| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò thắng lớn

Thứ Năm 19/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Thời gian qua, ở Bình Định, người nuôi heo thì bị “vùi dập” bởi dịch tả lợn châu Phi, người nuôi gà thì khốn đốn bởi giá cả tuột dốc, riêng người nuôi bò thì vẫn rất phấn khởi.

Người nuôi bò ở Bình Định đang thắng lớn.

Bởi con bò không bị dịch bệnh, giá bán luôn bình ổn nên nông dân tỉnh này đang phát triển mạnh nghề nuôi bò. Ngày 20/12 tới, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ thông qua phương án xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lương cao Bình Định”.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện tổng đàn bò tỉnh này có gần 300.000 con.

“Ngành chức năng tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, kết quả cho rất khả quan. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, tổng số bò được phối giống trên 63.000 con, đạt 88,5% so kế hoạch; tổng số bê lai được sinh ra trên 49.200 con, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trước bối cảnh chăn nuôi heo và gà không ổn định, ngành chăn nuôi bò ở Bình Định phát triển mạnh mẽ”, ông Hổ cho hay.

Nông dân Bình Định hiện đang nuôi bò bằng nhiều cách: Nuôi bò sinh sản đẻ ra bê con để lại nuôi tất, đến kỳ hạn bán thịt; hoặc mua bò gầy từ những vùng miền núi về nuôi vỗ béo, vài ba tháng sau bán bò thịt. Kiểu nuôi nào cũng cho lãi rất cao.

Anh Nguyễn Văn Đức, 1 người có thâm niên trong nghề nuôi bò ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), bộc bạch: “Nuôi bò không tốn chi phí thức ăn nhiều như nuôi gà, vịt hoặc heo. Bởi thức ăn cho bò có thể tận dụng từ những phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Hơn nữa, nếu nuôi gà, vịt, heo, đến thời điểm xuất chuồng mà gặp phải lúc giá cả xuống thấp thì người nuôi cũng phải “bấm bụng” bán chứ không thể kéo dài thời gian nuôi, dù phải chịu lỗ.

Nhưng với con bò thì không cần phải vậy, gặp thời điểm bò ế, cứ để nuôi, bò nuôi càng to ký khi bán càng “to tiền”. Nếu nuôi bò cái thì cứ để sinh sản, đẻ thêm bê con thì cũng không có gì phải lo, vì chi phí thức ăn cho chúng chẳng đáng là mấy, chẳng ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình. Đến lúc bò tăng giá thì người nuôi trúng, mặc sức đếm tiền”.

Cũng ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), nghề nuôi bò ở thôn Nhơn Nghĩa Đông phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây. Hiện có 170/250 hộ nông dân trong thôn nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản với các giống bò lai Branman, Red Angus, BBB.

Ông Bùi Văn Bằng, trưởng thôn Nhơn Nghĩa Đông, cho biết: “Bà con nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò qua các lớp tập huấn do xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức, nên mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò lai. Hiện người dân trong thôn nuôi tổng đàn bò lên đến trên 510 con, mỗi nhà nuôi vài ba con.

Bên cạnh nguồn cỏ tự nhiên và rơm rạ có sẵn sau thu hoạch lúa, các hộ có nấu rượu còn tận dụng hèm rượu cho bò ăn. Bò ăn hèm rượu ngủ suốt ngày nên nhanh lớn. Người dân còn trồng thêm cỏ voi, bắp, đậu, rau muống để kết hợp làm thức ăn hỗn hợp cho bò. Nhờ vậy, bò nuôi lớn rất nhanh”.

Cũng theo ông Bằng, hiện mỗi con bò nghé đực lai 6 - 7 tháng tuổi bán được 10 triệu đồng trở lên, riêng các giống bò BBB, Red Angus mới 3 tháng tuổi đã có giá hơn 14 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi ít nhất từ 3 - 4 triệu đồng/con. Các hộ nuôi bò trong thôn Nhơn Nghĩa Đông mỗi năm có thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/hộ.

17-02-05_2
Chợ mua bán bò được xây dựng tại thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn, Bình Định).
“Sở NN-PTNT Bình Định đã thuê 1 đơn vị tư vấn làm thương hiệu, ngày 20/12 tới ngành chức năng sẽ thông qua phương án quản lý, phát triển thương hiệu “Bò thịt Bình Định”. Bước đi này sẽ mở ra cho ngành chăn nuôi bò của Bình Định hướng phát triển bền vững”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Anh Phạm Văn Thái, người có thâm niên nuôi bò vỗ béo ở thôn này cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng xuất bán ít nhất 5 con bò. Mới đây, tôi bán 2 con bò 10 tháng tuổi được 32 triệu đồng. 2 con bò này trước đó tôi mua 8 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi được 8 triệu đồng/con.

Nghề nuôi bò vỗ béo của người dân càng có cơ hội phát triển mạnh hơn, khi tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng chợ mua bán bò tập trung, mới khai trương vào tháng 9 vừa qua tại thôn Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, địa bàn giáp ranh với thôn Nhơn Nghĩa Đông.”.

Trong xây dựng thương hiệu bò thịt và bò chất lượng cao Bình Định, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này xây dựng trên 2 giống bò Red Angus và BBB. Ban đầu sẽ xây dựng thương hiệu bò thịt và bò chất lượng cao tại 17 xã triển khai lai tạo giống bò thịt chất lượng cao ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn và TX An Nhơn, sau đó mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ yếu tố để được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể sản phẩm bò thịt và bò chất lượng cao Bình Định trong toàn quốc; bộ định dạng thương hiệu, gồm: Logo nhãn hiệu, slogan, tem nhãn, bao bì, tờ rơi; chiến lược kết nối kênh tiêu thụ thị trường và xây dựng, quảng bá thương hiệu bò thịt và bò chất lượng cao Bình Định; bộ tiêu chí đánh gía cải tiến thương hiệu hàng năm; báo cáo đánh giá hiện trạng SXKD bò thịt và bò chất lượng cao Bình Định theo chuỗi giá trị; lập thủ tục, hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể bò thịt và bò chất lượng cao Bình Định”, ông Hổ cho hay.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.