| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt làng chài tỷ phú

Thứ Hai 20/08/2012 , 10:36 (GMT+7)

Đẹp chẳng thua gì vịnh Hạ Long, đó là vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Không chỉ sở hữu cảnh tiên nơi trần thế, thiên nhiên còn ban tặng Lan Hạ những loài hải sản nức tiếng như cá song, tu hài, ốc vú nàng… Lang thang trên vịnh này cũng lắm chuyện vui buồn.

Đẹp chẳng thua gì vịnh Hạ Long, đó là vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Không chỉ sở hữu cảnh tiên nơi trần thế, thiên nhiên còn ban tặng Lan Hạ những loài hải sản nức tiếng như cá song, tu hài, ốc vú nàng… Lang thang trên vịnh này cũng lắm chuyện vui buồn.

Nước mắt làng chài tỷ phú

Đã có lúc, vịnh Lan Hạ đông đúc chẳng kém gì phố thị. Những làng nổi nuôi tu hài mọc lên biến không ít dân chài thành tỷ phú. Vậy mà bây giờ, đi qua những làng chài ấy, chỉ còn những giọt nước mắt oán than.

Hôm trước đại gia, hôm sau chúa Chổm

Vịnh Lan Hạ trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Một vùng vịnh rất đẹp và yên bình, với khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ. Nơi từng được ví von là “thiếu nữ xinh đẹp” bị lãng quên bởi việc nằm cạnh một “công chúa” vịnh Hạ Long đã quá nổi tiếng. Khoảng dăm năm trước, Lan Hạ được đánh thức và náo nhiệt hẳn bởi tu hài, loài hải sản được khẳng định là rất bổ dưỡng cho đàn ông.

Nghề nuôi tu hài được phổ biến ở Lan Hạ từ một xóm chài được hình thành theo kiểu tự phát. Đó là một cuộc đổ bộ của những người làm nghề nuôi trồng thủy sản, những người ôm mộng giàu hơn nữa từ nghề nuôi tu hài đang phất lên như diều gặp gió. Người thâm niên làm nghề biển có, các doanh nghiệp trên bờ có, thậm chí có nhiều người làm cán bộ Nhà nước cũng dồn vốn liếng tích cóp được để thua đủ với tu hài Lan Hạ.

Đại gia đầu tư lớn nhất ở làng chài này nghe đâu là một ông "quan" to làm ở huyện Cát Hải. Tổng số tiền mà mỗi vụ ông này đầu tư bao giờ cũng tính bằng tiền tỷ. Thời điểm đó nhiều người bảo, làng chài vịnh Lan Hạ chính là nơi tập trung nhiều đại gia nhất trên quần đảo Cát Bà. Cả làng có khoảng 300 bè nổi nuôi tu hài, chia đều cho 300 ông chủ. Nếu tính bình quân một chủ bè đầu tư mỗi vụ tu hài một tỷ đồng, thì hàng năm có khoảng 300 tỷ đồng đổ xuống vịnh để cầu may.


Đìu hiu làng chài Lan Hạ

Vào những vụ thu hoạch tu hài, bóng tối không bao giờ xuất hiện ở làng chài Lan Hạ. Ban đêm, ánh điện sáng trưng, tàu xuồng tấp nập, lúc nào cũng như trẩy hội. 300 chủ bè nuôi, ông nào ông nấy nhà cao tầng, ô tô xịn, tiền bạc lúc nào cũng xách cả va ly bên người.

