Tối nay, 10/9 theo giờ Washington, tổng thống Obama sẽ đưa ra bài phát biểu về kế hoạch tiêu diệt IS của nước Mỹ. Đây là bài phát biểu rất được mong đợi trong bối cảnh IS được nhiều chuyên gia đánh giá là một mối nguy hiểm còn hơn cả tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda.
Một điểm dễ nhận thấy là chính sách Trung Đông của tổng thống Obama rất khác biệt so với người tiền nhiệm của mình. Nếu như với Bush, giải pháp quân sự luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu thì Obama tỏ ra rất thận trọng trong vấn đề dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp.
Sự thận trọng của Obama là điều dễ hiểu khi mà ông đã hứa khi nhậm chức sẽ đưa nước Mỹ thoát ra khỏi hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, chiến tranh và xung đột không chấm dứt chỉ vì ta mong muốn nó chấm dứt.
Và ông đã buộc phải tự diễn biến trong quan điểm để có cách tiếp cận thực tiễn hơn.
Obama đã ra lệnh cho không quân Mỹ oanh kích hạn chế những mục tiêu của IS để hộ trợ nhân đạo cho tộc người thiểu số Yazidi bị bao vây ở những vùng héo lánh và hỗ trợ cho quân đội người Kurd. Những cuộc không kích hạn chế trên chỉ là bước đi nhằm làm chậm sự bành trướng của IS và tránh một thảm họa nhân đạo có thể đã diễn ra đối với những người Yazidi. Nếu như mục đích cuối cùng của tổng thống Obama là ‘tiêu diệt hoàn toàn IS’ thì chắc chắn không kích chưa phải là lời giải.
Tháng 1 đầu năm nay, khi được hỏi về phản ứng của mình trước việc IS (lúc đó còn gọi là ISIS) đã bắt đầu lấn quân sang đất Iraq và chiếm được thành phố Fallujah, Obama đã so sánh ISIS như những tên jayvee có thể mặc áo của đội bóng rổ LA Lakers nhưng những chiếc áo đó không biến chúng thành Kobe Bryant.
Tám tháng sau, IS là mối đe dọa trực tiếp với an ninh khu vực và các nước thành viên NATO. Sự chủ quan của Obama một lần nữa được thể hiện khi ông không nhận ra một Iraq, dưới sự lãnh đạo của Al-Maliki, bị chia rẽ sắc tộc một cách sâu sắc sẽ tiếp tục là thiên đường với IS.
IS không tốn nhiều công sức để đánh bại quân đội Iraq được trang bị và huấn luyện bởi Mỹ nhưng nhuệ khí gần như bằng không.
IS cũng nhận được sự ủng hộ đáng kể từ người dân trong khu vực mà lực lượng này kiểm soát (Ảnh: Reuters)
Với những gì đã và đang xảy ra trong khu vực, những gì Mỹ làm là chưa đủ để có thể tiêu diệt IS. Chính vì vậy mà bài phát biểu vào lúc 21:00 tối 10/9 theo giờ Washington của Obama rất được chờ đợi.
Một điều chắc chắn là kế hoạch cụ thể về việc tiêu diệt IS sẽ không được đề cập trong bài phát biểu này nhưng chúng ta có thể chờ đợi một bản phác thảo toàn diện về các bước đi tiếp theo của Mỹ và đồng minh.
Ngay trước đó, Ngoại trưởng John Kerry đã đến Iraq khởi đầu cho chuyến công du Trung Đông nhằm vận động sự ủng hộ và kêu gọi tham gia chiến dịch quân sự tiêu diệt IS sắp diễn ra.
Một điều đáng chú ý là trong những ngày gần đây, Obama đã tiến hành vận động hành lang để lấy được sự ủng hộ về một chiến dịch trên không trong lãnh thổ Syria. Đây là một điểm đáng chú ý vì thành trì của IS là thành phố Raqqa ở Syria nên muốn tiêu diệt IS thì vấn đề Syria sẽ không thể bị Obama phớt lờ như trong quá khứ.
