| Hotline: 0983.970.780

Ốc bươu vàng, diệt mãi không hết!

Thứ Hai 23/04/2018 , 09:50 (GMT+7)

Với tốc độ sinh trưởng chóng mặt, ốc bươu vàng từ lâu là kẻ thù của nông dân quê lúa Thái Bình. Thời gian này thời tiết bắt đầu ấm áp, ốc bươu vàng phát triển và phá lúa càng dữ dội hơn...

Để đối phó với nạn ốc bươu vàng, người dân đã đổ xô ra đồng tìm bắt. Tuy vậy nỗi lo từ loài sinh vật ngoại lai này vẫn còn đó khi “ruột” bán cho người, “vỏ” đổ cho ai?
 

Đua nhau diệt ốc

Như NNVN đã phản ánh, nông dân Thái Bình tốn rất nhiều công sức để đối phó với ốc bươu vàng. Song diệt được con trên đồng thì con dưới sông đã lớn. Thế nên ốc bươu vàng cứ sinh sôi, cứ phát triển. Vụ xuân hè và thu đông, người dân quê lúa vẫn còng mình cấy trước, dặm sau. Từ khi có dịch vụ thu mua ốc bươu vàng thì người dân khắp nơi trong tỉnh lại đổ xô ra đồng tìm diệt để cứu lúa, kiếm tiền.

Nông dân tìm diệt ốc bươu vàng trên đồng lúa

Tranh thủ những ngày nắng ấm, vợ chồng ông Nguyễn Đông ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải thức dậy từ rất sớm để ra đồng bắt ốc bươu vàng. Dụng cụ mang theo là một vợt, một rọ và hai bao tải lớn với hai chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại.

Ông Đông cho biết năm nay lượng ốc đã “vãn” nhiều, song con nào cũng to, mẩy nên dễ thấy, dễ bắt và dễ “khêu”, vì vậy mà vợ chồng ông cũng bắt được khoảng 150kg ốc/buổi. Sáng bắt ốc, trưa về luộc sơ và “khêu” miệng để kịp mang tới điểm thu mua. Một ngày làm việc như vậy vợ chồng ông Đông thu được 350 ngàn đồng.

Ở tuổi gần 60, không làm được công ty, xí nghiệp, ông Đông hài lòng về thu nhập hàng ngày của vợ chồng mình. Tại xã Nam Trung một ngày có ít nhất cả trăm hộ dân tham gia bắt ốc bươu vàng về bán.

Tại các địa phương khác như Vũ Thư, Hưng Hà, Kiến Xương… chiến dịch tìm và diệt ốc bươu vàng cũng diễn ra mạnh mẽ. Chị Nguyễn Thị Mỳ - chủ đại lý thu mua ở An Bình (Kiến Xương) cho biết, từ khi ốc bươu vàng được thương lái thu mua, người dân An Bình có thêm nghề mới - tìm diệt ốc bươu vàng.

Là chủ vựa nhưng chị Mỳ vẫn xuống đồng tìm ốc và là thợ săn ốc giỏi. Có những hôm chị Mỳ cùng bà con lội sang tận huyện Vũ Thư để bắt ốc. Trung bình mỗi ngày người dân ở đây đi bắt ốc thu nhập từ 100 - 300 ngàn đồng. Có nhà 3 người đi bắt, thu nhập gần cả triệu đồng/ngày. Có những nông dân được phong “dũng sỹ diệt ốc” với 37 - 40kg đầu ốc/ngày như bà Phạm Thị Vo, Nguyễn Thị Khen ở thôn Bình Trật Nam, bà Nguyễn Thị Chiên ở thôn Bình Trật Bắc. Người dân các xã lân cận như Vũ Tây, Bình Nguyên, Quốc Tuấn có rất nhiều người đi bắt ốc về bán cho các đại lý ở An Bình.

Tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy có những điểm thu mua tập kết ốc bươu vàng lớn, mỗi ngày nhập cả chục tấn ốc. Ông Đinh Văn Khoát, chủ đại lý thu mua tại xã Nam Trung (Tiền Hải) cho biết ốc chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc. Người mua làm gì thì ông Khoát không biết, nhưng nếu Trung Quốc còn mua thì dân cứ bắt bán.

Nông dân “gom” ốc lại bán mỗi ngày tại nhà chị Mỳ

“Vì bắt ốc bươu vàng lúc này giống như “một tên hai đích” vừa diệt ốc cứu lúa, vừa có thêm tiền. Trước mắt là như thế nên chúng tôi vẫn thu mua đều”, ông Khoát giải thích. Giá thu mua ốc bươu vàng ở thời điểm hiện tại là 12 - 13 ngàn đồng/kg ốc thành phẩm; 2 - 3 ngàn đồng/kg ốc sống.
 

Bao giờ mới hết lo về ốc?

Từ lâu, người dân Thái Bình đã không chịu thấu cảnh ốc bươu vàng tàn phá đồng ruộng nên người dân đã tìm mọi phương thức để tiêu diệt loài này. Ngoài bắt thủ công, phương pháp phun thuốc hóa học là lựa chọn thích hợp cho nông dân.

Tuy nhiên vụ lúa xuân hè 2018, rất nhiều ruộng phải phun tới 3 - 4 lần nhưng vẫn ốc bươu vàng vẫn “sống nhăn”. Nông dân phải cấy dặm đến 4 lần mà chưa kín mặt ruộng vì cấy đến đâu, ốc bươu vàng “xơi” đến đó. Nếu vẫn tiếp tục đeo bình phun thuốc thì độc tố quá cao, người nông dân cũng rất mệt.

Bắt ốc đổ lên đê, vài ngày ốc chết bốc mùi rất khó chịu. Nhiều người dân “phẫn uất” đã bắt ốc trong ruộng, dưới sông rồi cho vào bịch ni lông, đổ thuốc hóa học cho ốc chết. Mỗi lần đi làm đồng, người dân chịu nắng nóng, bùn tanh, thuốc bảo vệ thực vật và mùi ốc chết bốc lên khó chịu.

Tại những điểm sơ chế ốc bán như xã An Bình, Kiến Xương thì hết nạn ốc cắn lúa dưới đồng đến nạn vỏ ốc trên đê. Ốc “vơi” cắn lúa lại bốc mùi hôi thối trên bờ ruộng, gây ô nhiễm môi trường sống. Những hôm mưa lớn, xác ốc trôi xuống sông chìm nổi, rất bẩn. Người dân lo sợ nhất khi đi làm đồng vô tình dẫm đạp phải vỏ ốc dẫn đến bị thương.

Ông Khoát đang kiểm tra ốc thành phẩm trước khi xuất kho

Trước nguy cơ vỏ ốc ngập làng, UBND xã An Bình đã tuyên truyền nhân dân đổ vỏ gọn gàng, ủi bãi san lấp vỏ ốc nhằm khắc phục mùi hôi và nguy cơ trôi nổi vỏ trên đồng. Song trên thực tế, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời, chưa phải bền vững.

Tại hầu hết các địa phương bắt ốc bươu vàng để bán đã diễn ra nghịch lý, “ruột” mang bán cho người, “vỏ” để lại nỗi khổ cho dân! Nông dân đứng trước những thách thức mới về môi trường sống.

Người dân Thái Bình và cả nước đã quá khổ với nạn ốc bươu vàng phá lúa. Thuốc diệt ốc đã có, sự chịu thương chịu khó tìm bắt của nông dân đã nhiều, nhưng ốc vẫn sinh sôi nảy nở trên các cánh đồng. Vì sao một sinh vật ngoại lai gây hại lại có thể xâm nhập, phát triển mạnh mẽ trên diện rộng và giải pháp nào để “diệt sạch” chúng, xin được tới các cơ quan quản lý (?!).

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.