Nhưng đó là chuyện của vài ba năm trước, còn bây giờ, làng chài Lan Hạ đìu hiu lắm. Lồng giỏ nuôi tu hài xếp chồng chồng lớp lớp trên những bè nổi không một bóng người. Hàng triệu khay lồ nuôi tu hài của làng chài Lan Hạ giờ nằm chỏng chơ, trơ trọi. Nhiều khay lồ mới được kéo lên, tu hài chết còng vảng vất mùi khăn khẳn. Theo ước tính, có tới gần trăm bè nuôi có vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, khoảng 70 bè nuôi nhỏ hơn đầu tư từ hơn 500 triệu đồng. Nếu tính thiệt hại, ít nhất là 100 tỷ. Vì vậy, chỉ sau có một vụ, không ít chủ bè đã đề biển "cần bán gấp" vì không gượng dậy nổi.

Lái xuồng đưa tôi đi một vòng quanh vịnh, Đinh Khắc Trung, một trong những đại gia nuôi tu hài có số có má ở xứ này phân trần: “Sạt nghiệp hết cả rồi. Nuôi nhiều chết nhiều, nuôi ít chết ít, càng đại gia thì càng chết. Nhiều người đã bỏ xứ đi”.

Quê Trung ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng). Đó cũng là quê của 80% chủ bè nuôi tu hài ở làng chài tỷ phú Lan Hạ. Ba năm trước, Trung bỏ dở nghề nuôi cá lồng, theo đám người lắm tiền nhiều của cùng quê ra đầu tư nuôi tu hài ở Lan Hạ. Lúc đó làng chài này chỉ mới xấp xỉ khoảng 100 bè. Nghe người ta rủ thì đi, thấy người ta giàu thì thử chứ Trung cũng chẳng có kinh nghiệm gì.

Vậy mà vụ đầu tiên lãi lớn. Đầu tư thả 10 vạn giống, chỉ trong vòng mấy tháng đã thu về 500 triệu đồng. Trừ đi tất cả chi phí, vốn liếng, ông chủ mới này lãi ròng 200 triệu. Đó cũng là vụ mà cả làng chài Lan Hạ nhà nào cũng trúng tu hài. Khỏi phải nói sự sung sướng của những tỷ phú nơi này.


Đại gia Đinh Khắc Trung bên diện tích nuôi tu hài chết trắng

“Bè nào lem nhem nhất cũng được cả trăm triệu tiền lời. Thương lái chở cả ô tô tiền về trả cho các đại gia làng chài Lan Hạ. Ai cũng cũng nghĩ rằng họ sẽ giàu đến đâu, tiêu tiền như thế nào chứ chẳng mảy may tính đến chuyện rủi ro”, Trung kể.

Vụ tiếp theo, số bè tăng lên gấp đôi, rồi gấp ba. Không ai bảo ai, nhà nào cũng dồn hết gia sản, kiểu đánh bạc tất tay với tu hài Lan Hạ. Lại trúng tiếp. Nhưng cái nghề nuôi tu hài cũng giống như trò may rủi, khi cơn say tiền bạc đã ngấm rồi thì chẳng cách dừng lại được. Cho đến vụ năm nay thì tay trắng hết.

Đầu năm, gia đình Trung thế chấp hết tài sản, vay ngân hàng 800 triệu và vay ngoài thêm 400 triệu nữa để nuôi tu hài. Thậm chí có lúc vị đại gia trẻ tuổi này chấp nhận vay nóng với lãi suất cắt cổ. Tất cả đổ xuống 40 mảng bè nuôi với gần 20 vạn giống tu hài. Nếu thắng, Trung sẽ dành ra vài tỷ mua nhà Hà Nội rồi chuyển đứa đầu lên đây học cấp ba trước để sau này đi đại học cho tiện.

Vậy mà: “Mất hết, không còn một con nào. 300 bè nuôi thì 300 bè chết. Tự nhiên dịch bệnh đổ về, lây lan nhanh kinh khủng, không ai kiểm soát nổi. Mất hết tài sản đã đành, giờ lại còn gánh thêm khoản nợ hơn một tỷ đồng nữa. Đại gia giờ thành đại nợ, thành chúa Chổm hết rồi”.

