| Hotline: 0983.970.780

Ở trong bụng núi, ruột rừng

Thứ Hai 30/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Ở xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có những ngôi làng nằm lẫn mình trong dãy núi Cham Chu. Những ngôi làng như sống trong bụng của núi, trong ruột của rừng.

Cây nghiến cổ thụ trong khu rừng đặc dụng Cham Chu. Ảnh: Đào Thanh.

Cây nghiến cổ thụ trong khu rừng đặc dụng Cham Chu. Ảnh: Đào Thanh.

Phía sau cổng Gió

Vén mây mù, vén màn sương đặc quánh xe chúng tôi từ từ lăn bánh chinh phục con dốc Cao Đường để đến khu vực cổng Gió. Gọi là cổng Gió vì nó là điểm cao nhất (cao hơn 1.000m) trong hành trình vào thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên. Nơi đây hút gió bốn bề về.

Ngày trước sóng điện thoại chưa được phủ rộng, anh em kiểm lâm và người dân trong thôn lên đây để hứng sóng rơi, sóng rớt để liên hệ báo cáo công việc, gọi điện hỏi thăm người thân.

Đi qua cổng Gió là thung lũng Cao Đường, nơi có hơn 80 hộ dân tộc Mông, người Dao sinh sống. Cao Đường nằm trọn trong khu rừng đặc dụng Cham Chu, được rừng ôm ấp, bảo vệ. Khoảng 40 năm về trước, những hộ người Mông, người Dao từ Hà Giang về đây sinh sống. Dần dần họ sinh con đẻ cái lập thành bản, thành làng.

Cũng vì làng sống trong vùng lõi của rừng, với những rừng nghiến, trai, trò chỉ xanh thẫm, đặc biệt nơi đây có cây hoàng đàn, với hương thơm đặc biệt, sau hàng trăm năm vẫn giữ được mùi thơm quý phái, loài cây được người ta tôn sùng là gỗ của thánh thần nên rừng ở đây luôn được những tay lâm tặc khét tiếng săn đón.

Ông Dương Minh Toàn - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cao Đường năm nay 60 tuổi. Người dân nể và tín nhiệm ông bởi sự nhiệt tình trách nhiệm và năng nổ. Ông Toàn cũng là người năng nổ trong công tác giữ rừng ở Cao Đường.

Tôi hỏi: Làng gần rừng nhiều gỗ quý, chắc lâm tặc săn đòn nhiều? Tôi hỏi gợi vào ký ức, khiến cảm xúc của ông dạt dào. Ông Toàn nhớ lại, ông cũng được lâm tặc săn nhiều lắm nhưng ông chẳng tham. Rừng là của thần rừng nếu phá rừng sẽ bị thần rừng trách phạt. Ở làng cũng có mấy vụ phá rừng đều phải trả giá.

Đó là ông Hầu Seo Thề, người đầu tiên nhất ở Cao Đường tham gia phá rừng. Ngày ấy nghe lâm tặc xúi, chỉ cần bán được mấy khúc hoàng đàn sẽ bằng cả năm ông Thề đi núi đào măng, đào củ mài. Nhưng cái giá ông phải trả là 12 tháng tù giam.

Sau khi ra tù, ngại với làng, hổ thẹn với rừng, ông Thề chuyển vào trong Nam làm ăn sinh sống. Tiếp sau đó, năm 2016 anh Đặng Văn Đại, Bàn Văn Đại chỉ vì lòng tham khai thác rừng trái phép bị phạt 27 tháng tù giam…

Ông Toàn kể rằng, ngày trước chưa biết làm kinh tế nên nghèo nhiều hộ mới nghe lâm tặc xúi đi phá rừng. Nay ruộng lúa, nương ngô cho thóc gạo ăn không hết. Nhà nước lại giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 cho 60/82 hộ dân, trung bình mỗi ha được hỗ trợ 400 nghìn đồng/năm nên dân không còn túng thiếu. Không nghe theo lâm tặc phá rừng nữa.

Ở Cao Đường, rừng trở thành một mảnh hồn làng. Người già, người trẻ nơi đây đều tâm niệm, giữ được rừng để thế hệ con cháu sau này biết làng còn biết những loài gỗ quý, biết đến những vất vả, khó nhọc từng ngày của cha ông để giữ rừng nguyên sinh. Những hộ người Dao nơi đây còn lập cả miếu thờ thần rừng.

Khu rừng đặc dụng Cham Chu còn rất nhiều gỗ quý, luôn là điểm nóng để lâm tặc săn đón, vì thế việc tuần rừng được cán bộ kiểm lâm nơi đây thường xuyên thực hiện. Ảnh: Đào Thanh.

Khu rừng đặc dụng Cham Chu còn rất nhiều gỗ quý, luôn là điểm nóng để lâm tặc săn đón, vì thế việc tuần rừng được cán bộ kiểm lâm nơi đây thường xuyên thực hiện. Ảnh: Đào Thanh.

Cụ ông Lý Quang Bình năm nay 80 tuổi chia sẻ, ngôi miếu là nơi linh thiêng của xóm làng. Mong thần rừng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để giữ được nhưng cây gỗ quý, người dân đã buộc những mảnh vải đỏ vào thân cây gỗ quý, như nhắn nhủ với lâm tặc rằng, cây này là của thần rừng, đã được làng báo cáo thần rừng, vì thế ai động đến rừng sẽ bị thần rừng trừng phạt.

