| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới thay đổi tư duy bản làng

Thứ Sáu 19/11/2021 , 08:22 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Những tư duy lạc hậu trong nếp sống, phương thức sản xuất của người nông dân ở nhiều vùng quê của tỉnh Tuyên Quang đã thay đổi từ phong trào xây dựng nông thôn mới.

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Tuyên Quang có 79 sản phẩm đạt sao OCOP. Ảnh: Đồng Thưởng.

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Tuyên Quang có 79 sản phẩm đạt sao OCOP. Ảnh: Đồng Thưởng.

10 năm trước lên xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, người ta cảm nhận vùng đất này tuyệt đẹp nhưng nghèo, lạc hậu. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi cho những đồi chè shan tuyết đặc sản, những rừng lê, mác cọp, đào tuyệt đẹp vào mùa xuân khi hoa đua nở; vào mùa thu khi trái chín trũi trịt vàng khắp đồi nương. Nhưng các sản phẩm đó khi được thu hoạch người dân thường không bán, tự sản tự tiêu, bởi thế nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thế rồi phong trào nông thôn mới được mở rộng, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được mở rộng... đã làm tư duy của bà con thay đổi. Giờ đây ở Hồng Thái nhiều hộ không còn thiếu ăn, thiếu mặc mà còn làm giàu. Năm 2020, xã Hồng Thái về đích nông thôn mới.

Chị Lý Thị Kiều, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái cho biết, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, người nông dân như chị được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức khoa học kỹ thuật, biết kết nối thị trường và có thu nhập từ sản phẩm nông sản làm ra. Ngoài chè, lê, người dân Hồng Thái đã biết trồng ra theo vùng quy hoạch để bán cho các nhà hàng, siêu thị lớn. Riêng gia đình chị bắt đầu trồng bí thơm từ năm 2017, với hơn 1ha. Chăm chỉ lao động, gia đình chị thu hoạch 10 - 20 tấn bí, thu về 200 triệu đồng/năm.

Nhiều bản làng ở vùng cao của tỉnh Tuyên Quang cũng đã có đường bê tông kiên cố. Ảnh: Đồng Thưởng.

Nhiều bản làng ở vùng cao của tỉnh Tuyên Quang cũng đã có đường bê tông kiên cố. Ảnh: Đồng Thưởng.

Giống như xã Hồng Thái, phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp tỉnh Tuyên Quang hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; hình thành nhiều nông sản có thương hiệu và hàng nghìn nông dân triệu phú.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 62 sản phẩm 3 sao. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tốt theo hướng hàng hóa, nhiều xã như xã Xuân Vân, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn mỗi năm thu về hơn 100 tỷ tiền bưởi; xã Thái Bình, huyện Yên Sơn thu về 80 tỷ tiền nhãn; vùng cam Hàm Yên có diện tích hơn 7.000ha, trong đó 56ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 18,6ha đạt chuẩn hữu cơ chuyển đổi...

Gia đình bà Lộc Thị Trọng, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn có hơn 100 gốc bưởi Soi Hà. Những cây bưởi trong vườn nhà bà đều có tuổi từ 20 năm trở lên. Bà Trọng cho biết, trước đây người dân trong xã chỉ trồng bưởi để ăn chơi. Đến vụ ăn không hết thì biếu hàng xóm, láng giềng. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, tư duy người nông dân nhạy bén hơn, biết kết nối thị trường; biết dán tem truy xuất hàng hóa cho nông sản. Nhiều hộ còn biết lập các trang facebook để bán hàng online khá hiệu quả. Riêng gia đình bà, nhờ bưởi có thương hiệu mà mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ thay đổi về tư duy sản xuất, phong trào nông thôn mới giúp người dân Tuyên Quang chung sức xây dựng công trình cộng đồng. Bởi thế đã có hàng nghìn hộ hiến đất xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, trường học, đường giao thông...

Nhà văn hóa thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày được người dân xã Năng Khả, huyện Na Hang chung sức xây dựng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Nhà văn hóa thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày được người dân xã Năng Khả, huyện Na Hang chung sức xây dựng. Ảnh: Đồng Thưởng.

Thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn có 148 hộ dân sinh sống. Trước đây những con đường ra cánh đồng thôn là đường đất nên việc triển khai sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, từ năm 2016 đến nay, toàn thôn đã đóng góp hơn 480 triệu đồng, làm được 1.274m đường giao thông nội đồng.

Bà Hoàng Thị Bích Thìn, Trưởng thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn cho biết, giờ thì đường bê tông nối liền đến tận cuối các xứ đồng nên bà con không còn lo lắng việc vận chuyển nông sản. Kể cả ngày mưa xe ô tô tải vẫn chạy bon bon trên con đường nội đồng mà không sợ bị sa lầy bởi bùn đất.

Tính đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 45/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 37,9%, vượt so với mục tiêu đề ra là 30% và vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao đối với khu vực miền núi phía Bắc là 28% số xã. Tỉnh cũng có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiêu chí bình quân nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,08 tiêu chí/xã, tăng 12,28 tiêu chí so với năm 2010, vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao đối với khu vực miền núi phía Bắc là 13,8 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.