| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt khai thác cát biển

Thứ Năm 10/07/2014 , 09:52 (GMT+7)

Tình trạng khai thác cát biển tràn lan, vô tội vạ đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng địa phương dường như không có động thái gì tích cực để ngăn cản.

Mặc dù nghiêm cấm khai thác cát tại các vùng ven biển không nằm trong quy hoạch, thế nhưng thời gian qua, tại các địa phương ven biển như các huyện Phú Vang, Phú Lộc (TT- Huế), tình trạng người dân, DN khai thác cát bừa bãi, băm nát bãi biển vẫn diễn ra…

Băm nát bờ biển

Buổi trưa trời nắng như đổ lửa vẫn không ngăn được đoàn người đổ ra biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang) dùng xẻng, vật liệu cào bằng sắt, xe trâu xúc cát biển mang đi bán. Tình trạng khai thác cát biển tràn lan, vô tội vạ đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng địa phương dường như không có động thái gì tích cực để ngăn cản.

Có mặt tại thôn 5, thôn 6, xã Vinh Thanh, từ rừng dương phòng hộ ven biển ra trảng cát sát bờ, hàng chục “lái” xe trâu đổ xô ra biển xúc cát, cách mực nước biển chừng 3-4m.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, một hộ dân ở thôn 6, cho biết: “Từ khi giá cát lên cao, tui sắm xe trâu theo nghề này đã được một năm. Gần đây, do nhu cầu xây dựng nhiều, không chỉ trong thôn xã mà cả người ở các địa phương khác đến khai thác. Một ngày tui làm được 15 đến 20 xe cát, mỗi xe giá 60 ngàn đồng, nhập lại cho xe tải mang đi bán”.

Theo ông Chuẩn, thông thường, khai thác cát biển chỉ đợi sau những đợt sóng to, bờ biển bồi cát lớn. Tuy nhiên, do thời gian gần đây, nhu cầu cần cát xây dựng nhiều, nên người dân sắm xẻng, dụng cụ cào cát bằng sắt, khoét sâu xuống xúc cát. Cát xúc lên xe, tập kết ở trong rừng dương phòng hộ chờ ô tô tải tới chở.

Tại bãi biển thôn 5, có 5 đến 7 hố trải dài trên bờ, khoét sâu 4- 5m, làm hạ độ cao dải cát, gây nguy cơ sạt lở bờ biển rất cao. Nhất là vào mùa mưa bão, việc khai thác cát ồ ạt, vô tội vạ sẽ lấy mất “điểm tựa” của rừng dương chắn sóng ven biển, che chắn cho nhà cửa và vùng nuôi trồng thủy sản bên trong.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ mỗi hố có 3-4 xe trâu chầu chực “ăn” cát. Chỉ riêng một buổi trưa đến chiều tại xã Vinh Thanh đã có hàng chục chuyến xe trâu ra bãi biển cũng như hàng chục chuyến xe tải nườm nượp trên con đường liên xã.

Theo tìm hiểu, toàn xã Vinh Thanh có chừng trên 50 hộ theo nghề khai thác cát biển bán, tập trung ở thôn 5, thôn 6.

Điểm người dân tập trung khai thác nhiều nhất là ở Khe Nước. Ông Phan Văn Mày (thôn 3) khẳng định: “Khai thác cát ven biển tui làm cả năm nay nhưng không nghe xã cấm đoán gì cả. Ban đầu chỉ vài người làm, chủ yếu bán cho những người có nhu cầu xây dựng trong thôn. Giờ thì khác rồi, giá cát cao, nhiều người đổ xô đi làm nghề này, ngoài mang cát nhập cho chủ xe tải Tâm Thức trên địa bàn xã, còn đưa sang các địa phương khác bán".

Trước đó, tại bãi biển thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), DN Resort Tam Giang đóng trên địa bàn đã dùng nhiều xe tải, xe múc ra xúc hàng trăm khối cát biển để tiến hành san lấp mặt bằng trái phép. Việc xúc cát của DN này đã làm cho bãi cát tại đây bị đào xới ngổn ngang.


Khai thác cát tạo thành những hố sâu, hạ thấp bờ cát gây sạt lở

Bờ biển 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc (TT- Huế) có chiều dài gần 100km, trong nhiều năm qua, không chỉ việc các cá nhân, DN lấy cát bừa bãi gây sạt lở, ảnh hưởng môi trường, phá vỡ cảnh quan mà thêm vào đó, với sự xuất hiện của các resort, khu du lịch đã “tàn sát” các cánh rừng phòng hộ ven biển gây nên tình trạng sa mạc hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. 

Đặc biệt, vào mùa mưa bão, đây là khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển xâm thực mạnh đe đọa cuộc sống, cũng như tài sản của người dân. Sau khi vụ việc được phát giác, cơ quan chức năng vào cuộc buộc DN này đình chỉ công việc khai thác cát trái phép và hoàn trả lại mặt bằng.

Tình trạng khai thác cát bừa bãi cũng diễn ra ở các địa phương Vinh An (huyện Phú Vang), Vinh Mỹ, Vinh Giang (huyện Phú Lộc) với hàng trăm xe hộ dân tham gia.

“Tạo điều kiện cho dân khai thác”

Trên đây là khẳng định của ông Nguyễn Trường Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh. Ông Chính thừa nhận, việc người dân khai thác cát trên biển được chính quyền tạo điều kiện do nhu cầu xây dựng tại địa phương. “Khai thác cát biển chỉ có 7-8 hộ thôi, chủ yếu để xây nhà cửa, nằm xa khu dân cư. Cái này cấm cũng không được. Chứ không có chuyện lấy cát để bán”- ông Chính nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân lấy cát trái phép, băm nát các bờ biển không chỉ là “nhu cầu xây dựng trong địa phương” nữa, mà người dân khai thác cát ồ ạt còn để mang bán. Chỉ tính riêng một buổi chiều mục sở thị tại bãi biển thôn 5, thôn 6 và con đường nhựa dẫn ra biển Vinh Thanh, đã có hàng chục chuyến xe tải nườm nượp ra vào “ăn” cát, chở đi các vùng khác tiêu thụ.

Do “tạo điều kiện” cho người dân nên đến nay Vinh Thanh vẫn không lập vùng quy hoạch khai thác cát mà để người dân khai thác ồ ạt, mạnh ai nấy làm, dẫn đến nhiều đoạn tại bờ biển tại Vinh Thanh bị băm nát, nham nhở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng TN- MT huyện Phú Vang khẳng định: “Theo quy định việc lấy đất, cát san lấp, làm vật liệu xây dựng phải có vùng quy hoạch của UBND tỉnh. Riêng vùng biển hiện không có quy hoạch nên nghiêm cấm khai thác cát dưới mọi hình thức. Tại các vùng biển, nếu người dân khai thác chỉ vài xe làm vật liệu xây dựng thì không đáng nói, còn khai thác ồ ạt, lấy từng xe tải mang bán là một chuyện khác, cần phải xử lý”.

Ông Chính cho biết thêm, việc người dân khai thác cát tại các địa phương ven biển chỉ mới nghe thông tin, chứ Phòng TN- MT chưa nắm bắt được. “Sắp tới chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý”- ông Chính, nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.