| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn khởi sắc nơi xã vùng cao

Thứ Sáu 04/10/2019 , 10:15 (GMT+7)

A Ngo là xã vùng núi khó khăn của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

16-51-34_nh_1
Đường giao thông sáng, sạch đẹp ở xã A Ngo.

Sau 10 năm bắt tay triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), A Ngo đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với kết quả cao và địa phương này đang dần hoàn thiện các tiêu chí để tiến tới xã NTM kiểu mẫu, nâng cao.
 

Quả ngọt vùng cao

Trong những ngày cuối tháng 9/2019, có dịp trở lại A Lưới, một huyện vùng núi tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này, hạ tầng nông thôn và đời sống người dân có nhiều khởi sắc.

Ghé thăm A Ngo, xã thứ 4 của huyện A Lưới cán đích NTM với chất lượng các tiêu chí đạt cao. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức chia sẻ, năm 2011, khi bắt tay xây dựng NTM, điều kiện của xã hết sức khó khăn. Toàn xã khoảng 500 hộ thì có đến hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số; trình độ dân trí cũng như đời sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao cho nên khi triển khai xây dựng NTM gặp nhiều lúng túng.

Thế nhưng, được sự hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương, sau gần 10 năm xây dựng NTM, A Ngo đã có hệ thống lưới điện đảm bảo toàn xã, nhà văn hoá và khu thể thao đa năng; trường Mầm non và trường Tiểu học xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Cả 6 thôn đều có tuyến đường kiểu mẫu và điện thắp sáng; đời sống người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đạt 30,6 triệu đồng/người/năm; công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 257 hộ (năm 2015) xuống còn 43/877 hộ… Trong quá trình xây dựng NTM, người dân hiến hơn 10 ngàn m2 đất, hàng ngàn ngày công để di dời nhà cửa, làm đường bê tông, kênh mương thủy lợi. Đến nay, A Ngo là một trong 4 xã ở huyện A Lưới cán đích NTM đạt 19/19 tiêu chí.

16-51-34_nh_2
Đời sống người dân A Ngo ngày càng được cải thiện nhờ mô hình vườn mẫu.

Cũng nhờ xây dựng NTM mà bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân ổn định hơn. Hiện tại, tỷ lệ hộ gia đình ở A Ngo tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ chiếm hơn 40%. Địa phương cũng đã thu hút 8 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn gồm các lĩnh vực dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập.

Ông Trần Văn Lưu, 63 tuổi, thôn Diên Mai, một hộ dân thực hiện mô hình vườn mẫu ở xã A Ngo cho biết, từ khi chuyển qua trồng rau vườn mẫu, thu nhập đã tăng lên đáng kể. Riêng việc trồng rau thâm canh đã thu về gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn trồng mướp, bí… cũng kiếm thêm mỗi tháng 2 -3 triệu đồng.
Hay hộ chị Hoàng Thị Kén ở thôn Diên Mai đang triển khai mô hình trồng nấm, với hơn 5 ngàn bịch nấm rơm, nấm sò, linh chi… trung bình mỗi ngày thu hoạch 15 – 20kg nấm đưa ra chợ bán với giá 50 ngàn/kg. Đời sống gia đình chị Kén nâng cao nhờ mô hình kinh tế này.

Xã đang triển khai xây dựng vườn kiểu mẫu trên cả 6 thôn, bước đầu mang hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình cánh đồng mẫu, vườn rau sạch, mô hình nuôi bò bán thâm canh,... mỗi năm trừ chi phí, doanh thu đạt 70 - 80 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục người dân với thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
 

Hướng đến xã kiểu mẫu, nâng cao

Theo ông Nguyễn Đức, cùng với việc phát động các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá NTM” rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao và phấn đấu 50% số thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu; mỗi thôn có từ 2-3 vườn mẫu; hướng đến mức thu nhập bình quân toàn xã tăng lên 36 triệu đồng/người vào năm 2020.

Về mô hình xây dựng NTM ở A Ngo, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng các khu vườn mẫu góp phần tạo nên cảnh quan vùng nông thôn đẹp hơn; cùng với đó, giá trị kinh tế, thu nhập của người dânnâng cao nhờ các mô hình nông nghiệp.

Ông Hùng cho biết, lộ trình và giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở xã A Ngo và huyện A Lưới thời gian tới, sẽ là chú trọng chiều sâu, hiệu quả. Theo đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao đời sống người dân. Cũng như tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự an toàn xã hội; gắn xây dựng NTM với phát triển đô thị văn minh.

16-51-34_nh_3
Trồng nấm trong nhà, mô hình mang hiệu quả kinh tế cao ở A Ngo.

“Phấn đấu đạt các tiêu chí đã khó, nhưng giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn nhiều. Các địa phương sẽ tranh thủ các nguồn lực, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động sự đóng góp nhân lực, vật lực trong nhân dân, đơn vị doanh nghiệp để thực hiện các tiêu chí NTM với chất lượng cao và bền vững”, ông Hùng nói.

Ông Phạm Quyền, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên- Huế thông tin, đến nay, tỉnh có 44/104 xã đạt chuẩn NTM (tỉ lệ 42,3%), số tiêu chí bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Trong đó, huyện Nam Đông đã được Chính phủ tặng cờ thi đua và 5 xã điển hình được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen là Phong Hải (Phong Điền), Hương Giang, Hương Hoà (Nam Đông), Phú Thượng (Phú Vang) và Nhâm (A Lưới).

Thừa Thiên- Huế phấn đấu đến cuối năm 2019 có 54 xã đạt chuẩn để làm tiền đề đạt mục tiêu 59% số xã đạt chuẩn vào năm 2020. Theo đó, chọn 13 xã tiêu biểu tại 8 huyện, thị xã để triển khai xây dựng thí điểm xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu làm cơ sở phát triển, nhân rộng.

Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh này cũng sẽ phấn đấu có ít nhất 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM, 78/104 sẽ xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 75%), trong đó, có 20% xã NTM kiểu mẫu và 5% xã NTM nâng cao.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.