Chẳng còn "máng lợn" để về

Sự phá sản của các địa gia làng chài Lan Hạ không chỉ đẩy nhiều ông chủ bỏ xứ mà còn cuốn hàng trăm hộ dân bám biển vào vòng vây của nợ nần.


Vỡ mộng làm giàu vì tu hài dịch bệnh

Tu hài chết hàng loạt, người nuôi lao đao, nhưng điều đáng nói là đến nay, họ cũng không biết vì sao tu hài lại chết. Cách đây khoảng sáu, bảy tháng, tu hài bắt đầu chết rải rác, sau đó lan nhanh trên diện rộng. Việc phát triển bè nuôi một cách tự phát, kèm theo đó là rác thải sinh hoạt, các nhà vệ sinh trên bè, dư lượng thức ăn của các bè nuôi cá... đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong vùng vịnh Lan Hạ gia tăng.

Cùng với đó là con giống tu hài và nhiều giống thủy sản khác không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng và dịch bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi tu hài cũng không được hướng dẫn thấu đáo... được xem là những nguyên nhân dẫn đến việc làng chài Lan Hạ rơi vào thảm kịch. Chưa hết, nghe đâu chính quyền huyện Cát Hải đang có ý định rà soát lại rồi chuyển hết các hộ nuôi tu hài sang nơi khác. Nếu thế, thảm kịch có lẽ còn nặng nề hơn nữa.

Ngồi thẫn thờ trên bè gần cửa vụng Tùng Gấu, mắt nhìn ra vịnh xa xăm, buồn bã, nước mắt ngân ngấn của ông Nguyễn Văn Hường, 65 tuổi, ở xã đảo Việt Hải (Cát Hải) lúc nào cũng như muốn trào ra. Gắn bó với nghề biển nơi đây từ năm 1990, lúc đầu thì chài lưới, rồi chuyển nuôi cá lồng từ năm 2001. Nếu chỉ bằng lòng với cảnh sớm hôm chài lưới ấy có lẽ giờ này gia đình ông không phải quay quắt trong cảnh nợ nần.

 

Khi phong trào nuôi tu hài phát triển mạnh, vợ chồng ông dành hết số tiền kiếm được để đầu tư 400 triệu đồng mua gỗ, phao, dây, khay lồ và con giống nuôi gần 4.000 khay lồ tu hài. Năm sau lại đầu tư tiếp 600 triệu đồng nuôi tu hài, thu về gần một tỷ đồng. Số vốn này, ông lại đầu tư tiếp 10 nghìn khay lồ nuôi tu hài với hy vọng thu về ít nhất là 3 tỷ đồng trong năm nay. Con giống tu hài được ươm nuôi trong các khay lồ bằng nhựa, chứa cát. Mỗi khay lồ được ươm từ 25 đến 35 tu hài giống. Các khay lồ thả trong nước biển và có dây buộc neo với bè nổi trên vịnh bằng các cục xốp lớn.

Tất cả các công đoạn đều được gia đình ông tỷ mỉ làm. Giấc mơ đổi đời từ dân chài thành tỷ phú tưởng như gần lắm. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu kế hoạch vạch ra khi viễn cảnh giàu sang đã cận kề. Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, tu hài chưa kịp xuất bán đã đổ bệnh, chết hàng loạt.

Trắng tay, nợ nần khiến ông Hường ốm bệt cả tháng trời, tưởng không qua nổi. Ngôi nhà ở quê mới xây xong phần móng mà vợ chồng ông dự định hoàn tất để nghỉ lúc tuổi già đành gác lại. Có khi ông bà phải bán để trả số nợ mấy trăm triệu đồng đã vay. Từ một ông chủ lắm tiền, giờ ông Hường trông thật thảm. Ngày ngày ông chèo ghe đi săn cùm cùm. Nếu cố làm cũng được khoảng 2kg, đem bán lấy tiền đong gạo thì vừa đủ.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil

Chiều 16/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Rio de Janeiro, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.