| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn miền núi 'cựa mình' giữa ngổn ngang khó khăn

Thứ Bảy 03/08/2019 , 12:06 (GMT+7)

Là vùng khó khăn, 10 năm qua, miền núi phía Bắc đã và đang hòa mình chung sức xây dựng NTM. 

Dù đã có nhiều biến chuyển, đời sống của người dân được cải thiện, nhưng thực tế, khoảng cách kinh tế so với các vùng miền khác của cả nước đang có xu hướng nới rộng.

10 năm nhìn lại

Ngày 3/8, tại tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM tổ chức hội nghị tổng kết, nhìn lại 10 năm triển khai tại khu vực miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, từ nguồn lực của địa phương, hỗ trợ của Trung ương, thời gian qua, 14 tỉnh miền núi phía Bắc thực sự chuyển mình, phát triển cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy vậy, với các tỉnh biên giới, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu xa, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng khẳng định, đây là dịp để các địa phương nhìn nhận, đánh giá lại những gì làm được, hay tồn tại để khắc phục, tháo gỡ.

Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hết tháng 6/2019, khu vực này có 603 xã đạt chuẩn NTM. Cả vùng có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo Thứ trưởng Nam, kinh tế - xã hội  tiếp tục được các địa phương đặc biệt chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Hế thống giao thông, thủy lợi cũng được đầu tư nâng cấp cải tạo. Gần 95% số thôn, bản có điện lưới giúp người dân nâng cao đời sống, phát triển kinh tế.

Du khách thưởng thức đặc sản rượu cần Tân Lạc, Hòa Bình.

Đặc biệt, kinh tế ngày càng phát triển, phương thức SXNN được đổi mới theo hướng quy mô, hiện đại. Các vùng trồng cây ăn quả đã góp phần tạo ra sản phẩm quả đa dạng, có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều nơi trở thành “vựa” trái cây như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình), nhãn lồng Sơn La…

Từ đó, Chương mình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng thể hiện vai trò trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Hiện đã có 10/14 tỉnh phê duyệt đề án, tới năm 2020 với 577 sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được Hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia.

Ngổn ngang khó khăn

Tuy nhiên, nhìn chung kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước).

Việc huy động nguồn lực đầu tư tại các tỉnh rất hạn chế do xuất phát điểm thấp, lợi thế ngành nông nghiệp chưa được phát huy, khai thác đúng mức. Thực tế, các địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là dịp nhìn lại 10 năm quá trình xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung.

Đây cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là mưa lũ. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường...

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ, dù rất nỗ lực, việc xây dựng NTM trên địa bàn đang tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tại Điện Biên còn thấp, khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Quá nửa số xã tại tỉnh Điện Biên đạt dưới 10 tiêu chí NTM.

Đại diện tỉnh Điện Biên đề nghị, Bộ NN-PTNT quan tâm giúp đỡ trong việc giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời xây dựng 1 - 2 mô hình SXNN công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Người Mường ở Hòa Bình vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa cổ xưa. Trong ảnh là trò chơi đánh mảng.  

Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế chủ yếu dựa vào SXNN nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo cao (44%). Tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực, giúp địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, vùng miền núi phía Bắc là vùng khó khăn, nhưng những kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh. Kết quả này sẽ tạo sự lan tỏa ra nhiều khu vực khác, đặc biệt các thôn, bản vùng sâu, xa.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, từ thực tiễn 10 năm, cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách, tồn tại bất cập để tìm cách tháo gỡ vướng. Việc xây dựng NTM phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng NTM.

Đồng thời, cần đánh giá, kiện toàn lại bộ máy xây dựng NTM các cấp để hoàn thiện, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần đánh giá năng lực đội ngũ lãnh đạo địa phương, vai trò, trách nhiệm tới đâu, năng cao năng lực thế nào.  

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.