| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch về vùng cao Đà Bắc

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:44 (GMT+7)

Sung sướng là cảm giác của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống ở 3 xã Tu Lý, Hào Lý, Hiền Lương (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) khi có công trình nước sạch.

08-24-04_nh
Người dân xã Hào Lý vui mừng khi được sử dụng nước sạch.

Nhiều năm trước, người dân xã Hào Lý luôn trong tình trạng không có nước sạch để dùng, buộc phải sử dụng nguồn nước giếng khoan đã bị nhiễm đá vôi.

Ông Đinh Văn Kín (thôn Tân Lý, xã Hào Lý) khoe, còn gì sung sướng hơn khi nước sạch đã về tới tận ngõ, tận nhà. Giờ, chỉ việc vặn vòi là có nước sạch để dùng, không phải lo lắng, suy nghĩ gì nữa. Yên tâm rồi.

Chỉ tay vào giếng nước ngoài đầu ngõ đã bỏ hoang nhiều tháng nay, ông Kín bảo, trước đây khi chưa có nước sạch, gia đình ông vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để phục vụ ăn uống, tắm rửa, dẫu biết rằng nguồn nước này đã bị nhiễm đá vôi, vị chua chua, mùi hơi ngai ngái, rất ảnh hưởng đến sức khỏe.

Năm 2016, công trình nước sạch triển khai thi công trên địa bàn, ông đã tiên phong đi đầu đăng ký với đơn vị thi công để được đấu nối nước sạch. Và, kêu gọi bà con trong thôn, xóm tham gia đóng góp tiền, kéo đường ống, lắp đặt đồ để được sử dụng nước từ công trình.

“Nhẩm tính, vợ chồng tôi sử dụng hết khoảng 10m3 nước sạch/tháng. Với giá mua là 4.300 đồng/m3, mỗi tháng gia đình chỉ mất hơn 40.000 đồng. Số tiền cũng không quá lớn, tội gì không dùng nước sạch”, ông Kín thổ lộ.

Rời khỏi nhà ông Kín, tôi ghé thăm nhà anh Đinh Văn Thế. Anh Thế bảo, gia đình anh dùng nước sạch đã được một thời gian. Nguồn nước đảm bảo, không có cặn bã, khi đun sôi lên để pha trà uống rất ngon.

“Được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, mọi sinh hoạt trong gia đình tiện lợi hơn, sức khỏe được cải thiện đáng kể, không còn phải lo bệnh ngoài da. Và, cũng không phải lo sợ việc phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm nữa”, anh Thế phấn khởi.

Ông Xa Văn Binh, Trưởng thôn Tân Lý (xã Hòa Lý) cho biết, toàn thôn có 112 hộ, 461 nhân khẩu. Trước đây, các hộ dân trong thôn chủ yếu là sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt nên không đảm bảo về sức khỏe.

Khi biết tin sắp có nước sạch để dùng, bà con vui lắm. Ai cũng phấn khởi. Chỉ sau vài ngày tuyên truyền về việc đăng ký đấu nối, lắp đặt đường ống, người dân trong thôn đã thôn ủng hộ gần 100%.

Dẫn chúng tôi đi tham quan công trình nước sạch nằm tít trên đỉnh đồi, anh Quách Mạnh Hùng, phụ trách công trình chia sẻ, công trình đi vào hoạt động từ năm 2016 với công suất 600m3/ngày đêm, phục vụ cho 1.400 hộ dân thuộc 3 xã Tu Lý, Hào Lý, Hiền Lương.

Từ khi công trình nước sạch đi vào hoạt động, chưa xảy ra sự cố gì, nguồn nước đảm bảo, hợp vệ sinh. Bà con sử dụng nước cảm thấy yên tâm, không còn lo ngại về sức khỏe, bệnh ngoài da.

Phó Chủ tịch UBND xã Hào Lý, ông Quách Công Khang tâm sự, năm 2016, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Hòa Bình triển khai nâng cấp, xây lắp công trình nước sạch tại xã Tu Lý đã đem đến tín hiệu vui, phấn khởi cho bà con người dân xã Hào Lý.

Bà con thi nhau đăng ký đấu nối đường ống, lắp đồng hồ nước để sớm được sử dụng nguồn nước sạch, phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Hiện, tất cả các thôn, xóm trong xã đã có nước sạch để dùng.

“Nước sạch được dẫn vào tận nhà. Người dân chỉ việc mở khóa là có ngay nước để sử dụng. Từ ngày có nước sạch, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân được bảo đảm, vệ sinh hơn. Đời sống người dân được nâng cao, tinh thần thoải mái…”, ông Khang bộc bạch.

Theo ông Khang, nước sạch là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân. Và, đây cũng là một tiêu chí quan trọng, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của xã. Hiện, toàn xã đạt hơn 90% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh.

Theo ông Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc, các chương trình, dự án đã cung cấp cho vùng nghèo trên địa bàn huyện có công trình nước sạch nhỏ lẻ, đảm bảo sinh hoạt cho bà con. Hiện tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của huyện đạt trên 80%.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm