Là tỉnh có nhiều khó khăn, năm 2011, bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Sơn La có 188 xã với xuất phát điểm thấp.
Năm 2011, số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá mới đạt 1,61 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt là: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập... Sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 40,1%.
Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn, thử thách lớn cần được tháo gỡ kịp thời, để đưa diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc và giàu đẹp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Sơn La cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cũng như các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở với quyết tâm chính trị cao và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, tới nay địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, 100% số xã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp, mở rộng các ngành sản xuất hàng hóa tập trung; tổ chức sản xuất sản phẩm an toàn hiệu quả; nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.
Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân toàn tỉnh đạt năm 2020 đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 18,62%; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo và dân chủ ở cơ sở được phát huy. Có thể thấy, xây dựng nông thôn mới ở Sơn La được thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn.
Với quan điểm "xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", Sơn La phấn đấu đến hết năm 2025, số xã đạt chuẩn NTM là 83 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó, 4 xã biên giới đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3-5 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng; phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành nghề có lợi thế; phát triển các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng NTM gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp và yêu cầu đô thị hóa; từng bước phát triển hạ tầng và dịch vụ nông thôn theọ hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp, bình an, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Rà soát chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, tăng cường phân cấp cho cơ sở và phát huy vai trò chủ thể của người dân, đảm bảo phù hợp với điều kiện của thực tế; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng…