Ông Đỗ Biên Nhất, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, vào năm 2018, thông qua sách báo và các phương tiện thông tin, ông và một số người bạn vô tình xem được một số mô hình nuôi tảo xoắn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đi sâu vào tìm hiểu và nhận thấy những tác dụng tuyệt vời mà loại tảo xoắn mang lại cùng với môi trường sống của giống tảo này phù hợp với điều kiện ở địa phương nên cả nhóm ông Nhất thêm phần hứng thú. Đến đầu năm 2019, ông Nhất cùng với một số người bạn quyết định ra tỉnh Nghệ An để tham quan, học hỏi những kỹ thuật nuôi tảo xoắn ở các mô hình tại tỉnh này.
Sau gần 1 năm tìm tòi, học hỏi, khi đã có trong tay kha khá kinh nghiệm, cuối năm 2019, ông Nhất quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường để khởi nghiệp với mô hình nuôi tảo xoắn. Theo ông Nhất, trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, HTX rất chú trọng đến nguồn giống. Đây là yếu tố quyết định đến thành bại. Nếu giống tốt, sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, thị trường sẽ ưa chuộng và dễ tiêu thụ hơn.
Hiện, nguồn giống tảo xoắn đang được nuôi và sản xuất tại HTX là giống được nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Đà Nẵng phân tích, chọn lọc từ 40 loại giống tảo xoắn được thu thập từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là loại tảo xoắn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, có tác dụng hiệu quả trong việc chống lão hóa, trị nhiều bệnh, tốt cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.
“Mô hình nuôi tảo xoắn của HTX chúng tôi đang thực hiện trong 3 bể chứa lớn có dung tích mỗi bể 18.000m3 trên diện tích 5ha. Toàn bộ quy trình từ lúc nuôi đến khi thu hoạch đều thực hiện khép kín, đảm bảo vệ sinh cũng như giữ được chất lượng của tảo. Cùng với đó, điểm quan trọng nữa là nguồn nước chúng tôi đang sử dụng được lấy từ mạch nước ngầm đá ong nên chất lượng nước rất tốt, tảo phát triển nhanh”, ông Nhất chia sẻ.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đợt nuôi đầu tiên của HTX đã mang lại thành công như mong đợi. Trung bình tảo xoắn được thu hoạch sau 1 tháng nuôi và được chia làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 5 đến 10 ngày.
Ông Nhất bộc bạch, với diện tích nói trên, mỗi năm tảo xoắn đem lại doanh thu cho HTX khoảng 2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 1,4 tỷ đồng/năm. Ngoài ra đến nay, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường còn tạo việc làm cho 35 thanh niên địa phương. Trong đó, có 15 lao động thường xuyên và 20 lao động mùa vụ.
Những nỗ lực cũng như sự táo bạo của các thành viên trong HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà vừa qua, sản phẩm tảo xoắn của đơn vị này cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi. Đây chính là động lực để lãnh đạo, nhân viên của HTX tiếp tục phát triển mô hình theo hướng đa dạng hơn.
“Ngoài việc cung cấp tảo thô (bao gồm tảo tươi và tảo khô), chúng tôi cũng đang hướng đến việc chế biến ra các sản phẩm khác từ loại cây này như viên nhộng, thạch, trà, cốm, bột, bánh quy… để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, phù hợp với nhiều độ tuổi. Trong đó, năm 2020, HTX đã thành công trong việc cho ra đời sản phẩm cốm tảo. Ngoài ra, trong thời gian đến, chúng tôi cũng sẽ mở rộng quy mô sản xuất tảo xoắn lên 10ha để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến”, ông Nhất tâm sự.
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, mô hình nuôi tảo xoắn rất có triển vọng, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của huyện. Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu cũng như được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững hơn. Năm 2021, UBND huyện đã phân bổ 400 triệu đồng hỗ trợ kinh phí đối với 8 sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, hỗ trợ 49 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường phát triển sản phẩm bánh quy tảo xoắn.