống gà Mía Đường Lâm (gà tiến vua) tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.
Đây được coi là thủ phủ giữ gen và cung cấp giống gà Mía của các tỉnh phía Bắc. Xí nghiệp được thành phố Hà Nội giao cho khu đất rộng 11ha để thực hiện hoạt động sản xuất của mình, hàng năm cung cấp từ 1,5 - 2 triệu con giống gà Mía một ngày tuổi cho thị trường.
Ông Nguyễn Duy Vụ - Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico, chia sẻ: Gà Mía là một giống đặc sản có nguồn gốc ở xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây xưa nay thuộc làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Trước đây con gà Mía trống nào mà đạt trọng lượng theo yêu cầu sẽ được tuyển chọn làm lễ vật tiến vua và tế đầu năm tại đình làng.
Với mào đơn, đầu công, mình cốc, cánh trai, ngắn quản, dài đùi, diều vịt, mã lĩnh, chúng phảng phất có nét của loài chim công.
Về chất lượng thịt, trong nhóm các giống gà thân to nổi tiếng như Đông Tảo, Mía, Hồ, Móng, chọi… thì gà Mía đẹp và ngon đệ nhất với da vàng ươm và giòn sần sật, thịt sáng màu và thơm, đậm đà hiếm có. Chính vì vậy, gà Mía đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng như một nguồn gen quý để tạo ra nhiều tổ hợp lai, đặc biệt các tổ hợp lông màu đưa vào sản xuất.
Nhưng theo thời gian, nguồn gen quý của gà Mía bị thoái hóa. Năm 2005, Bộ NN-PTNT phải đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn giống gốc quốc gia nhưng số phận của con gà tiến vua vẫn nổi nênh, chìm đắm.
Để phát triển thương hiệu gà Mía, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thành công thương hiệu “Gà Mía Sơn Tây”, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
Cũng theo Sở NN-PTNT Hà Nội, việc phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi là rất quan trọng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng quốc tế, với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được chất lượng từ con giống đến sản phẩm cuối cùng; bảo đảm lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi; đồng thời cung cấp nguồn đầu vào ổn định chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất và bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.
Sau khi tham quan mô hình sản xuất và cung ứng giống gà mía của Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: “Định hướng phát triển gà Mía của thành phố Hà Nội là rất đúng đắn, bởi đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân thủ đô”.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở NN-PTNT nghiên cứu, chuyển giao nguồn gen quý gà Mía Sơn Tây cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhất là các địa phương có diện tích gò đồi để bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Tập trung phát triển các giống cây trồng mới giá trị cao
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đến thăm mô hình trồng sâm Bố Chính tại xã nông thôn mới Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây với quy mô 5ha của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm.
Trước đây, vùng đất gò đồi này được người dân địa phương trồng sắn, do đó, thu nhập rất thấp. Năm 2020, chính quyền xã Thanh Mỹ đã phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm vận động người dân cho hợp tác xã thuê đất (1,5 triệu đồng/sào/năm) để triển khai mô hình mới, đó là trồng sâm Bố Chính.
Sau quá trình cải tạo đất, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và gieo trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, giống sâm Bố Chính đã thích nghi với vùng đất Sơn Tây. Hiện nay, Hợp tác xã thuê 30 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Theo bà Nhung, Giám đốc hợp tác xã Phúc Lâm, hiện nay trung bình mỗi ngày công nhân của hợp tác xã có thể thu hái khoảng 400 – 500kg hoa sâm Bố Chính. Số hoa này được sấy lạnh hoặc bảo quản lạnh để chế biến thành trà sâm.
Sản phẩm được bán với giá 70.000 đồng mỗi hộp trà sâm 65gr. Ngoài ra, công ty đã chế biến thành công 15 sản phẩm khác nhau từ hoa, lá, thân và củ sâm như tinh bột hoa sâm nano, tinh bột nhân sâm nano, sâm tươi…
Sản phẩm của hợp tác xã làm ra đến đâu sẽ được các nhà phân phối thu mua để cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước.
Bà Nhung cho biết, Công ty rất muốn mở rộng quy mô vùng nguyên liệu sâm Bố Chính, tuy nhiên việc thuê đất gặp trở ngại khá lớn, bởi đặc thù đất đai ở Bắc Bộ rất manh mún. Để tích tụ được 5ha đất, hợp tác xã đã phải làm việc hơn hơn 120 hộ dân. Bên cạnh đó, do cơ chế quản lý đất nông nghiệp quá chặt chẽ, nên hợp tác xã không được phép xây dựng nhà kho để bảo quản, xưởng chế biến nguyên liệu tại chỗ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gợi ý, hợp tác xã Phúc Lâm nên nghiên cứu các phương thức tích tụ ruộng đất khác nhau, ví dụ, người nông dân sẽ sử dụng thửa đất của mình để góp cổ phần cho hợp tác xã, còn những người không có đất sẽ góp tiền để đầu tư hạ tầng sản xuất, vật tư đầu vào, bảo quản, chế biến…
Khi người nông dân có cổ phần trong hợp tác xã, họ sẽ rất hào hứng tham gia nếu hợp tác xã có phương án kinh doanh hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đánh giá cao Hà Nội trong những năm qua đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu. Qua đó, diện mạo ngành nông nghiệp của thành phố ngày càng khởi sắc, nâng cao thu nhập cho người nông dân.