Một chi tiết có thể khiến Obama tin vào thành công trong việc đạt được sự đồng ý về một chiến dịch trên không trong lãnh thổ Syria là ông có được sự ủng hộ của đông đảo người dân nước Mỹ (gần 2/3 theo điều tra xã hội học của 2 tổ hợp truyền thông Wall Street Journal và NBC thực hiên từ 3 - 7/9), điều ông không có vào tháng 7 năm ngoái. Việc IS chặt đầu hai nhà báo là công dân Mỹ đã làm tăng sự ủng hộ của người Mỹ về những biện pháp mạnh tay hơn.
Một chiến dịch quân sự trong lãnh thổ Syria có thể sẽ không diễn ra ngay tức thì nhưng nó là điều sẽ xảy ra khi mà các chuyến bay do thám đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Syria, phần chuẩn bị cho một chiến dịch không kích trong tương lai.
NATO, nhiều khả năng dẫn đầu bởi Mỹ, Anh, Pháp và Italy sẽ đi đầu trong việc cung cấp các cuộc không kích, đào tạo và cung cấp vũ khí cho các nhóm quân người Kurd và quân chính qui Iraq để trực tiếp tham chiến trên bộ với IS.
Như vậy, phần công việc về mặt quân sự đã được vạch ra khá rõ ràng. Mỹ và đồng minh sẽ cung cấp thông tin tình báo, không kích, trang bị và huấn luyện, chính quyền Iraq và nhà nước người Kurd sẽ tham chiến trực tiếp trên bộ.
Trong khu vực, Saudi Arabia vẫn sẽ đi đầu trong Arab League trong chiến dịch cung cấp vũ khí và cả huấn luyện nhưng nhiều khả năng sẽ không tham gia vào các cuộc không kích với các đồng minh NATO. Tuy nhiên, các căn cứ quân sự trong khu vực, đặc biệt là các căn cứ nằm trên lãnh thổ Qatar và Jordan có thể sẽ được sử dụng làm nơi cất cánh cho các chuyến bay do thám và oanh tạc của Mỹ và đồng minh.
Một liên minh trong khu vực và giữa NATO sẽ được hình thành trong trận chiến trước IS. Vậy các nước không thuộc liên minh trên thì sao?
Nga và Trung Quốc là hai cái tên đáng chú ý khác, họ đều thể hiện sự ủng hộ trong cuộc chiến chống khủng bố vì một lí do chung là cả hai cũng đang khá vất vả trong cuộc chiến chống những kẻ cực đoan ở trong nước.
Với Nga là vấn đề Chechnya còn Trung Quốc là Tân Cương. Tổng thống Putin đã ủng hộ Bush khi ông quyết định tấn công Afghanistan để tiêu diệt nhà nước Taliban, thậm chí Putin đã cho Bush dùng một số đường vận chuyển qua miền nam nước Nga để làm hậu cần.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay trên vấn đề Ukraine sẽ là rào cản lớn nhất ngăn hai cường cuốc tiến tới một cuộc hợp tác trên vấn đề IS.
Cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice đã gặp với chủ tịch nước Tập Cận Bình để vận động Trung Quốc trong cuộc chiến chống IS. Tuy vậy, sự ủng hộ trên nên được hiểu theo nghĩa một sự ủng hộ về mặt ngoại giao hơn là về mặt vật chất. Một phần vì khả năng quân sự hạn chế của Trung Quốc. Một phần vì Mỹ không muốn giúp Trung Quốc tăng ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông.
Dù như thế nào thì để tiêu diệt được IS sẽ không phải là việc có thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Các chiến dịch quân sự phải được thực hiện một cách dài hạn và sự ủng hộ của các nước thuộc Arab League là rất quan trọng. Tiêu diệt IS trên lãnh thổ Iraq sẽ đơn giản hơn ở Syria nhưng nếu muốn giữ đúng lời hứa tiêu diệt IS tận gốc, vấn đề Syria sẽ không thể bị làm ngơ lâu hơn nữa.