Phát huy lợi thế tự nhiên
Thôn Nà Đúc, xã Địa Linh, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) được bao bọc bởi những cánh đồng, triền đồi bạt ngàn. Dưới ruộng hoa bí, trên đồi hoa mơ, hoa mận nở trắng quanh năm.
Tận dụng lợi thế này, từ năm 1999, ông Hoàng Văn Dụng đã nuôi ong lấy mật. Khởi đầu chỉ một, hai thùng, đàn ong phát triển nhanh nhờ mùa nào cũng có hoa để hút mật.
Lúc đầu, sản phẩm mật ong của ông Dụng chỉ bán quanh quẩn trong xã, rồi tiếng lành đồn xa, mật ong chất lượng của ông dần bán ra nhiều địa phương khác, có lúc vươn ra các tỉnh lân cận. Nhưng lúc này, do chưa được đầu tư bài bản nên mật ong của ông Dụng chưa tạo được thương hiệu riêng.
Ông Dụng cho biết, vài năm gần đây, nghề nuôi ong mới thực sự được quan tâm khi ông tham gia tổ hợp tác và được tập huấn, hỗ trợ thùng nuôi ong, bao bì, nhãn mác. Đến nay, gia đình thường nuôi khoảng 30 thùng ong. Khi mùa xuân, hoa nở khắp nơi, gia đình tăng số lượng đàn. Nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với lợi thế đồi núi có nhiều loài hoa tự nhiên nên mật ong có màu vàng tươi, mùi thơm và vị thanh ngọt.
“Năm 2023, gia đình thu được hơn 100 lít mật, giá bán 300.000 đồng/lít, mang lại thu nhập hơn 30 triệu đồng. Nuôi ong không cần đầu tư nhiều vốn, công sức mà cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông.
Ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với tác động của ngoại cảnh như thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được để đàn ong khoẻ mạnh, cho năng suất cao, mật ong chất lượng tốt”, ông Dụng chia sẻ.
Chúng tôi đến Bản Váng (xã Địa Linh) những ngày cuối tháng 5, đang tỷ mẩn kiểm tra từng thùng ong, anh Liêu Văn Thắng cất tiếng chào chúng tôi. Từng thùng ong được anh sắp xếp ngăn nắp thành hàng thẳng tắp, phía trên thùng ong là giàn trồng bí thơm đang vào vụ thu hoạch.
“Mình phải làm thùng ong dưới dàn bí xanh có bóng mát, mùa hoa nở, ong dễ đi hút mật. Đàn ong trong tự nhiên thường làm tổ ở dưới tán lá rừng, khi mang về nuôi mình cũng phải tạo bóng mát ong mới phát triển tốt”, anh Thắng hồ hởi chia sẻ.
Cũng như nhiều gia đình ở xã Địa Linh, anh Thắng cũng là hộ nuôi ong có thâm niên, nhìn cách anh mở thùng lấy mật chúng tôi biết anh thạo nghề đến mức nào.
Anh Thắng bảo, trước đây mình cũng chỉ nuôi để chơi, mỗi năm được vài chục chai mật, một phần để gia đình dùng, còn lại bán cho bạn bè, người thân. Vài năm gần đây được dự án hỗ trợ, mình tham gia hợp tác xã và bắt đầu nuôi ong chuyên nghiệp hơn.
Hiện, gia đình duy trì thường xuyên khoảng 30 thùng ong, mùa hoa nở nhiều sẽ tăng thêm. Mật ong của mình nguyên chất, hoàn toàn tự nhiên nên ngày càng được khách hàng tin tưởng nhờ đó có thêm thu nhập giúp mình trang trải cuộc sống.
Nâng cao giá trị mật ong Địa Linh
Tại xã Địa Linh, người dân trồng bí xanh thơm với diện tích lớn, ngoài ra trên các triền đồi cũng có rất nhiều người trồng cây mơ, cây mận nên nguồn hoa cho ong hút mật rất dồi dào, quanh năm. Nhờ đó, nghề nuôi ong ở Địa Linh đã có từ lâu, các hộ chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, sản phẩm ít, chưa tạo được thương hiệu riêng.
Là người gắn bó với nghề nuôi ong từ khá sớm, anh Hoàng Văn Thứ luôn trăn trở làm sao để mật ong ở Địa Linh tạo được dấu ấn, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người nuôi.
Theo anh Thứ, nuôi ong lấy mật vốn không còn là nghề xa lạ với nhiều người tại xã Địa Linh, nhưng các hộ nuôi riêng lẻ, mạnh ai nấy làm chưa có nhóm cùng sở thích, chưa liên kết cùng nhau xây dựng thương hiệu, do đó giá bán còn thấp, sản lượng chưa nhiều.
Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm tổng hợp Địa Linh được thành lập, người nuôi ong ở 5 thôn trong xã đã cùng nhau phát triển nghề nuôi ong lên tầm cao mới.
Tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong theo đúng quy trình, từ cách nuôi đến việc khai thác mật làm sao đạt hiệu quả, chất lượng mật ong tốt nhất.
Anh Hoàng Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh cho biết, ban đầu HTX vận động những hộ nuôi ong có kinh nghiệp truyền dạy kiến thức cho các hộ mới nuôi. Ban lãnh đạo HTX nghiên cứu thị trường, thiết kế bao bì, mẫu mã, quảng bá sản phẩm. Sau một thời gian, tổ nuôi ong của HTX đã có gần 20 hộ tham gia với hơn 300 thùng ong.
“Năm 2024, Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) tiếp tục hỗ trợ tổ hợp tác mua thêm thùng ong để phát triển số lượng đàn, hướng dẫn các nông hộ làm bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn hiện hành để tiếp cận thị trường. HTX phấn đấu sản phẩm mật ong đáp ứng các tiêu chí để được công nhận trở sản phẩm OCOP trong năm nay”, anh Thứ cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Nhung (du khách Hà Nội) sau khi tham quan, sử dụng mật ong của HTX đánh giá: mật ong ở đây có màu vàng nhạt, không ngọt gắt như các loại mật khác, đặc biệt là không bị ngả màu hay đóng đường.
Sau khi mình đi trải nghiệm thấy mật ong nuôi hoàn toàn tự nhiên, phụ thuộc vào nguồn hoa trong tự nhiên nên chất lượng rất tốt. Tuy nhiên sản phẩm của HTX chưa đa dạng, chỉ mới có dạng đóng chai, chưa có nhiều các sản phẩm chế biến từ mật ong.
Theo những người nuôi ong có kinh nghiệm ở xã Địa Linh, sở dĩ sản phẩm mật ong ở đây chất lượng tốt là nhờ nguồn hoa tự nhiên dồi dào. Bây giờ được tập huấn nên quy trình nuôi, lấy mật đã hoàn thiện hơn trước, chất lượng mật ong của các hộ tham gia HTX khá đồng đều. Khi chất lượng mật ong đồng đều thì mới có thể xây dựng được thương hiệu chung.
Theo ông Hoàng Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bể, mô hình nuôi ong của HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh bước đầu cho kết quả tốt, HTX đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu riêng, các thành viên đã nhận thấy trách nhiệm duy trì chất lượng mật ong, không pha tạp làm mất thương hiệu. Nghề nuôi mật ong ở Địa Linh tạo ra thu nhập ổn định cho hội viên, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh cho biết, HTX đã gửi mẫu sản phẩm mật ong rừng đi kiểm nghiệp chất lượng, sau khi có kết quả sẽ bắt đầu tiếp thị để tiêu thụ trong các siêu thị và trên các nền tảng mua sắm trực tuyến.
“Khó khăn hiện nay là HTX còn yếu khi thực hiện quy trình thủ tục để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, việc thiết kế bao bì nhãn mác cũng chưa có kinh nghiệm nên phải thuê, ngoài ra HTX cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng mô hình, đa dạng sản phẩm”, anh Thứ chia sẻ.
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ba Bể tiếp tục phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đồng hành cùng hội viên trong xây dựng nhãn mác, bao bì và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Chúng tôi cũng sẽ nhân rộng mô hình nuôi ong ra nhiều nơi khác trên địa bàn huyện để khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương”, ông Hoàng Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bể chia sẻ.