| Hotline: 0983.970.780

Nông trường cói thành thủ phủ cá trắm đen lớn nhất miền Bắc

Thứ Hai 06/11/2023 , 19:07 (GMT+7)

Thu hoạch trên 2.000 tấn cá trắm đen/năm, Bạch Long là nơi cung cấp cá trắm đen thương phẩm lớn nhất miền Bắc, đảm bảo thu nhập cho 170 hộ nhận khoán 142ha mặt nước.

Thu hoạch cá trắm đen tại Nông trường cói Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ảnh: Kiên Trung.

Thu hoạch cá trắm đen tại Nông trường cói Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ảnh: Kiên Trung.

Nông trường cói chuyển hướng nuôi trồng thủy sản

Thành lập năm 1971 - thời kỳ các mô hình hợp tác xã, nông trường đang nở rộ ở miền Bắc, Nông trường Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là đơn vị chuyên canh cây cói. Trong một thời gian dài, nông trường cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề làm chiếu cói ở Nam Định, Thái Bình…

Tuy nhiên, theo biến động của cơ chế thị trường, nghề truyền thống dệt chiếu cói ngày càng teo tóp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Nông trường Bạch Long chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản từ việc chuyển đổi diện tích trồng cói thành các ao, đầm nuôi cá nước ngọt.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Nông trường cói Bạch Long, cho biết, sau khi chuyển đổi từ trồng cói sang nuôi cá nước ngọt, các xã viên được đảm bảo đời sống, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây cói.

Ao nuôi cá trắm đen được đầu tư xây dựng bài bản tại xã Bạch Long. Ảnh: Kiên Trung.

Ao nuôi cá trắm đen được đầu tư xây dựng bài bản tại xã Bạch Long. Ảnh: Kiên Trung.

Hiện Bạch Long có khoảng 170 hộ dân nhận khoán 142 ha ao cá quy mô lớn cung cấp hơn 2.000 tấn cá thương phẩm mỗi năm.

“Chúng tôi xác định ngành nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất chính của đơn vị. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện là 129,2ha/142,6ha đất nông nghiệp, trong đó thủy sản mặt 27,6ha, thủy sản ngọt 101,6ha. Hằng năm, nông trường mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi xen tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt không sử dụng chất kháng sinh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi hec-ta canh tác khi nuôi xen tôm tăng hiệu quả kinh tế lên từ 50 - 60 triệu đồng", ông Khanh cho hay.

Qua thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật, nuôi, chuyển đổi cói năng suất thấp sang nuôi trồng thủy hải sản (tôm, cua, cá chép, cá trắm đen, trắm cỏ và chăn nuôi, bò, gà…) trong đó cá trắm đen là vật nuôi chủ lực, doanh thu đạt 400 - 450 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập của người nuôi trồng thủy sản đạt 150 - 200 triệu đồng/ha.

“Khi chuyển đổi mô hình từ cói sang cá, nông trường tạo mọi điều kiện để các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển. Các hộ nuôi phải tuân thủ quy định cấm thải nước thải ra sông tưới, các đầu kênh vùng mặn đều phải đắp để đảm bảo an toàn. Các hộ có nhu cầu lấy nước ngọt vào vùng mặn phải báo trước 2 ngày đội trưởng. Các hộ làm lán trại để bờ ra 5m, không được tự ý be bờ đắp đập qua sông cấp 2 và cấp 3; cấm chăn thả trâu, bò, gà, thải nước chưa qua xử lý ra vùng sản xuất chung”, ông Khanh cho hay.

Vựa trắm đen lớn nhất miền Bắc

Nhiều năm qua, Bạch Long đang trở thành đầu mối cung cấp cá trắm đen lớn nhất miền Bắc. Mỗi năm, hàng ngàn tấn cá được cung cấp từ nơi đây. Các hộ dân đang chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật để nuôi cá nước ngọt quy mô lớn.

Thu hoạch cá trắm đen tại ao nuôi của gia đình ông Vũ Văn Thiện. Ảnh: Kiên Trung.

Thu hoạch cá trắm đen tại ao nuôi của gia đình ông Vũ Văn Thiện. Ảnh: Kiên Trung.

Mới đây, hộ gia đình ông Vũ Văn Thiện tiến hành thu hoạch 7.000m2 ao thả cá trắm đen (trọng lượng 7 kg/con) sau gần 2 năm nuôi thả. Tổng diện tích ao nuôi mà gia đình ông Thiện nhận khoán là 1,4ha. Giá cá trắm đen hiện tại  khoảng 70 ngàn đồng/kg. Cá đạt kích cỡ đạt từ 7kg trở lên, cứ 200gr sẽ tăng mức giá 1 ngàn đồng.

“Bạch Long cung cấp cá trắm đen thương phẩm cho toàn miền Bắc. Các hồ, ao nuôi cá trưởng thành mua về để kinh doanh dịch vụ, vỗ cá trọng lượng cao hay các nhà hàng cung cấp cá cho người tiêu dùng. Do các ao được nuôi gối vụ nên tuần nào, ngày nào cũng có hộ thu hoạch cá, đảm bảo cung ứng cá được thông suốt, liên tục”, ông Thiện cho biết.

Từ năm 2010, tại nông trường xuất hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sau đó nở rộ và phát triển quy mô lớn. Do diện tích ao nuôi cá đã hết hợp đồng giao khoán từ 31/12/2020, Bạch Long đang làm tờ trình báo cáo với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xin chủ trương tiếp tục cho các hộ nhận khoán được tiếp tục ký hợp đồng, yêu cầu các hộ giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất tiếp tục tổ chức sản xuất, không để đất đai hoang hóa.

"Theo kế hoạch, Nông trường cói Bạch Long đang đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa để ổn định sản xuất cho người lao động. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của UBND tỉnh để tiến hành chuyển đổi mô hình, lấy nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là con cá trắm đen làm vật nuôi chủ lực", ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Nông trường cói Bạch Long chia sẻ.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.