“3 cùng” với dân

Khi thảm họa thiên tai, lũ lụt diễn ra người ta mới thấy hết giá trị của rừng. Với 65% độ che phủ, những cánh rừng ở Tuyên Quang thực sự quý như vàng.

Ở Tuyên Quang có 3 khu rừng đặc dụng là rừng Cham Chu, ở huyện Hàm Yên; khu bảo tổn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung ở huyện Na Hang và Rừng đặc dụng Tân Trào ở huyện Sơn Dương. Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh Tuyên Quang là 240 người, tỉnh thực hiện hợp đồng tuần rừng thêm gần 100 người nữa.

Với diện tích rừng rộng lớn thì con số này chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Bởi hiện nay, trung bình mỗi cán bộ kiểm lâm của tỉnh phụ trách vài nghìn ha rừng.

Diện tích rừng cần được giữ thì quá lớn, trong khi rừng ở Tuyên Quang có đến cả trăm loài gỗ quý hiếm. Nhiều gỗ quý nên rừng luôn là miếng mồi béo bở với đám lâm tặc.

Để giữ được rừng rộng lớn như vậy, dù không bảo nhau nhưng các thế hệ kiểm lâm ở Tuyên Quang luôn “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với dân. Nhất là tại những ngôi làng sống trong, hay sống gần vùng lõi của các khu rừng đặc dụng.

Mới được nhận nhiệm vụ công tác tại thôn Cao Đường, xã Yên Thuận 2 năm nay, nhưng kiểm lâm viên Hoàng Văn Quý nhớ vanh vách từng nhân khẩu, năm sinh của các hộ trong làng. Anh bảo rằng, có như thế mới lấy được thông tin của dân.

Chị Hầu Thị Chá, vui vẻ kể, nhờ các anh kiểm lâm nên cái bụng người Mông cũng sáng hơn trong việc cày cấy chăn nuôi. Nhưng các anh uống rượu yếu lắm. Rồi chị nhắc lại câu chuyện tiệc rượu năm ngoái.

Vì đã ngà ngà say nên khi chị ra mời rượu anh Nguyễn Văn Hiệp, kiểm lâm nói với chị như thách thức: Chị có bế thì tôi mới vào uống tiếp được. Tưởng nói thế sẽ làm khó được chị, nhưng chị đã bế thật. Anh Hiệp cao gần 1.8m, nặng hơn 80kg, còn chị nặng chưa đầy 50kg. Sau vụ được bế ấy, anh Hiệp say mất mấy ngày.

Cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu, huyện Hàm Yên coi việc gần dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn, bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu, huyện Hàm Yên coi việc gần dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn, bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Có gần dân như vậy, các anh mới kịp thời nhận được những tin báo về vụ việc phá rừng. Nhớ lại giữa năm 2019, nhận được tin báo, có 1 nhóm lâm tặc từ xã Đức Xuân của huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang sang khu Cham Chu phá rừng nghiến cổ.

Ngay trong đêm đó, trời thì tối đen như mực nhưng các anh chẳng dám bật đèn điện vì sợ lâm tặc phát hiện ánh sáng, chúng lại tẩu thoát nên chỉ tìm đến nơi tâm tặc xâm phạm bằng cách nghe âm thanh từ xa, rồi lần theo từng phiến đá, gốc cây quen thuộc trên núi. Vụ ấy, các anh bắt được 5 đối tượng người Mông và người Dao khai thác rừng trái phép. Hình phạt cao nhất cho các đối tượng là hơn 1 năm tù treo.

Vì nhiệm vụ giữ rừng, các anh kiểm lâm gần rừng, gần bà con thôn bản hơn cả gần nhà, gần người thân. Bởi thế mỗi lần ghé thăm nhà cũng chỉ qua quýt rồi vội vàng vì còn mải lo chuyện lâm tặc phá rừng.

“Có lần dịp 20/11 mình mang bó hoa rừng về tặng vợ ngày Nhà giáo Việt Nam, đứa con nhanh nhảu: Lại là hoa rừng à bố? Vợ thì chẳng nói gì, chỉ nhoẻn cười cầm bó hoa rồi lặng lẽ bước vào nhà”. Anh Phạm Xuân Chiến, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Yên Thuận tâm sự.

Đời kiểm lâm là thế, xa nhà, xa phố thị dân cư, mỗi lần về nhà muốn đi mua quà cho vợ, cho con cũng chẳng biết chỗ nào bán mà mua. Câu chuyện của anh Phạm Xuân Chiến, là nỗi lòng chung của anh em kiểm lâm giữ rừng nơi non cao ở Tuyên Quang.

Rừng Tuyên Quang càng ngày càng già, càng xanh thăm thẳm. Bụng núi, ruột rừng nơi đây đã đang và sẽ tiếp tục cần mẫn làm nhiệm vụ cân bằng sinh thái, điều tiết nguồn nước, hạn chế tác hại của lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… Câu chuyện giữ rừng nơi đây vẫn còn dài như con đường mòn trên núi Cham Chu, dài như con suối, dòng sông…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất