| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt phát triển quế giống: [Bài 3] Quản lý chất lượng giống theo chuỗi

Thứ Hai 27/11/2023 , 08:36 (GMT+7)

Trong giai đoạn từ nay đến 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái phấn đấu tỉ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc đạt 95% trở lên.

Tỉnh Yên Bái có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nhưng chỉ số ít được cấp phép hoạt động. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nhưng chỉ số ít được cấp phép hoạt động. Ảnh: Thanh Tiến.

Hơn 7% vườn ươm được cấp phép sản xuất, kinh doanh

Nghề rừng có thể tạo ra một loại tài nguyên thiên nhiên tái tạo được, có giá trị phòng hộ đầu nguồn, điều hòa khí hậu, nguồn nước, hạn chế xói mòn, sạt lở, bảo vệ môi trường sinh thái. Yếu tố được xem là quan trọng nhất trong phát triển kinh tế lâm nghiệp là giống cây trồng; giống tốt là tiền đề để phát huy kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả trồng rừng, nhất là đối với rừng sản xuất.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp gồm 9 doanh nghiệp, 4 Hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân. Mặc dù vậy, số cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp phép rất khiêm tốn, chỉ có 77 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 6 cơ sở đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở NN-PTNT, hiện có 285 vườn cố định và gần 800 vườn ươm tạm thời.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thấp, chiếm 7,22%; số lượng vườn ươm cố định chiếm 26,7%, còn lại đa số là vườn ươm tạm thời. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp của các hộ dân còn manh mún, tạm thời, tự phát, chưa có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống quy mô mang tính ổn định, bền vững.

Một thực tế đang diễn ra ở các địa phương là hầu hết các hộ dân đều tự mày mò, tìm phương pháp sản xuất giống cây lâm nghiệp mà không được tập huấn về kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc cây giống. Các cơ sở tự ý thành lập và thuê lao động thực hiện các khâu từ đóng bầu, gieo hạt giống, chăm sóc và xuất bán mà không có sự kiểm soát, thẩm định của cơ quan chuyên môn.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây rừng nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn trong công tác quản lý. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây rừng nhỏ lẻ, manh mún gây khó khăn trong công tác quản lý. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 29 nguồn giống cây lâm nghiệp được công nhận từ rừng giống chuyển hóa với 25 khu rừng giống được công nhận, tổng diện tích hơn 350ha tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và Yên Bình. Với các loài cây như: thông mã vĩ, sơn tra, pơ mu, tô hạp, vối thuốc, sa mộc, quế, mỡ, keo tai tượng, sồi phảng. Có 1 vườn cây mắc ca đầu dòng tại thị xã Nghĩa Lộ, diện tích hơn 1ha.

Nguồn giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận đa dạng về loài cây, đáp ứng được nhu cầu sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng trong và ngoài tỉnh, đồng thời còn cung ứng hạt giống quế, sơn tra cho các tỉnh khác...).

Sản xuất nhỏ lẻ, người mua ham rẻ

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Kiều Tư Giang cho biết thêm, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp còn nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn giống đưa vào sản xuất, kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống lâm nghiệp mang tính nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, không đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật, chưa chú ý thực hiện theo chuỗi hành trình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Một khó khăn nữa trong công tác quản lý là tại cấp huyện, cấp xã lực lượng chuyên trách lâm nghiệp rất mỏng, nhiều địa phương không có biên chế cán bộ lâm nghiệp nên việc quản lý chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động, chỉ thực hiện khi có văn bản chỉ đạo của cấp tỉnh. Nhiều địa phương vẫn coi việc quản lý giống cây trồng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

Nhiều người dân mua cây giống giá rẻ nên cũng không tránh khỏi nguồn giống kém chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều người dân mua cây giống giá rẻ nên cũng không tránh khỏi nguồn giống kém chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số chủ vườn ươm là hộ gia đình, cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp còn hạn chế. Nhiều người trồng rừng muốn giảm chi phí đầu tư nên sử dụng những giống cây giá rẻ, không có nguồn gốc nên số lượng cơ sở sản xuất giống quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình có xu hướng gia tăng.  

Kiểm soát trên 95% nguồn gốc giống cây lâm nghiệp

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Giống tốt là tiền đề để phát huy kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, làm tăng sản lượng, chất lượng và hiệu quả trồng rừng, nhất là đối với rừng sản xuất. Tỉnh đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý và nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến 2025 và định hướng đến năm 2030, phấn đấu tỉ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc đạt 95% trở lên.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 sẽ quản lý, kiểm soát trên 95% nguồn gốc giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 sẽ quản lý, kiểm soát trên 95% nguồn gốc giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt những quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ chất lượng theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính; tập trung chỉ đạo xây dựng các rừng giống cây bản địa để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên lĩnh vực lâm nghiệp;

Khuyến khích thực hiện quản lý chất lượng giống theo chuỗi đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống trước khi đưa vào trồng rừng;

Cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của các sở, ngành về danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đủ điều kiện; danh sách nguồn giống được công nhận hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận theo đúng quy định;

Tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, chú trọng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao.

Bên cạnh công tác quản lý của Nhà nước, các địa phương và đơn vị liên quan cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng nguồn cây giống tại các cơ sở uy tín được cấp phép và người sản xuất cây giống cần tuân thủ các yêu cầu nhằm bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.