| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm trái phép trong vườn nhà và những hệ lụy

Thứ Tư 06/11/2019 , 13:39 (GMT+7)

Chuyện đào ao nuôi tôm trong vườn nhà ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) xảy ra đã lâu, ngành chức năng đã lên tiếng cảnh báo.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Tiếng máy sục khí vang khắp làng

Điều bất thường ở các vùng nông thôn trên địa bàn xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định) là hầu hết các khu vườn đều có ao nuôi tôm nằm chen với cây cối, hoa màu. Rõ ràng đây không phải là vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, thế nhưng khắp các làng mạc, thôn xóm, đi đến đâu cũng nghe tiếng máy sục khí rền vang.

10-33-19_1
Ao nuôi tôm nối nhau chiếm hết đất vườn của nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thành. Ảnh: Đăng Lâm.

Hỏi ra thì biết, trước đây xã Mỹ Thành có quy hoạch vùng nuôi tôm khoảng 70ha ở vùng ven đầm hạ triều. Nhận thấy nghề nuôi tôm ăn nên làm ra, những người không có ao tôm trong vùng quy hoạch, bèn đào đất trong vườn nhà làm ao nuôi tôm cho “bằng bạn bằng bè”. Vậy là diện tích nuôi tôm tăng nóng từng năm, vượt xa diện tích đã quy hoạch, tập trung ở 3 thôn Hưng Lạc, Vĩnh Lợi và Hưng Tân.

Theo người dân xã Mỹ Thành, hoạt động nuôi tôm tự phát ở đây phát triển mạnh đã 10 năm nay. Chính quyền địa phương cũng đã có động thái ngăn chặn, nhưng thiếu kiên quyết. Người này làm được, người kia làm theo, cứ thế các vùng nông thôn ở xã Mỹ Thành mất dần những vườn cây xanh ngát, thay vào đó là những ao nuôi tôm với máy sục khí chạy cả ngày lẫn đêm tiếng vang inh ỏi khắp trời.

Theo ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, ao nuôi tôm không chỉ xuất hiện trong vườn nhà, mà còn trên những thửa đất trồng hoa màu. Tình trạng này bắt đầu manh nha từ năm 2011, thời điểm nghề nuôi tôm đang ăn nên làm ra, đến năm 2014 thì bùng phát mạnh.

“Nuôi tôm trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp không chỉ sai phạm mục đích sử dụng đất, mà còn làm phát sinh ô nhiễm môi trường. Bởi, đa phần ao nuôi tôm ở đây không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, nên nước thải đều xả thẳng ra đầm Đề Gi hoặc ngoài môi trường”, ông Vinh thẳng thắn.

10-33-19_2
Ao nuôi tôm nằm sát cạnh nhà ở của người dân. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, toàn xã Mỹ Thành hiện có khoảng 40ha ao, hồ nuôi tôm tự phát. Chính quyền xã Mỹ Thành dù biết, nhưng để ngăn chặn, xử lý thì gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, các hộ vi phạm chủ yếu đào ao vào ban đêm, đến khi chính quyền địa phương phát hiện thì người dân đã làm xong ao, hồ. 

Ô nhiễm bủa vây

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những ao tôm tự phát đào trong vườn nhà và trên đất nông nghiệp như hiện nay là hoàn toàn không phù hợp, vì nằm về phía cao triều, khó lấy nước mặn, cũng không có đường thoát cho nước thải.

Làm phép tính đơn giản, mỗi năm người nuôi tôm ở đây có 3 vụ nuôi. Cứ xong 1 vụ nuôi là phải làm vệ sinh ao hồ 1 lần. Trong khi người nuôi tôm tự phát không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hầu hết đặt ống xả thẳng xuống đầm, xuống biển thậm chí xả ra quanh vườn nhà. Sự thể này đã khiến môi trường xung quanh ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Khi nguồn nước mặn được dùng để nuôi tôm đã bị ô nhiễm thì tôm chẳng thể nào sống nổi. Chính vì vậy, những năm gần đây người nuôi tôm tự phát ở xã Mỹ Thành thua nhiều hơn được. Có nhiều chủ nuôi thua liền 2 – 3 vụ/năm. Một khi trong vùng có 1 ao tôm dính bệnh, chết, thì lập tức tôm trong nhiều ao khác bị lây lan chết theo. Bởi lẽ rất đơn giản, tôm chết nằm dưới đáy ao, chủ hộ nuôi lặn xuống đặt ống xả tôm chết ra biển. Rồi nước từ biển được dẫn về ao để nuôi tôm lứa tôm khác. Với quy trình ấy mà người nuôi tôm ở Mỹ Thành không thất bại mới lạ.

10-33-19_3
Ống dẫn nước thải từ những ao nuôi tôm xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Đăng Lâm.

Luật Thủy sản có hiệu lực ngày 1/1/2019 đã mở ra cho chính quyền xã Mỹ Thành hướng xử lý những trường hợp nuôi tôm tự phát trên địa bàn. Bởi theo quy định, những hộ nuôi tôm phải đăng ký và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép thì mới được thả nuôi.

“Căn cứ vào quy định của Luật Thủy sản, hiện nay địa phương đang rà soát, yêu cầu bà con đăng ký theo quy định và chỉ cho đăng ký diện tích đã nuôi trong vùng được quy hoạch. Các trường hợp nuôi trái phép sẽ xem xét, xử lý trong thời gian tới”, ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, kiên quyết.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm