Hiện, các tỉnh ĐBSCL đang chịu tác động của mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của các loại dịch bệnh trên vật nuôi. Tại tỉnh Trà Vinh, nơi tập trung đàn vật nuôi lớn của vùng đã gấp rút triển khai công tác tiêm phòng vacxin cúm cho hơn 1,3 triệu con gia cầm và vacxin lở mồm long móng cho gần 122.000 con gia súc. Việc tiêm phòng cũng được thực hiện đối với các dịch bệnh khác với hơn 1,7 triệu con.
Ghi nhận tại huyện Cầu Kè, địa phương có tổng đàn gia cầm tương đối lớn, bà con đã chuyển sang phương pháp nuôi vịt trên sàn để giảm khả năng lây lan bệnh. Phương pháp nuôi này giúp vịt ít tiếp xúc với phân và sử dụng phân để nuôi cá, còn nước dưới ao được sử dụng để tưới cây. Phương pháp nuôi vịt trên sàn không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp nông hộ giảm công lao động và hạn chế dịch bệnh khoảng 70%.
Bà Thạch Thị Sóc Khoi, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết, áp dụng phương pháp nuôi mới này bà thường rửa chuồng 2 lần mỗi ngày, nhằm hạn chế sự tiếp xúc của vịt với các loại sinh vật gây bệnh. Kết quả cho thấy, vịt tăng trưởng tốt, trong vòng 2 tháng có thể đạt trọng lượng khoảng 2,5 - 3kg mỗi con. Bà cũng rất an tâm về công tác phòng bệnh do có sự hướng dẫn định kỳ từ cán bộ thú y địa phương.
Đặc biệt, cán bộ thú y thường xuyên lấy mẫu và vận động các hộ nuôi tiêm phòng đúng quy định. Cụ thể, nhiều hộ đã tiêm phòng quy mô đàn từ 50 - 500 con gia cầm, đạt hơn 2.600 con và đàn từ 500 con trở lên đạt 132.000 con. Tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cũng đã được triển khai và đạt tỷ lệ khá cao nên không ghi nhận thêm ổ dịch mới.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, công tác kiểm soát vận chuyển gia cầm từ ngoại tỉnh hiện nay được triển khai chặt chẽ, đặc biệt là từ các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre... với số lượng xuất, nhập trên 75.000 con heo, gần 16.000 con trâu, bò với 280.000 tấn các loại gia cầm đã được kiểm tra. Nhờ kiểm soát tốt, hầu hết lượng gia cầm và gia súc được vận chuyển trong nội tỉnh, giúp giảm áp lực về dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập.
Đồng thời, công tác lấy mẫu giám sát lưu hành của virus gây bệnh ở gia cầm, gia súc đã đạt kết quả khả quan. Trong 6 tháng đầu năm các mẫu lấy từ đàn bò và gia cầm đều âm tính với virus viêm da nổi cục và lở mồm long móng. Công tác tuyên truyền của các thú y viên cơ sở đã đạt kết quả tích cực và việc thực hiện xã hội hóa trong tiêm phòng vacxin đã thu hút số lượng hộ chăn nuôi tham gia ngày càng cao.
Ông Lâm Tuấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè, thông tin huyện hiện có khoảng trên 800.000 con gia cầm, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 80% tổng đàn, còn lại có quy mô nuôi từ 200 con trở lên. Hiện công tác tiêm phòng được triển khai và kiểm soát tình hình dịch bệnh hoàn toàn.
Ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho hay, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật và bảo đảm vệ sinh thú y. Riêng các trạm kiểm soát ở khu vực giáp tỉnh như huyện Càng Long, Cầu Kè... đã được bố trí chốt trực 24/24 giờ. Tính đến hiện tại, tình hình dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm tại tỉnh Trà Vinh đang được kiểm soát tốt và ổn định.
Các biện pháp kiểm soát và tiêm phòng dịch bệnh cũng đã được triển khai mạnh mẽ tại các huyện và xã trong tỉnh. Để tiếp tục đạt hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân. Nhờ những nỗ lực này, tỉnh Trà Vinh tiếp tục duy trì tình hình ổn định và tiến tới mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cho gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng.